Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngược lại quá khứ, sân golf đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng những năm 20 của thế kỷ XX bởi hoàng đế Bảo Đại (triều Nguyễn), đó là sân Golf Dalat Palace (Đồi Cù). Sân được xây dựng ngay sau khi hoàng đế Bảo Đại du học nước ngoài và du nhập golf vào Việt Nam. Tuy nhiên, golf gần như không phát triển vào thời kỳ đó và sân golf Đồi Cù cũng đóng cửa trong một thời gian rất dài.
Mãi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Việt Nam mở toang cánh cửa hội nhập, ngành Ngoại giao mới nhận thấy golf là môn thể thao giúp kết nối và thúc đẩy giao thương quốc tế. Từ đó, phong trào tập luyện golf tại Việt Nam để giao lưu với các lãnh đạo cấp cao của các diễn đàn quốc tế mới được hình thành.
Từ những năm 90 với những sân golf đầu tiên được mở trở lại cho đến năm 2019, golf ngày càng phát triển và thực sự bùng nổ từ 2010 trở đi. Trong hơn mười năm qua, hàng loạt sân golf mới được xây dựng, đưa vào hoạt động, du lịch golf được chú trọng phát triển, số lượng người chơi tăng nhanh, các hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm golf ra đời và trở thành lĩnh vực khá màu mỡ.
Theo thống kê của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), hiện toàn quốc có khoảng 80 sân golf đang hoạt động. Số sân dự kiến sẽ đạt con số 100 vào cuối năm nay và sẽ tiến tới mốc 200 vào năm 2025. Các địa phương phát triển mạnh về golf nhất là những tỉnh vệ tinh của Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM như: Hòa Bình, Bắc Giang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Bình Dương, Đồng Nai…
Các doanh nghiệp phát triển golf nhiều nhất là FLC Group (với FLC Ha Long Golf Club, FLC Sam Son Golf Links, FLC Quy Nhon Golf Links…); BRG Group (với King Island Golf Resort, Danang Golf Resort, Ruby Tree Golf Resort, Legend Hill Golf Resort, Golf Center); Vingroup (vớiVinpearl Golf Hải Phòng, Vinpearl Golf Nam Hội An, Vinpearl Golf Nha Trang, Vinpearl Golf Phú Quốc), Him Lam (với Tan Son Nhat Golf Course, Long Bien Golf Course…) hay ít hơn là: KN Investment (Long Thanh Golf), Novaland (PGA Golf NovaWorld Phan Thiet), Sun Group (Ba Na Hills Golf Club)…
Ngoài ra, thị trường đang chứng kiến làn sóng gia nhập “làng golf” của hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Chỉ đơn cử một tỉnh nhỏ như Bắc Giang, đầu năm 2022, UBND tỉnh này đã công bố quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với 13 sân golf, trong đó lớn nhất hiện nay là sân Amber Hills Golf & Resort (huyện Yên Dũng) thuộc sở hữu của Tập đoàn Amber.
Đi liền với sự bùng nổ về đầu tư sân golf là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người chơi. Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Lê Hùng Nam, Tổng thư kí VGA, cho biết việc thống kê con số chính xác sẽ phải tùy thuộc vào định nghĩa thế nào là người chơi golf. Nếu tính cả số lượng đang tập và bắt đầu chơi golf thì số lượng người chơi golf tại Việt Nam rất lớn, có thể lên đến hơn 100.000 người. Song nếu tính những người chơi golf thường xuyên với tần suất 2 trận/tháng thì theo số liệu từ V-Handicap, Việt Nam có khoảng 30.000 người.
“Dự kiến số lượng người chơi golf sắp tới sẽ tăng vượt bậc, có thể là tăng gấp đôi ở những năm tiếp theo, khi những người mới làm quen với golf sẽ tích cực tập luyện và chơi golf cũng như giới thiệu thêm nhiều bạn bè khác đến với golf”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, chi tiêu trung bình cho việc tập luyện và chơi golf tại Việt Nam phụ thuộc vào việc tập ở đâu và chơi ở sân như thế nào. Cũng tương tự như các mô hình dịch vụ hay khách sạn, nếu chơi ở những sân golf 5 sao thì chi phí 1 vòng golf có thể dao động 5 - 10 triệu đồng trong khi nếu chơi ở những sân golf không đông người chơi và vào những ngày khuyến mãi thì chi phí có thể chỉ 1 - 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra những cách tiếp cận khác như đánh trên màn hình 3D thì giá có thể dao động 300 - 600 nghìn đồng cho một vòng 18 hố. Chi phí tập luyện ở các sân tập cũng sẽ dao động 80 - 200 nghìn cho 100 bóng tùy vào giờ cao điểm hay ngày lễ.
“Mức chi tiêu này nếu so với các nước có nền golf phát triển trong khu vực thì thực tế mà nói vẫn khá cao khi một vòng golf ở những sân công cộng của Mỹ sẽ có giá 15 - 50 USD trong khi tại Thái Lan sẽ không khó để kiếm một sân có thể chơi với mức dưới 50 USD”, ông Nam chia sẻ.
Về số lượng caddie (người phục vụ trên sân golf), ông Nam cho hay trung bình mỗi sân golf 18 hố sẽ có 100 - 150 caddie, bao gồm lực lượng caddie bán thời gian. Với con số gần 80 sân golf đang hoạt động hiện nay, lực lượng caddie trên cả nước là gần 10 nghìn người.
Thu nhập của caddie sẽ tùy vào vị trí địa lý của sân golf và số lượng người chơi ở sân golf đó. Tuy nhiên, thu nhập trung bình của caddie sẽ dao động 8 - 20 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào số vòng đấu họ phục vụ trong một tháng.
Theo đánh giá của ông Nam, Việt Nam chưa có lực lượng caddie chuyên nghiệp phục vụ cho người chơi golf chuyên nghiệp ở những giải đấu có tổng tiền thưởng lớn nên việc các caddie có thu nhập hàng tỷ đồng là điều chưa có tại Việt Nam. Song, thực tế vẫn có rất nhiều người xuất phát từ nghề caddie với sự ham học hỏi và yêu nghề của mình đã phát triển thành những doanh nhân, nhà quản lý sân, huấn luyện viên chuyên nghiệp và có thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.
“Không có nghề nào là dễ và caddie cũng cần phải được đào tạo và học tập rất nhiều từ hiểu biết sân, chiến thuật, luật golf, kỹ năng tư vấn và cả khả năng đánh golf để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của caddie. Những caddie giỏi thường sẽ được người chơi đặt riêng cho những vòng đấu hay những giải đấu của mình và cũng sẽ nhận những khoản tiền thưởng nhiều hơn cho việc cung cấp dịch vụ tốt tương tự như những ngành dịch vụ khác”, ông Nam thông tin.
Golf đang tăng trưởng mạnh mẽ và chắc chắn còn dư địa phát triển trong tương lai. Trên thực tế, nền kinh tế golf của Việt Nam vẫn còn rất “khiêm nhường” so với các nước lân cận. Lấy ví dụ ở năm 2019, Việt Nam có 96 triệu dân, 78 sân golf và chỉ 0,1% dân số chơi golf. Trong khi đó, Thái Lan cùng thời điểm có 69 triệu người, nhưng có tới 315 sân và 0,7% dân số tham gia; Hàn Quốc chỉ 51 triệu người nhưng số sân golf đạt tới 798 và 12,3% dân số “cuốc đất”. Còn ở Mỹ, số sân golf lên tới 12.752 sân và 8,5% dân số tham gia, mang về giá trị 84 tỷ USD.
Bởi vậy, thúc đẩy kinh tế golf nên là một định hướng quan trọng trong điều hành của cơ quan quản lý. Nước ta có đầy đủ các tiềm năng về tự nhiên, dân số, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và khách du lịch có nhu cầu. Việc bỏ quy hoạch quốc gia về sân golf có thể xem là bước đi quan trọng trong việc mở đường cho kinh tế golf, nhưng để phát huy hơn nữa, rất cần các cơ chế, chính sách mới, thuận lợi hơn, ưu đãi hơn.
Nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Thân Thành Vũ, Phó chủ tịch Hội bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA), cho rằng có ba rào cản cần phải phá bỏ để golf tiếp tục phát triển.
Một là tư duy. Ông Vũ cho biết, cho đến tận bây giờ, golf vẫn đang nằm trong sự tranh cãi giữa hai luồng quan điểm trái ngược. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng golf ảnh hưởng xấu tới sản xuất khi lấy đi nhiều diện tích đất rừng, đất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), làm nông dân mất sinh kế, đặc biệt là gây tổn hại cho môi trường tự nhiên (đất, nước) do sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Luồng quan điểm thứ hai khẳng định rằng golf không gây hại cho sản xuất và đời sống. Ngược lại, golf còn giúp cải tạo môi trường, làm gia tăng lợi ích cho những vùng đất hoang hóa, kém giá trị kinh tế và cải thiện đáng kể thu nhập của người dân địa phương.
Với tư cách là người quan sát và nghiên cứu về golf, ông Vũ khẳng định golf thực sự mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và môi trường. Đơn cử những vùng đất hoang tại Bình Thuận, nhờ phát triển golf mà được phủ xanh, chống nạn cát bay, tạo ra cảnh quan xinh đẹp, thu hút du khách, mang lại giá trị không nhỏ đồng thời giải quyết công ăn việc làm với thu nhập trung bình khá cho hàng trăm, hàng nghìn lao động địa phương.
“Khác với thời kỳ sơ khai, công nghệ làm sân golf ngày nay đã cải tiến vượt bậc, từ chăm sóc cỏ đến hệ thống tưới tiêu, đều không gây hại cho môi trường. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, khá nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tác động của sân golf và cho thấy golf thân thiện với môi trường. Nhật Bản là đảo quốc, rất nhạy cảm và luôn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, vậy mà họ có hàng nghìn sân. Nếu golf gây hại, sao người Nhật lại làm nhiều như vậy?”, ông Vũ nêu quan điểm và nhấn mạnh: “Sân golf thực sự có khả năng cải tạo các khu vực khô cằn, không có giá trị hoặc giá trị kinh tế rất thấp. Tất nhiên, chúng tôi phản đối việc làm sân golf ở rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên hay đất hai lúa đã nằm trong quy hoạch để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.
Như vậy có thể thấy, rào cản đầu tiên cần được gỡ bỏ để golf phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam chính là rào cản tư duy. Những cái nhìn định kiến, thiên lệch về golf chẳng những không giúp bảo vệ môi trường mà còn khiến đất đai không được khai thác hết tiềm năng, bỏ lỡ cơ hội làm giàu, vốn đã được chứng minh tại hàng chục quốc gia phát triển trên thế giới.
Theo ông Vũ, với giới chơi golf, việc trải nghiệm tại các sân golf khác nhau là điều tất yếu. Tuy nhiên, hệ thống sân golf tại các vùng của Việt Nam hiện nay còn phân tán, chưa thành một chuỗi, lại cách trở giao thông. Thông thường, người chơi golf sẽ chấp nhận di chuyển tới sân golf bằng đường bộ trong phạm vi 1 – 2 giờ chạy xe ô tô. Quá 2 giờ chạy xe, họ thường ngại di chuyển, bởi mỗi trận golf 18 hố trung bình “ngốn” 4 – 5 giờ, sẽ không kịp để người chơi đi về trong ngày. Vì vậy, những sân golf ở quá xa thành phố lớn (như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM) thường rất ít khách và dễ rơi vào tình trạng thua lỗ - xét riêng trên hoạt động khai thác sân golf.
Nếu như hạ tầng giao thông tốt, nhất là có cao tốc kết nối, thuận tiện di chuyển thì các sân golf ở xa thành phố lớn cũng vẫn thu hút được lượng khách chơi thường xuyên, đảm bảo được doanh thu, lợi nhuận. Và như vậy, các dự án sân golf sẽ không phải “tính kế” đầu tư bất động sản (biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng) để bù đắp doanh thu.
Chính vì gặp phải tình trạng vắng khách như trên, các sân golf phải đầu tư thêm bất động sản, dễ dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp với cư dân địa phương và khiến xã hội tăng thêm định kiến về việc lợi dụng làm sân golf để bán/cho thuê bất động sản.
Như vậy, hạ tầng giao thông chính là rào cản thứ hai cần phải giải quyết để giúp ngành golf phát triển một cách lành mạnh và bền vững.
Rào cản thứ ba là chính sách thuế. Có thể nói, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, golf từ chỗ bị xem là “trò chơi quý tộc” đã và đang trở thành “môn thể thao đại chúng”. Bởi vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh sân golf là điều cần được cân nhắc gỡ bỏ.
Tại nhiều quốc gia hiện nay, golf là môn thể thao bình thường, đơn giản, dành cho mọi người. Nhiều nước có cả sân golf công cộng, người chơi hoàn toàn miễn phí. Golf không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe mà còn tạo nên cả một “hệ sinh thái” gồm nhiều hoạt động kinh doanh liên quan như: sản xuất gậy, bóng, thời trang golf; nhà hàng, khách sạn… Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho golf sẽ là bước đệm quan trọng tiếp theo để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế golf. Nhà nước sẽ thu được nhiều lợi ích hơn về kinh tế so với việc “gõ” thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sân golf như hiện nay.
Golf là một trong những hoạt động quan trọng để thu hút du khách, nhất là du khách ở tầng cao, có thu nhập tốt và mức chi tiêu lớn, lưu trú dài ngày. Du lịch golf ở nhiều quốc gia là mũi nhọn, mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Du lịch golf tại Việt Nam hiện còn sơ khai, do số lượng sân còn ít, chi phí chơi golf còn khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân và so với các nước trong khu vực. Để đưa du lịch golf Việt Nam phát triển, ông Vũ cho rằng bên cạnh việc phát triển hệ thống sân, điều cần thiết là phải tạo ra phong trào chơi golf rộng rãi để gây dựng đội ngũ chơi chuyên nghiệp, tham gia các giải đấu lớn, gây dựng nên thương hiệu và đưa được các giải đấu quốc tế tầm cỡ về tổ chức tại Việt Nam.
Ở nhiều nước, phong trào chơi golf mạnh mẽ đến mức từ người già đến trẻ nhỏ đều cầm gậy golf “vụt” thường xuyên mỗi tuần. Golf đi vào nhà trường như các môn thể thao đại chúng, có học viện đào tạo, được chăm lo phát triển. Để có một huyền thoại Tiger Woods như hiện nay, phải có một cậu nhóc Tiger Woods cầm gậy golf từ năm 2 tuổi. Còn ở ta, đa số người chơi golf đều ở độ tuổi trung niên. Tuổi này cầm gậy golf chỉ để rèn luyện sức khỏe, giao lưu làm ăn chứ không thể thi đấu đỉnh cao được.
“Muốn Việt Nam trở thành điểm đến của golf thế giới, nâng tầm du lịch golf, việc gây dựng phong trào là bước đi không thể thiếu. Và việc đó cần thực hiện càng sớm càng tốt”, ông Vũ nhận xét.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
(VNF) - Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), cùng VietnamFinance điểm tên những bóng hồng tiêu biểu trong ngành tài chính.
(VNF) - Được ca ngợi là “người hùng” khi đưa Haxaco thoát khỏi bờ vực phá sản và trở thành nhà phân phối Mercedes-Benz hàng đầu Việt Nam, nhưng với doanh nhân Đỗ Tiến Dũng, đó là điều ông chưa từng mong đợi. Giống như câu chuyện cười ông thường kể, tất cả chỉ vì bất đắc dĩ: bị đẩy vào thế khó và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên.
(VNF) - Xây dựng được bản sắc văn hoá của doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, Tân Hiệp Phát đã làm được điều này và tạo dựng được nét riêng trong văn hoá doanh nghiệp bằng chính tinh thần "phụng sự xã hội" được nuôi dưỡng xuyên suốt 30 năm hình thành và phát triển.
(VNF) - Hiểu rằng việc gắn liền mục tiêu kinh doanh với kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng là một bài toán khó, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, trong đó có Tân Hiệp Phát đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất xanh.
ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất khi thụ hưởng các sản phẩm – dịch vụ trong hệ sinh thái thuận ích của Tập đoàn.
(VNF) - Khu công nghiệp Hòa Tâm là khu công nghiệp đa ngành, đầu tư các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.
(VNF) - Xuyên suốt quá trình gần 30 năm phát triển, hoạt động đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, phát huy nghĩa cử “tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách" luôn được Công ty Tân Hiệp Phát chú trọng.
(VNF) - Khi nói đến AI, câu hỏi đầu tiên của nhiều lãnh đạo ngân hàng là “điều đó có giúp ngân hàng kiếm được nhiều tiền hơn không/ có giúp ngân hàng tiết kiệm được nhiều tiền không?. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định được điều đó một cách chắc chắn.
(VNF) - Để AI hoạt động hiệu quả, cần dữ liệu chất lượng cao và đa dạng. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ, và xử lý dữ liệu hiện đang có hạn chế về chất lượng và độ tin cậy. Việc xây dựng và duy trì hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết cho AI cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cũng như kỹ thuật.