Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ bùng nổ số ca nhiễm Covid-19, Trung-Ấn leo thang căng thẳng

(VNF) - Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở Mỹ, Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong, Trung-Ấn leo thang căng thẳng… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ bùng nổ số ca nhiễm Covid-19, Trung-Ấn leo thang căng thẳng

Cuộc đụng độ khiến hàng chục binh sĩ thương vong ở thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh đã đẩy quan hệ giữa hai quốc gia hạt nhân Trung Quốc và Ấn Độ xuống dốc.

Trung-Ấn leo thang căng thẳng

Cuộc đụng độ khiến hàng chục binh sĩ thương vong ở thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh đã đẩy quan hệ giữa hai quốc gia hạt nhân Trung Quốc và Ấn Độ xuống dốc. Làn sóng tẩy chay hàng tiêu dùng và các ứng dụng Trung Quốc diễn ra rầm rộ ở Ấn Độ sau sự cố ngày 15/6.

Bloomberg ngày 3/7 đưa tin, trong một cuộc họp với các quan chức trong ngành năng lượng, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh tuyên bố Ấn Độ sẽ ngừng nhập toàn bộ thiết bị điện từ Trung Quốc.

Bộ Giao thông vận tải Ấn Độ cũng quyết định cấm các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các dự án đường cao tốc ở nước này trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 quốc gia này đang ngày một leo thang.

Trước đó, ngày 29/6, Ấn Độ cũng đã tuyên bố cấm TikTok, Wechat và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định những "rào cản" mà Ấn Độ dựng lên trong quan hệ song phương chỉ gây tổn hại lợi ích của chính nước này, và kêu gọi New Delhi không leo thang căng thẳng trong lúc hai bên đang tiến hành các cuộc đàm phán.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh sẽ có các biện pháp trả đũa trước việc Ấn Độ gây khó dễ cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vì những căng thẳng ở biên giới hai nước.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở Mỹ

Theo thống kê của Đại học Johns Hokins, Mỹ ngày 3/7 ghi nhận thêm 57.683 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp, đặc biệt ở các bang miền tây và miền nam.

Như vậy, cho tới nay Mỹ ghi nhận tổng cộng 2.890.588 ca nhiễm và 132.101 ca tử vong do dịch Covid-19, tiếp tục là nước có số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

Khoảng 2 tuần trước, số ca mắc mới tại Mỹ ở mức khoảng 22.000 ca/ngày, nhưng trong 7 ngày qua con số này luôn ở mức hơn 40.000 ca/ngày, thậm chí vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày.

Tính tới hết ngày 3/7, Mỹ ghi nhận tổng cộng 2.890.588 ca nhiễm và 132.101 ca tử vong do dịch Covid-19.

Một số bang ở Mỹ ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục trong tuần qua gồm Arizona, Alaska, Alabama, California, Florida, Georgia, Oregon, Tennessee và Texas. Trong đó, bang Florida là nơi có số ca mắc mới tăng mạnh nhất trong ngày 2/7 với hơn 10.000 ca.

Nhiều bang của Mỹ đã phải tạm ngừng kế hoạch mở cửa sau thời gian phong tỏa, đồng thời tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

Cục thống kê lao động Mỹ ngày 2/7 thông báo nền kinh tế Mỹ đã tạo ra kỷ lục 4,8 triệu việc làm trong tháng 6, con số cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Điều này đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm đáng kể xuống còn 11,1%.

Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chứng kiến số lượng việc làm mới được tạo ra sau khi hơn 20 triệu việc làm đã biến mất trong tháng 4 do các lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Việc mở cửa lại nền kinh tế cũng đang giúp giảm bớt gánh đối với thị trường lao động Mỹ.

Tuy nhiên, theo nhận định trên tờ Tạp chí Phố Wall ngày 2/7, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 có thể cản trở sự phục hồi của thị trường lao động.

Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong

Sáng 30/6, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc thông qua dự luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hồng Kông.

Tối cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một sắc lệnh công bố luật mới, tạo tiền đề cho những thay đổi căn bản nhất đối với thuộc địa cũ của Anh kể từ khi nơi này được trao lại cho Trung Quốc 23 năm trước.

Theo đó, Đạo luật An ninh Hong Kong gồm 6 chương, 66 điều, quy định về trách nhiệm của những tổ chức làm nhiệm vụ duy trì an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Cảnh sát Hong Kong giải tán đám đông biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia mới.

Bốn tội chính được xác định trong bộ luật là ly khai, khủng bố, lật đổ nhà nước và thông đồng với nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia. Hình phạt cho các tội danh này có thể lên tới mức chung thân.

Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích khi áp luật an ninh mới với đặc khu hành chính Hong Kong. Những người biểu tình ủng hộ phe dân chủ tại Hong Kong và nhiều quốc gia cho rằng đạo luật vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", vốn được quy định trong Tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984, làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong.

Lưỡng viện quốc hội Mỹ trong tuần qua đã thông qua dự luật Quyền tự trị Hong Kong để trình lên Tổng thống Donald Trump. Theo dự luật này, Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ Trung Quốc thực thi luật an ninh, hạn chế quyền tự chủ của Hong Kong. Đối tượng bị trừng phạt có thể là các quan chức Trung Quốc, cảnh sát Hong Kong hoặc các ngân hàng hợp tác với những quan chức thực thi luật an ninh.

Chính quyền Canada ngày 3/7 cũng tuyên bố đình chỉ hiệp ước dẫn độ và xuất khẩu vật tư quân sự cho Hong Kong để phản đối luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc vừa áp dụng tại trung tâm tài chính này.

Đa số người Nga ủng hộ sửa đổi hiến pháp

Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp Nga diễn ra từ ngày 25/6 và kết thúc vào 21h ngày 1/7 (theo giờ Moscow). Việc kiểm phiếu bắt đầu ngay sau khi các trạm bỏ phiếu đóng cửa.

Sau khi người dân hoàn thành việc bổ phiếu, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) trong vòng 5 ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu sau 3 ngày. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, việc sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.

Hãng thông tấn TASS của Nga mới đây dẫn dữ liệu từ CEC cho biết sau khi kiểm đếm 96,04% phiếu bầu cho biết tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân này là 65%. Trong đó, khoảng 78,05% người Nga ủng hộ sửa đổi hiến pháp, và hơn 21% không ủng hộ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điểm bỏ phiếu.

Theo RT, dự thảo Luật sửa đổi Hiến pháp Nga có 206 sửa đổi, bao gồm việc mở rộng quyền lực của Quốc hội Nga và Tòa án Hiến pháp, giới hạn số nhiệm kỳ của mỗi tổng thống, xác định các quy định của hiến pháp Nga sẽ có giá trị cao hơn so với các thỏa thuận quốc tế. Dự luật cũng mở rộng nghĩa vụ của chính phủ Nga trong các vấn đề xã hội.

Mặc dù dự luật quy định mỗi tổng thống chỉ có thể cầm quyền hai nhiệm kỳ, nhưng cũng kèm theo đề xuất đưa số nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm về 0, đây cũng là điểm sửa đổi quan trọng nhất thu hút sự chú ý của người dân Nga cũng như giới truyền thông.

Nếu kết quả trưng cầu cho thấy người dân tán thành, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tiếp tục ra tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm, tức có thể lãnh đạo nước Nga tới năm 2036.

Xem thêm >> Trung quốc dọa đáp trả nếu Mỹ thông qua luật trừng phạt liên quan đến Hong Kong

Tin mới lên