Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: An ninh lương thực bị đe dọa, thời tiết cực đoan bao trùm toàn cầu

(VNF) - Một tuần nữa đã trôi qua với nhiều sự kiện đáng chú ý xảy ra. Chủ đề bao trùm trong tuần qua là nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu do hàng loạt biến cố xảy ra, từ việc Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen, cho tới các hình thái thời tiết khắc nghiệt diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Thế giới tuần qua: An ninh lương thực bị đe dọa, thời tiết cực đoan bao trùm toàn cầu

Ảnh minh hoạ.

Thế giới đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực:

1. Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen

Ngày 17/7 vừa qua, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “các thỏa thuận trong Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã hết hiệu lực” bởi Tổng thống Vladimir Putin đã đặt hạn chót là ngày 17/7 để những điều khoản liên quan đến Nga được thực thi tuy nhiên trên thực thế thì vẫn không có biến chuyển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó cũng cho biết nước này đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho hay Moscow sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu "thấy những kết quả chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn".

Thỏa thuận mang tên "Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen", do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán, được kí kết vào tháng 7/2022. Cho tới nay, thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn. Lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong 2 tháng.

Theo thỏa thuận, Nga sẽ cung cấp một “hành lang ngũ cốc” an toàn qua Biển Đen để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Thỏa thuận được ca ngợi là có ý nghĩa quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới tránh khỏi nạn đói.

Được biết gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được Ukraine xuất khẩu trong khuôn khổ thỏa thuận, trước khi chuyến tàu chở hàng cuối cùng rời quốc gia Đông Âu hôm 16/7.

Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã nhiều lần cảnh báo Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được giải quyết.

Theo các chuyên gia, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sụp đổ là đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới và có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào tình trạng thiếu đói. Những quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi và Trung Đông có thể sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào lúa mì của Nga, quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

2. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường

Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati.

Lệnh cấm không áp dụng với trường hợp các lô hàng được đưa lên tàu trước thời điểm ra thông báo cấm; các lô hàng có hóa đơn vận tải được hoàn tất, tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo cấm và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử, hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm ra thông báo cấm.

Thời hạn cho việc xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023. Lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của chính phủ nước đó.

Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ năm 2012. Trong những năm gần đây, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ còn nhiều hơn tổng số gạo xuất khẩu của ba nước Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.

Lệnh cấm này đã khiến thị trường toàn châu Á "đứng hình" - tạm ngưng giao dịch trong ngày 21/7 để dò xét diễn biến tiếp theo của thị trường.

Reuters dẫn nguồn các thương nhân châu Á dự báo sắp tới giá gạo có thể tăng thêm ít nhất từ 50 - 100 USD/tấn. Trong khi đó, đài CNN của Mỹ cho rằng giá gạo 5% tấm có thể tăng lên tới 600 USD/tấn - một mức giá cao không tưởng trong lịch sử ngành này.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, việc Ấn Độ ban hành chính sách cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu. Bộ khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107 của Chính phủ, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá gạo tại thị trường trong nước.

3. Nguy cơ đến từ các hình thái thời tiết khắc nghiệt

Thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ cực cao, hạn hán kéo dài, mưa lớn và lũ lụt đã và đang trở thành một trong những mối đe dọa đối với nguồn cung cấp thực phẩm trên khắp thế giới.

Hiện tại, nhiệt độ cao ở khu vực Nam Âu khiến bò sản xuất ít sữa hơn và cà chua bị hủy hoại. Thu hoạch ngũ cốc cũng sẽ ít hơn nhiều sau khi phải vật lộn với hạn hán.

Ở châu Á, sản lượng từ các cánh đồng lúa của Trung Quốc đang gặp rủi ro và các điều kiện trồng trọt của Mỹ ở mức tồi tệ nhất trong hơn ba thập kỷ vào tháng 6, trước khi vùng Trung Tây có mưa. Giá gạo ở châu Á gần đây đạt mức cao nhất trong hai năm do các nhà nhập khẩu tích trữ hàng tồn kho. 

Ngoài ra, Thái Lan đang yêu cầu nông dân hạn chế trồng lúa chỉ một vụ trong năm nay do nguy cơ hạn hán. Ở Trung Quốc, nhiệt độ cao có thể sẽ khiến vụ mùa chín sớm, ảnh hưởng đến năng suất. 

Mặc dù toàn bộ mức độ thiệt hại sẽ phụ thuộc vào thời gian các điều kiện bất lợi kéo dài, nhưng đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự tàn phá đối với rau quả ở Nam Âu, nơi cung cấp phần lớn cho lục địa.

Tại châu Âu, hạn hán có nghĩa là sản lượng ngũ cốc ở Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ thấp hơn tới 60% so với năm ngoái, góp phần vào vụ thu hoạch ngũ cốc tồi tệ nhất của EU trong 15 năm qua, theo Copa và Cogeca. Trên khắp nước Ý, thiệt hại liên quan đến thời tiết đối với nông nghiệp sẽ vượt quá mức thiệt hại 6 tỷ euro (6,7 tỷ USD) năm ngoái, theo nhóm nông dân Coldiretti.

Tất cả những điều này đang làm dấy lên mối lo ngại về an ninh lương thực và giá cả, tạo ra nguy cơ lạm phát tràn lan trên các kệ hàng siêu thị, và đánh vào túi tiền của người tiêu dùng trên khắp thế giới.

El Nino tạo ra những hiện tượng thời tiết đối lập:

1. Cháy rừng dữ dội ở Canada

Canada đang trải qua đợt cháy rừng tàn khốc nhất trong 30 năm qua khi gần 1.000 đám cháy bùng phát trên khắp đất nước, với những cột khói khổng lồ làm ô nhiễm không khí, tràn xuống cả các khu vực lân cận của Mỹ.

Báo cáo cập nhật ngày 18/7 của Trung tâm chống cháy rừng Canada, có hơn 880 đám cháy đang bùng cháy trên khắp đất nước và ít nhất 580 đám cháy rừng hiện tại “ngoài tầm kiểm soát”.

Các tỉnh bang miền Đông như Quebec, Ontario và Nova Scotia đang phải chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi những đám cháy lớn mất kiểm soát. Tỉnh bang British Columbia ở miền Tây xuất hiện cháy rừng nhiều nhất, với 391 đám cháy đang hoạt động. Tiếp theo là Alberta và Quebec, lần lượt với số lượng 125 và 107 đám cháy đang hoạt động.

Các đám cháy được ghi nhận đã tăng gấp đôi số lượng kể từ tuần cuối tháng 6/2023 khi một số tỉnh bang và vùng lãnh thổ có bầu không khí khô và nền nhiệt cao kỷ lục.

Và các đám cháy cũng đang có tác động to lớn đến nước láng giềng Canada: Các nhà dự báo dự đoán khoảng 70 triệu người Mỹ sẽ thấy tầm nhìn giảm và chất lượng không khí kém, bao gồm cả cư dân Chicago, Detroit, New York, St. Louis và Cleveland.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia ở Atlanta cho biết khói từ các vụ cháy rừng ở Canada đã bay về phía nam vào tối thứ Hai, bao phủ Bắc Georgia, Atlanta và các khu vực khác ở phía đông nam. 

Michael Norton, tổng giám đốc của Trung tâm Lâm nghiệp phía Bắc của Canada, cho biết: “Không quá khi nói rằng mùa cháy năm 2023 đang và sẽ tiếp tục phá kỷ lục theo một số cách. Tổng diện tích bị cháy hiện đã vượt quá bất kỳ năm nào được ghi nhận kể từ khi chúng tôi bắt đầu đo đạc và lưu giữ hồ sơ chính xác".

2. Hy lạp đương đầu đợt nắng nóng lịch sử

Ngày 22/7, Hy Lạp đương đầu với kỳ nghỉ cuối tuần tháng 7 nóng nhất trong 50 năm qua, với nhiệt độ được dự báo sẽ vượt mức 40 độ C, trong bối cảnh hàng chục triệu người ở Bắc Bán cầu đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt mùa Hè khi thế giới tiến tới ghi nhận kỷ lục tháng 7 nóng nhất từ trước tới nay.

Viện nghiên cứu thời tiết quốc gia Hy Lạp cảnh báo đợt nắng nóng đã kéo dài 10 ngày sẽ chưa chấm dứt trong vài ngày tới, đánh dấu đợt nắng nóng lâu nhất mà quốc gia này từng trải qua.

Giám đốc nghiên cứu tại Đài quan sát quốc gia, Kostas Lagouvardos, cho biết dựa trên những dữ liệu hiện nay, đợt nắng nóng có thể kéo dài 16-17 ngày, điều chưa từng xảy ra ở Hy Lạp. Đợt nắng nóng kỷ lục trước đó tại Hy Lạp xảy ra vào năm 1987, khi nhiệt độ duy trì trên 39 độ trong 11 ngày.

Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ thời thiết quốc gia Mỹ (NWS) dự báo toàn miền Nam nước này, với khoảng 80 triệu người, sẽ chứng kiến mức nhiệt từ 41 độ C trở lên cuối tuần này. Một số nơi như Phoenix, Arizona có thể ghi nhận mức nhiệt lên tới 46 độ C. Những địa phương này đã ghi nhận kỷ lục 3 tuần liên tiếp nhiệt độ trên 43 độ C.

Theo nhà khí hậu học Gavin Schmidt thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), thế giới đang tiến đến tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, không chỉ kể từ khi các dữ liệu được ghi chép mà có thể từ hàng trăm năm nay. Chuyên gia này cho rằng xu hướng nắng nóng cực đoan sẽ tồn tại dai dẳng khi khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục được thải vào bầu khí quyển.

3. Mưa lớn kéo dài gây lũ lụt ở Hàn Quốc

Theo hãng tin Yonhap, mưa lớn tại Hàn Quốc trong tuần qua đã làm hư hại hơn 8.000 tài sản thuộc sở hữu công và tư nhân trên cả nước, trong đó có những tuyến đường và đê chắn bị nước cuốn và nhà cửa bị ngập trong nước lũ.

Tính tới chiều 22/7, trung tâm ứng phó thảm họa và đảm bảo an toàn Hàn Quốc, mưa lớn đã làm hư hại 6.064 tài sản công và 2.470 tài sản tư nhân.

Đặc biệt, 1.368 ngôi nhà đã bị ngập trong nước lũ và 83 ngôi nhà khác bị hư hại do ảnh hưởng của mưa lớn. Khoảng 34.353 ha đất nông nghiệp, tương đương hơn 1 nửa diện tích của thành phố Seoul đã bị ngập nước, trong khi 825.000 vật nuôi, trong đó có gà và vịt, bị chết trong đợt mưa lớn này.

Trên cả nước, 1.950 người vẫn chưa được về nhà, phải ở nhờ nhà người thân hoặc những điểm tạm trú ở các trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Tính đến tối 22/7, có 47 người được xác nhận thiệt mạng, 3 người còn mất tích trong đợt mưa lớn tại Hàn Quốc. Nhà chức trách lo ngại thiệt hại có thể tăng khi hầu hết các vùng trên cả nước vẫn có thể hứng chịu gió mạnh và mưa lớn kéo dài đến ngày 24/7.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ tới Ukraine

Tin mới lên