Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga mất soái hạm chủ chốt trên Biển Đen

(VNF) - Trong tuần qua, số người nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt qua mốc 500 triệu ca, trong khi chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 52 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Bên cạnh đó, thế giới cũng ghi nhận nhiều sự kiện đáng chú ý như Sri Lanka vỡ nợ hay việc Hàn Quốc quyết định gia nhập CPTPP.

Thế giới tuần qua: Nga mất soái hạm chủ chốt trên Biển Đen

Những diễn biến chính của thế giới tuần qua vẫn xoay quanh chiến sự tại Ukraine và tình hình dịch Covid-19.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 thế giới

Tính đến ngày 16/4, theo trang worldometer.info, thế giới đã ghi nhận 503 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 6,2 triệu ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, toàn cầu ghi nhận thêm 698.300 ca mắc mới và 2.238 ca tử vong. Hàn Quốc, Pháp và Đức là 3 quốc gia có số ca mắc mới cao hàng đầu thế giới, lần lượt là 125.808 ca, 125.394 ca và 88.188 ca.

Trong 7 ngày qua, thế giới có thêm 5,9 triệu ca nhiễm mới, trong đó 2 khu vực có số ca bệnh nhiều nhất là châu Âu với 2.935.825 ca và châu Á với 2.084.551 ca. Đây cũng là 2 khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất từ khi bắt đầu dịch tới nay.

Mặc dù vây, các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả tại châu Âu và châu Á, vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng kiểm soát dịch, mở cửa du lịch, tiến tới trạng thái bình thường sau đại dịch. Nhiều nước cũng đang khẩn trương cấp phép các mũi tiêm tăng cường cho các đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh, cũng như cho phép tiêm cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi.

Quốc gia duy nhất vẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch là Trung Quốc, nơi ghi nhận hơn 13.000 ca nhiễm trong tuần qua. Tâm dịch của quốc gia này hiện đang tập trung ở Thượng Hải, nơi có hơn 26 triệu dân bị phong toả.

Ngoài ra, ngày 15/4 vừa qua, chính quyền thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây cho biết họ sẽ tạm phong tỏa một phần Tây An từ ngày 16 – 19/4 do có hàng chục ca nhiễm Covid-19 được phát hiện ở đây.

Trước số ca nhiễm mới ngày càng tăng cao và nguy cơ lây lan dịch bệnh trên toàn cầu, ngày 14/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo vẫn chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết suy nghĩ dịch bệnh đang dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu là sai lầm vì Covid-19 vẫn có khả năng gây biến động và dẫn tới các đợt bùng dịch lớn.

Cũng trong ngày 14/4, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp máy xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 đầu tiên phát triển trong nước, cho phép phát hiện các chất hoá học xuất hiện khi người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 và có thể trả kết quả chỉ sau 3 phút.

Chiến sự Nga – Ukraine

Tính đến ngày 16/4, chiến sự giữa Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 52 và vẫn chưa có dấu hiệu cho một thoả thuận ngừng bắn.

Tình hình giữa 2 bên dường như ngày càng căng thẳng, khi phía Kiev liên tục cáo buộc Nga gây ra thảm sát tại các thành phố của Ukraine trước khi rút quân, còn Moscow vẫn tổ chức các cuộc pháo kích tại nhiều địa điểm, nhằm giành quyền kiểm soát vùng Donbass tại miền đông Ukraine trước tháng 5.

Ukraine vẫn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ nhiều quốc gia phương Tây. Mỹ đã cam kết viện trợ thêm vũ khí quân sự trị giá 800 triệu USD cho nước ngày, trong khi lãnh đạo các quốc gia Estonia, Lithuania, Latvia và Ba Lan đã tới tận Kiev, gặp gỡ Tổng thống Zelensky để động viên và bày tỏ sự ủng hộ.

Trái lại, Nga ngày càng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và phải hứng chịu những đòn trừng phạt nặng nề, cả về kinh tế và ngoại giao.

Về mặt kinh tế, Nga vẫn đang chịu nhiều đợt trừng phạt nhằm vào các hệ thống tài chính, ngân hàng, tiêu dùng và năng lượng. Khối các quốc gia EU vừa qua cũng mới quyết định sẽ chấm dứt hoàn toàn việc bán vũ khí cho Moscow và đang xem xét cấm vận dầu mỏ của nước này, sau khi trừng phạt than đá.

Về ngoại giao, nhiều quốc gia đã thực hiện biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga và bị Moscow đáp trả với động thái tương tự. Phía Điện Kremlin cho rằng cánh cửa ngoại giao của Nga với phương Tây đang ngày càng thu hẹp.

Không chỉ vậy, ngày 14/4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga thông báo xác nhận tàu tuần dương Moskva, niềm tự hào của hải quân Nga, đã bị chìm vì lỗ thủng trên thân tàu do "vụ nổ kho đạn một ngày trước đó gây ra và bão lớn", trong khi phía Kiev cho rằng tàu này chìm do trúng tên lửa Neptune của nước này.

Nhưng dù nguyên nhân là gì, việc Nga mất đi con tàu chủ chốt đã từng góp mặt trong nhiều trận chiến cũng đánh dấu một bước thụt lùi trong chiến dịch quân sự của Nga.

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ

Từng được kỳ vọng trở thành “con hổ” tiếp theo tại châu Á nhờ tiềm năng phát triển kinh tế và vị trí địa chiến lược trên các tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế, tuy nhiên, ngày 12/4, chính phủ Sri Lanka tuyên bố đất nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, đồng thời tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD.

Nguồn cơn của cuộc khủng hoảng Sri Lanka được cho là bắt nguồn từ vụ tấn công khủng bố hồi tháng 4/2019 tại thủ đô Colombo khiến 279 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương, bao gồm cả du khách nước ngoài khiến ngành du lịch, chiếm 10% GDP đất nước, lao dốc.

Sau đó, đại dịch Covid-19 kéo tới cũng khiến nước này ngày càng khó khăn về kinh tế, dự trữ ngoại hối giảm chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD vào tháng 3/2022, kết hợp với tỷ lệ lạm phát cao và đồng tiền mất giá, dẫn tới việc nước này không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu để duy trì cuộc sống cho người dân.

Theo Reuters, quốc gia Nam Á hiện nợ khoảng 12,55 tỷ USD dưới dạng trái phiếu chính phủ quốc tế (ISB), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ nước ngoài khoảng 35 tỷ USD tính đến năm 2021. Trung Quốc cũng là “chủ nợ” lớn nhất của quốc gia này với khoảng 10% trong khoản nợ 51 tỷ USD, bên cạnh Ấn Độ và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Hiện tại, chính phủ Sri Lanka đã phải đề nghị với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp gói cứu trợ khác cho đất nước, đồng thời đề nghị Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp gói tín dụng để quốc đảo này có thể trang trải các khoản nợ.

Hàn Quốc quyết định gia nhâp CPTPP

Ngày 15/4, hãng truyền thông Yonhap đưa tin Hàn Quốc đã quyết định tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong bối cảnh nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục xuất khẩu và đảm bảo chuỗi cung ứng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Kế hoạch tham gia CPTPP của Hàn Quốc được thông qua tại cuộc họp các bộ trưởng liên quan đến lĩnh vực kinh tế ngày 15/4 và sẽ nhanh chóng được hoàn thiện các thủ tục liên quan và chính thức nộp đơn xin gia nhập trước ngày 9/5, thời điểm Tổng thống Moon Jae-in kết thúc nhiệm kỳ.

Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc ước tính việc gia nhập sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư cho Hàn Quốc, tăng GDP lên 0,33 - 0,35%.

Ngoài Hàn Quốc, Đài Loan, Ecuador và Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP trong khi Anh đã bắt đầu quá trình đối thoại để gia nhập.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Các thành viên CPTPP chiếm khoảng 15% tổng khối lượng thương mại toàn cầu năm 2020.

Xem thêm >> Nối dài danh sách quốc gia chấp thuận mua khí đốt Nga bằng đồng ruble

Từ khoá: Nga, Sri Lanka, CPTPP, Hàn Quốc,
Tin mới lên