Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Triều Tiên ‘miễn nhiễm’ với Covid-19, Nga coi Mỹ là quốc gia ‘không thân thiện’

(VNF) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Triều Tiên vẫn "miễn nhiễm" với Covid-19; Nga chính thức coi Mỹ và Czech là những quốc gia “không thân thiện”; WHO cảnh báo năm Covid-19 thứ hai chết chóc hơn nhiều; Mỹ thu hồi quy định siết nhập cư thời cựu Tổng thống Donald Trump là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Triều Tiên ‘miễn nhiễm’ với Covid-19, Nga coi Mỹ là quốc gia ‘không thân thiện’

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Triều Tiên chưa có ca nhiễm Covid-19 nào.

WHO xác nhận Triều Tiên vẫn "miễn nhiễm’ với Covid-19"

Hãng tin Yonhap ngày 11/5 dẫn một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Triều Tiên đã làm xét nghiệm cho 751 người trong khoảng thời gian từ 23-29/4 và không ai cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cũng theo báo cáo, trong số những người được kiểm tra, 139 người mắc bệnh như cúm hoặc nhiễm trùng hô hấp cấp tính nghiêm trọng nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy những người này chỉ mắc bệnh về đường hô hấp khác chứ không phải Covid-19.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Triều Tiên đã làm xét nghiệm Covid-19 cho tổng cộng 25.986 người nhưng không phát hiện trường hợp dương tính nào với virus SARS-CoV-2.

Cũng theo Yonhap, Triều Tiên dự kiến nhận khoảng 2 triệu liều vaccine Covid-19 thông qua Hội đồng cung cấp vaccine quốc tế (COVAX Facility), nhưng đến nay lô hàng vẫn chưa đến với nước này.

Việc Triều Tiên “miễn nhiễm” với đại dịch Covid-19 trong khi thế giới có gần 160 triệu ca đã khiến nhiều bên nghi ngờ, trong đó có các quan chức cấp cao Hàn Quốc. Những người này cho rằng Triều Tiên giấu ca bệnh.

Nga chính thức coi Mỹ và Czech là những quốc gia “không thân thiện”

Ngày 14/5, Chính phủ Nga tuyên bố chính thức coi Mỹ và Czech là những quốc gia “không thân thiện”.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật hạn chế số người Nga được làm việc tại các phái đoàn ngoại giao và tổ chức nước ngoài, yêu cầu chính phủ lên danh sách những nhà nước “không thân thiện” sẽ bị áp dụng luật này.

Theo đó, cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga sẽ không thể tiếp tục tuyển dụng nhân viên là người địa phương, còn số lượng người Nga được tuyển vào cơ quan đại diện của Czech nhiều nhất là 19.

Moscow cho biết, vấn đề giới hạn nhân viên cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga đã được chốt lại và không thể thay đổi. Moscow hy vọng Mỹ sẽ điều chuyển nhân sự theo quy định mới trước ngày 1/8 tới.

Bộ Ngoại giao Czech chỉ trích động thái này của Moscow, coi đây là "một bước đi nữa làm leo thang căng thẳng quan hệ không chỉ với Czech mà cả với Liên minh châu Âu và các đồng minh".

Quan hệ giữa Nga và Czech xấu đi đáng kể từ khi Czech cáo buộc tình báo quân đội Nga đứng sau vụ nổ kho đạn dược năm 2014 rồi trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga.

WHO cảnh báo năm Covid-19 thứ hai chết chóc hơn nhiều

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo năm thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể sẽ chết chóc hơn nhiều so với năm đầu tiên.

Theo ông Tedros, kết hợp giữa đẩy mạnh tiêm chủng vaccine với các biện pháp phòng dịch là cách duy nhất để thế giới thoát đại dịch.

Cảnh báo của WHO được đưa ra khi nhiều nước đang bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt ở Ấn Độ.

Ông Tedros nói cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay ở Ấn Độ là mối lo ngại lớn. Ấn Độ hiện là tâm dịch lớn thứ hai thế giới và đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 14/5, Ấn Độ ghi nhận hơn 24 triệu ca mắc, trong đó hơn 250.000 người đã tử vong.

Cũng tại cuộc họp báo, người đứng đầu WHO kêu gọi một số quốc gia giàu có chia sẻ nguồn vaccne ngừa Covid-19 cho các nước khác thay vì tiêm chủng cho trẻ em vào thời điểm này.

Tính đến sáng 15/5 (theo giờ Việt Nam), đại dịch Covid-19 hiện đã lan tới 220 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 162 triệu người nhiễm và hơn 3,3 triệu người tử vong.

Mỹ thu hồi quy định siết nhập cư thời ông Trump

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/5 đã thu hồi quy định do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra vào năm 2019 về việc cấm nhập cư đối với những người không có bảo hiểm y tế hoặc không có khả năng trả các chi phí y tế.

Trong thông báo được Nhà Trắng công bố, Tổng thống Biden cho biết sắc lệnh năm 2019 “không thúc đẩy lợi ích của Mỹ” và chính quyền hiện nay có thể mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng với giá cả phải chăng mà không cần phải ngăn chặn việc cấp thị thực cho những người nhập cư thiếu phương tiện tài chính hoặc chưa mua được bảo hiểm y tế.

Trong thời gian tới, các bộ Ngoại giao, An ninh Nội địa, Y tế và Dịch vụ Dân sinh sẽ xem xét lại tất cả các quy định, sắc lệnh, cũng như các tài liệu hướng dẫn và chính sách được đưa ra theo sắc lệnh năm 2019 để ban hành hướng dẫn sửa đổi.

Trước đó, sắc lệnh năm 2019 yêu cầu những người nộp đơn xin thị thực phải chứng minh được rằng nếu có vấn đề sức khỏe phát sinh, họ sẽ được chi trả bảo hiểm y tế trong vòng 30 ngày kể từ khi nhập cảnh vào Mỹ hoặc phải có đủ khả năng thanh toán cho “chi phí y tế có thể lường trước một cách hợp lý.”

Việc đảo ngược sắc lệnh ký năm 2019 cho thấy nỗ lực mới nhất của Chính quyền Tổng thống Biden trong việc hủy bỏ một số chính sách cũ về vấn đề người di cư.

Xem thêm >> Không hài lòng với kết quả của WHO, Mỹ yêu cầu tiếp tục điều tra nguồn gốc Covid-19

Tin mới lên