Thị trường cạnh tranh độc quyền là gì?

Quỳnh Anh - 27/06/2018 23:26 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu thị trường cạnh tranh độc quyền (monopolistic competition) là gì?

VNF
Cạnh tranh độc quyền (monopolistic competition) là một loại cấu trúc thị trường.

Thị trường cạnh tranh độc quyền là gì?

Cạnh tranh độc quyền hay cạnh tranh không hoàn hảo (monopolistic competition/imperfect competition) là một loại cấu trúc thị trường có 3 đặc điểm chính

Nhiều người bán và người mua: Thị trường bao gồm một số lượng lớn người bán (các doanh nghiệp) và người mua (người tiêu dùng) hoạt động độc lập với nhau

Sản phẩm phân biệt: Sản phẩm mà các doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền cung ứng phân biệt với nhau theo một phương diện nào đó. Nhưng khác biệt này có thể mang bản chất vật chất, đặc tính về chức năng hoặc chỉ là tưởng tượng, tức sự khác biệt là giả tạo, hoàn toàn do hoạt động quảng cáo và xúc tiến bán hàng tạo ra.

Tự do gia nhập và rời bỏ thị trường: Không có sự cản trở hay trở ngại đối với sự gia nhập hoặc rời bỏ thị trường của các doanh nghiệp. Trong lý thuyết về cạnh tranh độc quyền, người ta cho rằng sự phân biệt sản phẩm phát sinh từ sự trung thành với nhãn hiệu hàng hoá không cản trở sự gia nhập.

Nếu không tính đến phương diện phân việt sản phẩm, thì về mặt cấu trúc, thị trường cạnh tranh độc quyền tương tự như thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Việc phân tích trạng thái cân bằng của một doanh nghiệp cá biệt trong thị trường cạnh tranh độc quyền có thể thực hiện bằng cách nghiên cứu một doanh nghiệp đại diện; nghĩa là, tất cả các doanh nghiệp đều được giả định là phải đối phó với chi phí và điều kiện nhu cầu giống hệt nhau và họ luôn tìm cách tối đa hoá lợi nhuận. Từ những giả định như vậy, người ta có thể xác định được trạng thái cân bằng của thị trường.

Điểm cân bằng của thị trường

Là người tối đa hoá lợi nhuận, doanh nghiệp sản xuất mức sản lượng OQ và bán với mức giá OP, tức tại điểm có chi phí cận viên (MC) và doanh thu cận biên (MR) bằng nhau. Trong ngắn hạn, điều này có thể đem lại cho các doanh nghiệp mức lợi nhuận bất thường.

Trong dài hạn, mức lợi nhuận bất thường cao thúc đẩy các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, qua đó ép đường cầu của các doanh nghiệp hiện có xuống phía dưới, tức đẩy đường cầu sang trái, làm giảm mức bán ra tại mọi mức giá. Quá trình gia nhập mới tiếp diễn cho tới khi lợi nhuận bất thường quá cao không còn nữa.

Hình mô tả ở trên chỉ ra trạng thái cân bằng dài hạn của một doanh nghiệp đại diện. Nó tiếp tục tối đa hoá lợi nhuận tại mức sản lượng OQc và mức giá OPc mà tại đó chi phí cận biên bằng doanh thu cận biên, nhưng giờ đây chỉ đem lại lợi nhuận bình thường. Trạng thái đem lại lợi nhuận bình thường trong dài hạn này tương tự như trạng thái cân bằng dài hạn của doanh nghiệp cạnh tranh trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền có xu hướng sản xuất mức sản lượng thấp hơn và bán với giá cao hơn so với doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo. Vì đường cầu dốc xuống, nên nó phải tiếp xúc đường chi phí bình quân dài hạn ở bên trái của điểm thấp nhất.

Khi so sánh với thị trường cạnh tranh hoàn hảo, chúng ta cần chú ý rằng đường chi phí bình quân dài hạn của nó cao hơn đường chi phí bình quân dài hạn của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo và các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo sản xuất mức sản lượng tương ứng với điểm thấp nhất trên đường chi phí bình quân dài hạn của họ. Như vậy, các doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền hoạt động ở mức thấp hơn quy mô nhà máy tối ưu và kết quả là có sự dư thừa công suất trên thị trường.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Cùng chuyên mục
Tin khác