Việc Trung ương vừa công bố sai phạm của các cựu lãnh đạo TP. HCM càng củng cố thêm niềm tin của người dân Thủ Thiêm vào công lý song đối với nhiều người còn đang trong vòng luẩn quẩn khiếu kiện, niềm vui và sự hy vọng chưa thực sự trọn vẹn bởi nhiều thứ còn quá mông lung…
Tết buồn
Chiều cuối năm, bên trong căn hộ 5.03 dãy nhà A, lô CD chung cư Bình Khánh (quận 2), bà Phùng Thị Thu Hằng (59 tuổi) thẫn thờ nhìn lên bàn thờ chồng và con trai lớn. Cả hai cha con lần lượt bỏ bà mà đi khi hành trình khiếu kiện đòi công lý vẫn chưa có kết quả. Căn hộ tạm cư hơn 80m2 mà bà mượn để chăm sóc cho ông những ngày cuối đời trở nên trống vắng.
Bà Hằng kể: “Ông xã tui mất hồi cuối tháng 7 năm rồi sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư thanh quản. Cũng may có bà con lối xóm, anh chị em đồng cảnh ngộ mỗi người lo một tay. Chính quyền địa phương cũng quan tâm, cho người xuống tận nơi làm các thủ tục chứng tử. Anh ấy vừa mất thì đến thằng con lớn mới 34 tuổi lâm bệnh. Nó mới mất cách đây một tháng. Căn hộ bây giờ chỉ còn tui và vợ chồng thằng út. Năm nay gia đình không ăn Tết”.
Nhiều năm qua gia đình bà Hằng không có Tết đoàn viên đúng nghĩa vì căn nhà xập xệ và xuống cấp quá nên vợ chồng bà không muốn bà con họ hàng đến chơi để khỏi tủi thân. Năm 1990, hai vợ chồng chọn bán đảo Thủ Thiêm làm nơi an cư, lập nghiệp, trước khi có quy hoạch dự án khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm.
Căn nhà số A2/8 Lương Định Của (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) của bà có diện tích 240m2 là một trong những căn nhà hiếm hoi còn sót lại. Xung quanh nhà, cỏ lau mọc um tùm, cao lút đầu người. Bà Hằng nhớ lại: “Năm 2014, ông xã tui mổ xong vừa xuất viện về thì đã có người chờ sẵn để trao… quyết định cưỡng chế. Tui vừa chăm sóc chồng, vừa cùng bà con Thủ Thiêm đi khiếu nại”.
Nhà bà Út The (75 tuổi) cạnh nhà bà Hằng. Nhiều năm qua, cứ gần Tết bà The cùng một số bà con lại lặn lội ra Hà Nội kêu cứu vì cho rằng, căn nhà của bà nằm trong 5 khu phố thuộc 3 phường (Bình An, Bình Khánh, An Khánh) là ngoài ranh quy hoạch dự án khu ĐTM Thủ Thiêm và đến cận Tết mới trở về. Bà ngậm ngùi: “Khiếu kiện gần chục năm ròng, đến mức đổ nợ mà vẫn chưa biết có kết quả không. Những ngày lang thang ở Hà Nội, thấy người ta tất bật sắm sửa đón Tết, con cháu quây quần đông vui mà rớt nước mắt. Hồi xưa mỗi lần Tết đến là Thủ Thiêm vui lắm. Phố xá đông đúc. Từ hồi có dự án, bà con không còn Tết”.
Bà Phùng Thị Thu Hằng trong căn hộ tạm cư
Kể từ ngày vợ mất, hai cha con ông Trần Kim Long (63 tuổi, cán bộ hưu trí) sống thui thủi trong căn phòng trọ rộng khoảng 20m2. Thiếu bàn tay phụ nữ, căn nhà bề bộn, hương vị Tết cũng lạt lẽo hẳn đi. Ông kể: “Tui từng là trưởng tàu có thâm niên công tác hơn 30 năm trong ngành đường sắt. Hôm ấy đang đi tàu thì nghe tin nhà bị cưỡng chế. Nhà bị thu hồi mà mình không được hiệp thương, không có quyết định thu hồi. Vợ tui ức quá lâm bệnh rồi mất. Tôi gà trống nuôi con. 14 tuổi, con tôi phải bỏ học đi làm bốc xếp, tôi phải chạy xe ôm mới đủ sống và trả tiền thuê nhà vì lương hưu chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng.
Căn nhà gia đình ông Long mua hóa giá trong cư xá đã được UBND quận 2 cấp sổ hồng. Tuy nhiên, đến khi bị thu hồi thì không được bồi thường, không được giải quyết tái định cư. “Tui khiếu kiện đến nay đã hơn 13 năm nhưng chưa được giải quyết bồi thường cũng không được bố trí tạm cư, không biết sắp tới cuộc sống cha con tui sẽ ra sao”, ông Long cho hay.
Ðược hỗ trợ Tết nhưng vẫn tâm tư
Vượt qua những đám ruộng đầy cỏ lau, những ngôi nhà bị đập phá nham nhở, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng cụ Huỳnh Văn Lực (SN 1928, cựu chiến binh, 70 năm tuổi đảng) ở số B3/15 Bis (khu phố 1, phường Bình An). Trên chiếc giường cũ nhập nhoạng, cụ bà Nguyễn Thị Giáp đang múc từng muỗng cháo đút cho cụ ông nằm bất động trên giường. Vừa đút cháo, cụ Giáp kể: “Mấy năm nay có biết Tết gì đâu. Hai vợ chồng có duy nhất một đứa con trai thì không may mất sớm, chỉ còn lại vợ chồng già thui thủi trong căn nhà đã có lệnh giải tỏa…”.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 10/1, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết nhiều năm qua, lãnh đạo quận 2 đã huy động từ nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo Tết cho bà con Thủ Thiêm. Việc gì giải quyết được cho người dân thì ông và lãnh đạo quận sẽ cố gắng làm. “Chia sẻ được gì để giảm bớt khó khăn cho người dân thì chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện. Cũng có những việc quận muốn làm nhưng chưa được vì vượt thẩm quyền”, ông Hưng giãi bày.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, những năm qua, chính quyền quận 2 đã có nhiều hoạt động chăm lo cho người dân đang khiếu kiện ở Thủ Thiêm như giải quyết cho vợ chồng bà Phùng Thị Thu Hằng mượn căn hộ chung cư và lợp lại nhà cho bà Út The để cuộc sống người dân bớt khó khăn. Những hộ chính sách, gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo còn được tặng quà Tết…
Tuy nhiên, việc giải quyết chính sách hoán đổi đất để bồi thường cho người dân khu 4,3 ha bị giải tỏa oan vẫn còn trên giấy dù HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết. Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, có nhiều nội dung vướng về pháp lý và TPHCM không thể tự quyết mà phải chờ ý kiến của các bộ ngành chức năng. Có một số vấn đề cần phải có ý kiến của chính phủ dù TPHCM rất muốn giải quyết sớm. Nếu không có trở ngại thì UBND TP. HCM sẽ cố gắng giải quyết trong Quý 1/2020.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone