Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ cấm vận công ty Trung Quốc, số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục tại nhiều nước

(VNF) - Mỹ trừng phạt 4 công ty của Nga và Trung Quốc liên quan đến Iran, nhiều nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục, công dân từ 23 quốc gia phải nộp 15.000 USD tiền thế chấp khi xin visa Mỹ, Anh dự kiến ghi nhận mức vay nợ cao nhất trong thời bình là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ cấm vận công ty Trung Quốc, số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục tại nhiều nước

Mỹ trừng phạt 4 công ty của Nga và Trung Quốc liên quan đến Iran.

Mỹ trừng phạt các công ty của Nga và Trung Quốc liên quan đến Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/11 công bố lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào 4 doanh nghiệp Nga và Trung Quốc với cáo buộc “vận chuyển công nghệ và vật liệu nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Iran".

Những doanh nghiệp nằm trong danh sách này gồm Chengdu Best New Materials và Zibo Elim Trade của Trung Quốc và Tập đoàn Nilco và công ty cổ phần Elecon của Nga.

Theo đó, những công ty này sẽ bị Mỹ áp đặt cấm vận xuất khẩu trong vòng 2 năm từ ngày 25/11.

Mỹ đã tăng cường gây sức ép lên Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, trong đó các nước cam kết nới lỏng trừng phạt, đổi lại Iran giới hạn chương trình hạt nhân nước mình.

Việc xuất khẩu dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này sụt giảm mạnh trong khi hệ thống ngân hàng và quân đội cũng đang chịu các lệnh trừng phạt.

Trong tháng 11, các thanh sát viên của Liên hợp quốc xác nhận Iran đã bổ sung vào kho nhiên liệu hạt nhân được làm giàu của nươc này, vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Chính phủ Iran đã phủ nhận việc theo đuổi nghiên cứu vũ khí hạt nhân.

Nhiều nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục

Sự lây lan của đại dịch Covid-19 vẫn chưa chững lại khi nhiều nước vẫn ghi nhận cố ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục.

Tính đến sáng 28/11, thế giới ghi nhận hơn 61,8 triệu người mắc Covid-19 và 1,44 người tử vong.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 13,3 triệu ca mắc và trên 270.600 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 119.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong ngày 27/11, Nga tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới trong một ngày cao kỷ lục với hơn 27.500 trường hợp, nâng tổng số người mắc ở nước này lên hơn 2,2 triệu ca, trở thành nước có số người mắc Covid-19 cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tổng số ca tử vong tại Nga cũng tăng lên hơn 38.500 người.

Tại châu Á, nhiều nước đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao, thậm chí lên mức cao nhất từ trước tới nay. Thông báo của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, số ca mắc mới và tử vong trong ngày tại nước này tăng cao chưa từng thấy với 5.828 trường hợp nhiễm mới và 169 người tử vong. Như vậy, cho đến nay, Indonesia đã phát hiện tổng cộng gần 522.600 người mắc Covid-19, trong đó có hơn 16.500 trường hợp tử vong. Hiện nước này có số ca mắc và tử vong cao nhất tại Đông Nam Á.

Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao trở lại. Ngày 27/11, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 570 trường hợp.

Căng thẳng Trung Quốc-Australia tiếp tục leo thang

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 27/11 thông báo các nhà nhập khẩu rượu vang Australia sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% từ ngày 28/11.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đây là biện pháp tạm thời nhằm đáp trả việc "gây tổn thất đáng kể cho ngành sản xuất rượu vang trong nước".

Động thái này của Trung Quốc đã khiến căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang lên một mức mới. Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của Australia với doanh số nhập khẩu kỷ lục 1,3 tỷ AUD (900 triệu USD) trong năm 2019.

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud ngay lập tức bác bỏ mọi cáo buộc về việc bán phá giá rượu vang sang thị trường Trung Quốc và khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho những cáo buộc này.

Theo ông Littleproud, quyết định mới này của Trung Quốc cho thấy đây không phải vấn đề của ngành nông nghiệp mà là bị tác động từ những vấn đề khác.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham thì cho rằng quyết định của Trung Quốc cho thấy nước này không tuân thủ Hiệp định Thương mại tự do giữa Australia và Trung Quốc cũng như các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hiện tại, nhà chức trách Australia đang đề nghị Trung Quốc đưa ra giải thích rõ ràng cho quyết định mới, đồng thời hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ tuân thủ các quy tắc của WTO. Australia cũng khẳng định sẽ không ngần ngại đưa vấn đề ra trọng tài độc lập để bảo vệ các doanh nghiệp của mình.

Công dân từ 23 quốc gia phải nộp 15.000 USD tiền thế chấp khi xin visa Mỹ

Mỹ sẽ tạm thời yêu cầu những người đến từ Iran, Myanmar và một số quốc gia châu Phi sẽ phải nộp tối đa 15.000 USD (gần 350 triệu đồng) tiền thế chấp khi nộp đơn xin thị thực (visa) Mỹ.

Quy định mới về thị thực Mỹ dự kiến được áp dụng từ ngày 24/12 và kéo dài 6 tháng, dù vẫn chưa rõ liệu sẽ có thay đổi sau khi chính quyền mới nhậm chức vào ngày 20/1/2021 hay không.

Theo thông báo của Chính phủ Mỹ, chương trình này nhằm trang trải chi phí cho việc trục xuất người nước ngoài ở lại Mỹ quá hạn thị thực. Cụ thể, du khách xin thị thực hạng B cấp cho khách du lịch và người đi công tác ngắn ngày sẽ phải nộp 15.000 USD.

Cơ quan Nhập cảnh và Hải quan Mỹ sẽ thu số tiền này nếu người được cấp thị thực không chứng minh được rằng họ đã rời khỏi Mỹ đúng thời hạn thị thực.

Quy định sẽ được áp dụng cho công dân 23 quốc gia mà theo Mỹ có tỷ lệ ở quá hạn thị thực hơn 10% số trường hợp.

Đa số những cái tên trong danh sách phải nộp tiền thế chấp thị thực Mỹ đều tập trung ở châu Phi, bao gồm Sudan và CHDC Congo và một số quốc gia khác gồm Iran, Myanmar, Afghanistan và Bhutan.

Nước Anh dự kiến ghi nhận mức vay nợ cao nhất trong thời bình

Theo kế hoạch được công bố bởi Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ngày 25/11, Anh đã chi tiêu 280 tỷ bảng Anh (373,5 tỷ USD) để đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 và dự kiến sẽ vay tổng cộng 394 tỷ bảng trong năm nay, tương đương 19 % Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là mức vay cao nhất trong lịch sử thời bình của nước này.

Sang năm 2021, khoản vay dự kiến giảm xuống còn 164 tỷ bảng, trước khi giảm tiếp xuống 105 tỷ bảng vào năm 2022-2023.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính công tại Anh, dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 11,3% trong năm nay, mức giảm lớn nhất trong hơn 300 năm. Khi các hạn chế đi lại được nới lỏng, OBR kỳ vọng kinh tế Anh sẽ bắt đầu phục hồi với mức tăng 5,5% trong năm tới và 6,6% vào năm 2022.

Ông Sunak nhấn mạnh sản lượng kinh tế của nước Anh dự kiến sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng cho đến quý IV/2022 và các thiệt hại kinh tế có thể sẽ còn kéo dài. Điều này có thể đồng nghĩa rằng vào năm 2025, quy mô nền kinh tế sẽ nhỏ hơn khoảng 3% so với dự kiến trong báo cáo ngân sách đưa ra hồi tháng 3.

Xem thêm >> Ông Trump: Biden chỉ có thể vào Nhà Trắng nếu chứng minh 80 triệu phiếu bầu hợp lệ

Tin mới lên