Thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021

Trần Lê - 24/12/2020 14:13 (GMT+7)

(VNF) - Khi thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021 thì HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức cũng kết thúc nhiệm vụ tại thời điểm này.

VNF
Thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021

Ngày 14/12, Bộ Nội vụ và ủy ban nhân dân (UBND) TP. HCM tổ chức phiên họp ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. HCM.

Dự kiến ngày 31/12, TP. HCM tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức. Về số lượng phó chủ tịch thành phố Thủ Đức, dự thảo quy định không quá 4 phó chủ tịch. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố Thủ Đức có không quá 13 phòng, gồm 10 phòng theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và 3 cơ quan khác.

Dựa trên tình hình thực tiễn thành phố Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao, nên vai trò của Khoa học – Công nghệ rất quan trọng và cần thiết thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ. Riêng về nội dung cơ chế đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức, TP. HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định riêng.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Nội vụ, về ngân sách, UBND TP. HCM đề nghị bổ sung 1 khoản có nội dung: "UBND phường và các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc TP thuộc TP. HCM lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách năm 2020 và những tháng năm 2021 (khi còn là đơn vị thuộc 3 quận 2, 9 và Thủ Đức), báo cáo Phòng Tài chính – Kế hoạch TP thuộc TP. HCM để xét duyệt, thẩm định và tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách, báo cáo UBND TP thuộc TP. HCM.

UBND TP thuộc TP. HCM lập quyết toán ngân sách địa phương trình HĐND cùng cấp phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước, thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 của quận 2, 9, Thủ Đức và báo cáo UBND TP. HCM, Sở Tài chính TP. HCM”.

Trong khi đó, khi thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021 thì HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức cũng kết thúc nhiệm vụ tại thời điểm này. Do đó, UBND TP. HCM kiến nghị vận dụng quy định nêu trên để quy định việc xử lý các nhiệm vụ về tài chính – ngân sách còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập; trong đó có nội dung quyết toán thu ngân sách nhà nước, thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 của quận 2, 9 và Thủ Đức.

Theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức sẽ có diện tích 211,56km2, dân số hơn 1 triệu người, với 34 phường.

Sau khi sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) thành thành phố Thủ Đức, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của được giao năm 2020 là 1.221 người, số có mặt đến ngày 30/6/2020 là 1.127 người. Trong số đó, bố trí ở thành phố Thủ Đức là 822 người, số người dôi dư sau sắp xếp là 399 người.

Đối với 399 người dôi dư này, trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, bố trí 66 cán bộ, công chức và 26 viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận; điều động sang quận khác hoặc sở, ngành, thành phố; giải quyết chế độ nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử sẽ giải quyết thôi việc.

Một vấn đề lớn người dân quan tâm là việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong đó có thủ tục hành chính sau khi thực hiện sáp nhập.

Cùng chuyên mục
Tin khác