Thái Lan phát 14 tỷ USD cho dân: Đổ tiền và kỳ vọng ‘cơn lốc chi tiêu'
(VNF) - Một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách kích thích chi tiêu của người tiêu dùng trong nước sẽ khiến chính phủ Thái Lan tốn hàng tỷ USD.
Giai đoạn đầu tiên của chương trình kích thích "Ví kỹ thuật số" của Thái Lan đã được triển khai vào tuần trước, nhằm thực hiện lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của đảng Pheu Thai trước cuộc tổng tuyển cử của Thái Lan vào năm 2023.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình này trong suốt 11 tháng tại nhiệm, khẳng định rằng việc cung cấp tiền cho người tiêu dùng sẽ giúp tăng trưởng GDP của Thái Lan.
Theo chương trình "Ví kỹ thuật số", khoảng 45 triệu công dân Thái Lan trên 16 tuổi sẽ được nhận 10.000 baht mỗi người để mua sắm, sử dụng một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù tại địa phương trong khoảng thời gian nhất định.
Bất chấp sự chậm trễ trong việc triển khai chương trình và những lỗi ban đầu trong hệ thống nộp đơn xin trợ cấp, hàng triệu người đã đăng ký.
Vào ngày 25/9, chính phủ đã triển khai giai đoạn đầu tiên của chương trình, với 10.000 baht tiền mặt được phân phối vào tài khoản ngân hàng của những người sở hữu thẻ phúc lợi xã hội và công dân khuyết tật ở Thái Lan.
Có phải chính sách kinh tế hợp lý của Thái Lan?
Chiến dịch này ước tính sẽ khiến chính phủ Thái Lan phải chi khoảng 14 tỷ USD và các nhà kinh tế đang thảo luận liệu nó có hiệu quả trong việc thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng hay không.
Bà Ilada Pitsuwan, một nhà báo kinh tế đến từ Thái Lan, cho biết việc trợ cấp này có cả ưu và nhược điểm.
"Về chương trình nghị sự chính trị, rõ ràng là sau khi triển khai khoản tiền mặt 10.000 baht, mức độ ủng hộ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã tăng lên đáng kể, theo cuộc thăm dò của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia Thái Lan (NIDA)", bà Pitsuwan nói với DW.
Tại sự kiện ra mắt chương trình, Thủ tướng Paetongtarn cho biết "tiền mặt sẽ được đưa vào tay người Thái và tạo ra cơn lốc chi tiêu".
Bà Ilada cho biết điều này phản ánh rằng sự thúc đẩy kinh tế có thể giúp Đảng Pheu Thai giành được sự ủng hộ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, người dân Thái Lan cần những thay đổi về cơ cấu cho đất nước.
Bà nói thêm rằng có nhiều người bày tỏ lo ngại chương trình này có thể không mang lại lợi ích kinh tế như mong đợi cho sản xuất trong nước của Thái Lan.
"Thách thức hiện nay của nền kinh tế Thái Lan là dòng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có thể đe dọa ngành sản xuất của Thái Lan về lâu dài", bà nhấn mạnh thêm.
Bà Ilada nói thêm rằng: "Sẽ rất có lợi nếu chính sách này tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, nhưng nếu không, kết quả của mức tiêu thụ khổng lồ này có thể không có lợi cho các nhà sản xuất Thái Lan mà ngược lại còn có thể lan ra cả nước ngoài".
Tích cực cải thiện triển vọng kinh tế
Nền kinh tế Thái Lan không tăng trưởng nhanh như các quan chức chính phủ kỳ vọng, và đó là lý do tại sao các nhà lập pháp đang tập trung vào việc cải thiện triển vọng kinh tế của quốc gia này.
Báo cáo kinh tế Thái Lan của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây dự báo tăng trưởng GDP là 2,4% vào năm 2024, chậm hơn so với các nước trong khu vực.
Đó cũng là một trong những lý do khiến Thái Lan tập trung vào việc thúc đẩy du lịch quốc tế.
Chính phủ Thái Lan gần đây đã nới lỏng các yêu cầu về thị thực cho du khách từ 93 quốc gia nhập cảnh vào nước này trong 60 ngày.
Nước này cũng đang đẩy mạnh việc quảng bá thị thực mới có tên là "Đích đến Thái Lan". Đây là loại thị thực dài ngày hướng đến những người muốn sống và làm việc từ xa tại Thái Lan.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết thị thực mới sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho những người nước ngoài muốn ở lại Thái Lan trong một thời gian dài và cũng có thể làm việc từ xa. Theo đó, những người nhập cảnh bằng thị thực "Đích đến Thái Lan" có thể ở lại tối đa 180 ngày mỗi lần ghé thăm.
Khi hết thời gian này, du khách có thể gia hạn thêm 180 ngày nữa và thời gian lưu trú tối đa đối với loại thì thực này là 1 năm.
Thái Lan dự đoán sẽ có 36 triệu lượt du khách vào cuối năm 2024 và vào năm 2025, sẽ có kỷ lục 41 triệu lượt du khách.
Tiến sỹ Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Thái Lan (ISIS), cho biết Thái Lan phải hướng tới số hóa.
"Tôi nghĩ rằng hiện tại mọi thứ đã thay đổi, họ phải nói nhiều hơn về số hóa, kinh tế số, AI, máy học, cải cách giáo dục", ông chia sẻ với các phóng viên nước ngoài tại Thái Lan vào tháng 8.
Tân Thủ tướng Thái Lan 'loay hoay' với chính sách phát 14 tỷ USD cho dân
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.