Bất động sản

'Thiếu nhà đầu tư và quỹ đất sạch là nút thắt lớn nhất trong xây dựng nhà ở công nhân'

(VNF) - Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, nút thắt lớn nhất hiện nay trong việc phát triển nhà ở cho công nhân là nhà đầu tư và quỹ đất sạch.

'Thiếu nhà đầu tư và quỹ đất sạch là nút thắt lớn nhất trong xây dựng nhà ở công nhân'

'Thiếu nhà đầu tư và quỹ đất sạch là nút thắt lớn nhất trong xây dựng nhà ở công nhân'

Đóng góp ý kiến tại toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp”, ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh lâu nay các dịch vụ cho người lao động như nhà ở, trường học, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ba nút thắt xây dựng nhà ở cho công nhân

Trong thời gian qua, ông Điệp cho biết tác động của dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động...

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng, theo ông Điệp, là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.

Mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, tuy nhiên trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Cụ thể, ông Điệp cho biết thiếu hụt nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Theo Điều 9, Nghị định 100/NĐ-CP quy định: “Chủ đầu tư dự án được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng tại Việt Nam”.

Nhưng thực tế do nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo tính toán từ Bộ Xây dựng, đến 2020, nhà nước phải bố trí được 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội nhưng hiện ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 mới chỉ 2.163 tỷ đồng. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định gồm 4 ngân hàng thương mại chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội và cũng chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.

“Vì vậy, có nhiều dự án nhà xã hội không thể triển khai do thiếu hụt nguồn vốn”, ông Điệp nhấn mạnh.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec.

Không chỉ thiếu hụt nguồn vốn, ông Điệp cho biết thiếu hụt quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân cũng đang là vấn đề tồn tại. Mặc dù Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 665 phê duyệt đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng tại nhiều địa phương quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trong khu công nghiệp chưa có sẵn để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.

“Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp mong muốn được đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để đảm bảo nguồn lao động ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động nhưng lại thiếu quỹ đất để đầu tư”, ông Điệp cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa khai thác tối đa quỹ đất 20% đất ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Đáng lưu ý hơn, ông Điệp cho rằng thực tế, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư.

Đề xuất cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư

Ông Điệp cho rằng Bộ Xây dựng cần sớm phối hợp các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này trình Quốc hội ban hành.

Trong đó, quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở cho công nhân, để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Trước mắt, để quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn, ông Điệp đề nghị Bộ Xây dựng sớm đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân.

Đồng thời, trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí quỹ đất làm nhà ở cho công nhân (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân và có cơ chế chính sách ưu đãi.

“Như vậy, sẽ tháo gỡ được nút thắt lớn nhất hiện nay về việc phát triển nhà ở cho công nhân đó là nhà đầu tư và quỹ đất sạch xây dựng nhà ở”, Chủ tịch Shinec nói.

Tin mới lên