Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Pháp hủy dự án có sự góp mặt của Trung Quốc, Nga biên chế vũ khí 'chưa ai có'

(VNF) - Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Nga sẽ biên chế vũ khí 'chưa ai có', Pháp hủy dự án khủng có sự góp mặt của Trung Quốc, Mỹ muốn Hàn Quốc trả gần 5 tỷ USD 'phí bảo vệ'... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua (4/10-10/11).

Thế giới tuần qua: Pháp hủy dự án có sự góp mặt của Trung Quốc, Nga biên chế vũ khí 'chưa ai có'

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Mỹ ngày 4/11 chính thức gửi thư lên Liên Hợp Quốc thông báo sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo các điều khoản của hiệp định, quá trình Mỹ rút khỏi  Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ phải mất một năm để thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của hiệp định này vào ngày 4/11/2020 - một ngày sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm sau.

Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cho rằng hiệp định sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã lập tức thực hiện lời hứa tranh cử.

Vào ngày 1/6/2017, ông đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để bảo vệ nước Mỹ và người dân Mỹ, song sẽ bắt đầu đàm phán lại nhằm mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho nước Mỹ, cho doanh nghiệp, người lao động và người dân Mỹ nói chung.

Nga sẽ biên chế vũ khí 'chưa ai có'

Phát biểu trong lễ thăng quân hàm cho các sĩ quan quân đội cấp cao ngày 6/11, Tổng thống Nga Valdimir Putin tuyên bố Nga dự kiến tăng năng lực quốc phòng, đưa các hệ thống vũ khí siêu vượt âm và laser vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cùng với đó là nhiều vũ khí hiện đại mà chưa nước nào có.

Ông chủ Điện Kremlin khẳng định những khí tài quân sự mới nhất của Moscow chỉ có mục đích bảo vệ an ninh, đối phó với những mối hiểm họa ngày càng gia tăng nhằm vào nước Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay với các sĩ quan quân đội cấp cao.

Tuyên bố được Tổng thống Nga đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định Moscow và Bắc Kinh sẽ sớm thách thức ưu thế của Washington trên chiến trường nhờ các tiến bộ trong công nghệ quân sự, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI).

Tổng thống Nga hồi tháng 9 tuyên bố nước này sẽ phát triển những mẫu tên lửa bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để đáp trả vụ Mỹ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất hôm 18/8. Dù vậy, ông Putin khẳng định Moscow sẽ không triển khai chúng trừ khi Washington hành động trước, đồng thời cảnh báo về mối đe dọa từ lá chắn tên lửa Mỹ dự định bố trí trên lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Pháp hủy dự án khủng có sự góp mặt của Trung Quốc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/11 đã quyết định hủy dự án khu phức hợp mua sắm và giải trí trị giá 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) của Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) và Tập đoàn Vạn Đạt (Trung Quốc) gần thủ đô Paris.

Dự án "EuropaCity", nằm giữa sân bay Roissy-Charles de Gaulle và Paris-Le Bourget phía Bắc Paris, bao gồm rạp xiếc và dốc trượt tuyết trong nhà cũng như các cửa hàng và nhà hàng, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhà hoạt động vì môi trường khi cho rằng dự án sẽ phá hủy một trong số ít các khu vực tự nhiên rộng lớn gần Paris. Tổng thống Pháp Macron cho rằng: "Đó là một dự án lỗi thời, không phù hợp với kỳ vọng của người dân. Chúng không đáp ứng nhu cầu người dân hiện nay và trong tương lai".

Alliages & Territoires, công ty phụ trách dự án EuropaCity, cho biết quyết định hủy dự án trung tâm mua sắm này là "một sai lầm" và là một đòn giáng vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của khu vực Val D'Oise.

Trong khi đó, phía Tập đoàn Trung Quốc Vạn Đạt cho biết công ty này chỉ tham gia quá trình lên ý tưởng và thiết kế dự án.

Mỹ muốn Hàn Quốc trả gần 5 tỷ USD 'phí bảo vệ'

Washington yêu cầu Seoul chi 4,7 tỷ USD để duy trì binh sĩ và vũ khí Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

James DeHart, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách đàm phán an ninh, đưa ra con số 4,7 tỷ USD trong cuộc gặp các quan chức quốc hội Hàn Quốc hôm 7/11 và khẳng định đây chỉ là một phần nhỏ trong chi phí quốc phòng được Washington bỏ ra, theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc.

Mỹ đang duy trì khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú và nhiều khí tài hiện đại tại Hàn Quốc.

"Tổng thống Donald Trump muốn Seoul đóng góp nhiều hơn cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc", cố vấn DeHart nói trong cuộc họp. Mỹ tin rằng đàm phán về chia sẻ kinh phí quốc phòng với Hàn Quốc sẽ là chuẩn mực cho những cuộc đối thoại tương tự với Nhật Bản, Đức và NATO.

Tuy nhiên, quan chức Hàn Quốc cho rằng chi tiêu quốc phòng phải được quốc hội nước này phê chuẩn. Khoản tiền Washington yêu cầu cao gấp 5 lần so với những năm trước và Seoul khó lòng đáp ứng được đòi hỏi này, theo chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hàn Quốc Yoon Sang-hyun.

Tỷ phú Bloomberg tham gia tranh cử Tổng thống

Ngày 8/11, truyền thông Mỹ đưa tin tỷ phú Michael Bloomberg đã chính thức nộp các giấy tờ cần thiết để tham gia tranh cử Tổng thống.

Theo các nguồn tin, ông Bloomberg tham gia với tư cách ứng cử viên của đảng Dân chủ tại bang Alabama. Hiện tên tuổi của ông Michael Bloomberg cũng đã xuất hiện trên trang mạng trong số 17 ứng cử viên của đảng Dân chủ tham gia tranh cử tại bang Alabama.

Trong khi đó, người phát ngôn của ông Bloomberg – ông Jason Schechter cho biết tỷ phú này đã nhận được 2.000 chữ ký ủng hộ để tham gia tranh cử.

Tỷ phú Michael Bloomberg.

Ông Jason Schechter nói: “Thông báo chính thức về việc ông Michael Bloomberg tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ sẽ được công bố vào đầu tuần tới. Sẽ không bất ngờ nếu như chiến dịch tranh cử của ông tập trung vào các vấn đề như kinh tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, biến đổi khí hậu hay kiểm soát súng đạn”. 

Cùng ngày, cố vấn Howard Wolfson của ông Bloomberg cho biết cựu thị trưởng thành phố New York có thể sẽ bỏ qua các bang bỏ phiếu sớm – nơi những ứng cử viên khác đã đầu tư nhiều thời gian cho các cuộc gặp mặt cử tri và xây dựng quan hệ.

Xem thêm >> Trung Quốc: Giá thịt lợn tăng hơn 101%, lạm phát cao nhất 8 năm

Tin mới lên