Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga thu hẹp mục tiêu quân sự, máy bay Trung Quốc gặp tai nạn thảm khốc

(VNF) - Sau 1 tháng thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga tuyên bố đã hoàn thành giai đoạn đầu và sẽ tập trung vào mục tiêu quân sự mới, trong khi Triều Tiên cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi vụ thử tên lửa ICBM gần đây. Vụ tai nạn máy bay khiến 132 người thiệt mạng tại Trung Quốc cũng là một trong những tin tức hàng đầu trong tuần.

Thế giới tuần qua: Nga thu hẹp mục tiêu quân sự, máy bay Trung Quốc gặp tai nạn thảm khốc

Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý của thế giới do màn thử tên lửa ICBM mới nhất.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo worldometer.info, tính tới 8h30 sáng ngày 26/3, thế giới ghi nhận tổng cộng 479.317.393 ca mắc Covid-19, trong đó 6.138.014 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 1.467.436 ca mắc mới và 4.393 ca tử vong. Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 339.396 ca; Đức đứng thứ hai với 276.746 ca; tiếp theo là Pháp với 143.571 ca.

Chủng phụ BA.2 của biến thể Omicron hiện đang là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng lây nhiễm tại khu vực như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Được biết, số ca nhiễm mới tại Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây, nhưng quốc gia này quyết định giữ nguyên các lệnh nới lỏng, tiến tới trạng thái sau đại dịch.

Tại châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 điểm nóng. Trong khi Hàn Quốc nhiều lần ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt mức 300.000 ca, thì Trung Quốc, dù số ca nhiễm mới chỉ dao động trên 1.000 ca, vẫn đang thực hiện các biện pháp phong toả và xét nghiệm diện rộng, tránh tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc một số quốc gia có số ca nhiễm tăng cao trở lại là do một số quốc gia đã thực hiện các lệnh nới lỏng quá sớm.

Tổ chức này cũng cảnh báo các quốc gia châu Phi, nơi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều quốc gia đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch, rằng không nên lơ là với Covid-19 và khuyên người dân không nên nghĩ rằng dịch bệnh đã kết thúc.

Một nghiên cứu mới được thực hiện tại Trung Quốc cho thấy chủng BA.2 của Omicron nguy hiểm hơn cho trẻ em so với các biến thể khác hoặc so với virus cúm thông thường. Vì vậy, phụ huynh không nên lơ là với các triệu chứng mắc bệnh Covid-19 của trẻ nhỏ.

Chiến sự tại Ukraine bước sang tháng thứ 2

Ngày 25/3, chiến sự tại Ukraine đã chính thức bước sang tháng thứ 2 và vẫn chưa có dấu hiệu về một lệnh ngừng bắn, dù Nga và Ukraine vẫn tích cực đàm phán một cách thường xuyên.

Tính tới thời điểm hiện tại, quân đội Nga vẫn chưa chiếm được thành phố lớn nào của Ukraine, thay vào đó tuyên bố đã phá huỷ lực lượng không quân và các hệ thống phòng không Ukraine, đồng thời đã “xoá sổ” lực lượng hải quân của Ukraine, theo Cục trưởng Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, tướng Sergei Rudskoy.

Cũng theo ông Rudskoy, Nga hiện đã hoàn thành giai đoạn đầu của chiến dịch và từ giờ sẽ chỉ tập trung vào mục tiêu chính là "giải phóng vùng Donbas, miền Đông Ukraine", thay vì tấn công các thành phố trên khắp cả nước như trước.

Thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất hiện giờ là thành phố cảng Mariupol. Chính quyền thành phố cho biết 80% cơ sở hạ tầng của Mariupol đã bị hư hại, một số bị phá hủy hoàn toàn. Thành phố hiện không có nước và điện, trong khi khoảng 400.000 cư dân vẫn mắc kẹt giữa các cuộc pháo kích.

Cuộc chiến tại quốc gia Đông Âu đã tạo ra gần 4 triệu người tị nạn, nhiều khả năng gây nên một cuộc khủng hoảng người di dân tại khu vực châu Âu. Mỹ mới đây cũng đã cho biết sẽ tiếp nhận khoảng 1 triệu người tị nạn để giảm bớt gánh nặng cho khu vực này.

Về kinh tế, cả Nga và Ukraine cũng đang hứng chịu những tổn thương kinh tế nặng nề. Sự bất ổn từ 2 quốc gia xuất khẩu nguyên liệu phục vụ nông nghiệp, sản xuất chip và dầu khí đã khiến thế giới phải đổi mặt với gián đoạn nguồn cung trong một số ngành, giá cả tăng cao và có nguy cơ gây nên nạn đói toàn cầu.

Tuy nhiên, Nga vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế nhất so với cuộc chiến, bởi quốc gia này không chỉ tổn hại về chi phí quốc phòng mà còn đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt về kinh tế. Sau Mỹ và Anh, EU cũng đang thể hiện quyết tâm “cai nghiện” năng lượng Nga trong tương lai gần, nhằm làm giảm doanh thu từ ngành công nghiệp chính của quốc gia này.

Đáp lại, Nga cho biết sẽ thu đồng ruble với các hợp đồng năng lượng của các quốc gia “không thân thiện”. Đồng thời, nước này cũng tỏ ra không “mặn mà” với chuyện có khả năng bị loại khỏi G20.

Triều Tiên thử tên lửa ICBM loại mới

Sau nhiều lần thử tên lửa từ đầu năm tới nay, ngày 24/3, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới Hwasong-17 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Kim Jong-un.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, Hwasong-17 là ICBM loại cực lớn lần đầu được ra mắt tháng 10/2020 và được giới phân tích gọi là "tên lửa quái vật", chưa từng được phóng thành công trước đây.

"Tên lửa, được phóng tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, bay tới độ cao tối đa 6.248,5 km và bay quãng đường 1.090 km trong 4.052 giây trước khi đánh chính xác vào khu vực định sẵn" ở biển Nhật Bản, KCNA đưa tin.

Reuters đánh giá lần phóng thử ngày 24/3 thu được kết quả cao hơn lần phóng ICBM gần nhất của Triều Tiên vào năm 2017. Khi đó, tên lửa Hwasong-15 bay trong 53 phút, đạt độ cao 4.475 km và tầm bắn 950 km.

Vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên đã bị Liên hợp quốc, Mỹ và Hàn Quốc kịch liệt lên án. Mỹ gọi đây là động thái vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Cánh cửa ngoại giao chưa hề đóng lại nhưng Bình Nhưỡng cần ngay lập tức ngừng các hành động gây bất ổn”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên tiếng nhấn mạnh vụ phóng Hwasong-17 “vi phạm cam kết của Chủ tịch Kim Jong-un với cộng đồng quốc tế tạm ngưng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

Sau vụ phóng ngày 24/3, KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ.

Chủ tịch Kim Jong-un trong buổi thử tên lửa Hwasong-17 ngày 24/3.

Tai nạn máy bay thảm khốc tại Trung Quốc

Ngày 21/3, máy bay Boeing 737 mang số hiệu MU5735 của hãng China Eastern Airlines đã bị mất liên lạc vào lúc 14h15 (giờ địa phương) và gặp tại nạn thảm khốc khi đang thực hiện hành trình từ thành phố Côn Minh ở phía tây nam đến Quảng Châu.

Theo truyền thông nhà nước, máy bay chở 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn đã gặp một sự cố khiến máy bay đột ngột hạ độ cao và lao thẳng xuống đất tại địa phận thành phố Ngô Châu (tỉnh Quảng Tây). Không có dấu hiệu sống sót được phát hiện sau vụ tai nạn.

Dữ liệu chuyến bay từ công ty cung cấp dữ liệu hàng không VariFlight cho thấy sau khi chuyến bay MU5735 cất cánh từ sân bay Côn Minh, máy bay đã bay ở độ cao khoảng 8.869m. Độ cao của máy bay gặp nạn giảm từ 8.869m đến 1.333,5m trong khoảng 3 phút, sau đó lao thẳng xuống đất và bốc cháy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo các dịch vụ khẩn cấp của nước này "tổ chức hoạt động tìm kiếm và cứu hộ" cũng như "xác định nguyên nhân của vụ tai nạn", truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay. Tuy nhiên, các nỗ lực cứu hộ bị cản trở bởi địa hình núi hiểm trở và thời tiết xấu.

Vụ tai nạn đã kết thúc kỷ lục 4.227 ngày bay an toàn trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới của Trung Quốc, đồng thời đã làm ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý khách hàng trong nước. Được biết, sau vụ tai nạn, rất nhiều hành khách Trung Quốc đã quyết định huỷ vé máy bay, đồng thời ngành hàng không trong nước cũng đối mặt với xáo trộn lớn.

Tính tới thời điểm hiện tại (26/3), hầu như không còn hi vọng tìm thấy người sống sót sau vụ tai nạn. Ngày 23/3, đội tìm kiếm đã tìm thấy hộp đen ghi âm buồng lái, và đã gửi đến Bắc Kinh để phân tích. Tuy nhiên, hộp đen thứ 2 vẫn chưa được tìm thấy.

Dù số người thiệt mạng chưa được xác nhận nhưng thân nhân các gia đình có nạn nhân tử vong đang bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Về mặt pháp lý, luật pháp Trung Quốc quy định các công ty bảo hiểm trả tối thiểu 70.000 USD cho nạn nhân. Ngoài ra, China Eastern Airlines cũng sẽ bồi thường 2 - 4 triệu NDT (300.000 – 600.000 USD) nếu hành khách mua bảo hiểm du lịch.

Công ty điều hành Nord Stream 2 phá sản

Ngày 25/3, tờ Stuttgarter Zeitung của Đức đưa tin Nord Stream 2 AG, công ty điều hành tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, đã nộp đơn xin phá sản tại Thụy Sĩ.

Theo chia sẻ của Giám đốc điều hành công ty, ông Matthias Warnig, đây là một “bước ngoặt cay đắng” với công ty nhưng là điều không thể tránh khỏi bởi những ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hồi đầu tháng 3, người đứng đầu Bộ Kinh tế bang Zug của Thụy Sĩ cho biết Công ty Nord Stream 2 AG "bị vỡ nợ, mất khả năng thanh toán do lệnh trừng phạt của Mỹ”.

Dòng chảy phương Bắc 2 đã được hoàn thành từ tháng 9/2021 song gặp nhiều khó khăn trong việc cấp phép hoạt động. Sau đó, cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang khiến đường ống dẫn khí này trở thành một trong những “điều kiện trao đổi” giữa phương Tây và Nga.

Tới thời điểm Nga tấn công Ukraine, Đức chính thức tuyên bố vô hiệu hoá đường ống trị giá hàng tỷ USD, khiến công ty Nord Stream AG rơi vào tình trạng không đủ khả năng thanh toán nợ.

Xem thêm >> Căng thẳng Nga - Ukraine tác động như thế nào đến thị trường dầu khí toàn cầu?

Tin mới lên