Thị trường

Thông tư 05/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ có điều khoản phản khoa học?

(VNF) – Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng Điều 8, Thông tư 05/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ là phản khoa học, đi ngược với quy định quốc tế Codex20 về ghi nhãn dinh dưỡng CAC/GL 23-1997.

Thông tư 05/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ có điều khoản phản khoa học?

Thông tư 05/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ có điều khoản phản khoa học?

Điều 8, Thông tư 05/2019 quy định: “Trường hợp trên nhãn hàng hóa có nhấn mạnh sự không có mặt, không chứa hoặc không bổ sung một hoặc một số thành phần thì thành phần đó không tồn tại trong hàng hóa và trong các nguyên liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa”.

Theo EuroCham, Codex chỉ hướng dẫn cho công bố “không bổ sung đường” và “không bổ sung muối”, trong khi Điều 8 vừa có tiêu chí khác với Codex, vừa mở rộng cho tất cả các thành phần khác của sản phẩm.

“Điều này là phản khoa học vì có rất nhiều các dưỡng chất luôn có sẵn tự nhiên trong các nguyên liệu thực phẩm như đường có sẵn trong sữa, hoa quả, ngũ cốc…, chất béo có sẵn trong quả ô-liu…và rất nhiều các dưỡng chất khác. Do đó, nhà sản xuất không thể đảm bảo chúng không tồn tại trong các nguyên liệu sản xuất thực phẩm được”, EuroCham phân tích.

Theo hiệp hội này, quy định tại Điều 8 đang gây ra hệ lụy cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.

Cụ thể, người tiêu dùng sẽ không có các thông tin về công bố dinh dưỡng một cách đầy đủ. Ví dụ những người có chỉ định hạn chế dùng muối sẽ không có đủ thông tin trên nhãn để lựa chọn sản phẩm một cách phù hợp. Lý do là doanh nghiệp đã tuân theo yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng của Codex về điều kiện để có công bố không có muối (<0,005g/100g sản phẩm) nhưng họ không được quyền ghi công bố này do yêu cầu tại Điều 8 là đòi hỏi hàm lượng muối bằng 0.

Điều tương tự xảy ra với các chất khác có quy định trong Codex như: không có chất béo nếu <0,5g/100 sản phẩm, không có chất béo bão hòa nếu <0,1g/100g sản phẩm, không có cholesterol nếu <0,005g/100g sản phẩm, không có đường nếu đường <0,5g/100g sản phẩm.

Với doanh nghiệp, do Điều 8 đang dàn hàng ngang tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu sử dụng các nguyên liệu có sẵn các chất tồn tại tự nhiên (như đường, chất béo, muối…) và doanh nghiệp bổ sung thêm các chất này do sử dụng nguyên liệu tự nhiên không được phép công bố “không bổ sung đường”, nên môi trường cạnh tranh trở nên bất bình đẳng.

EuroCham cũng cho rằng quy định của Điều 8 đang đi ngược luật pháp quốc tế tạo nên rào cản trong thương mại. Cụ thể là doanh nghiệp không nhập được các sản phẩm không tuân thủ theo Điều 8 mặc dù các nhãn hàng này đã tuân theo hướng dẫn ghi nhãn của quốc tế như hướng dẫn ghi nhãn của Codex và các sản phẩm này đã được lưu hành rộng rãi trên thế giới.

Quy định mới này sẽ tạo nên rào cản thương mại cho sản xuất-kinh doanh, và đẩy Việt nam ra khỏi hội nhập quốc tế.

EuroCham đề nghị Chính phủ sửa Điều 8 để phù hợp với quy định quốc tế Codex về ghi nhãn dinh dưỡng CAC/GL 23-1997 và cần phải có yêu cầu riêng biệt khác nhau cho 2 loại công bố không có mặt, không chứa và công bố không bổ sung.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với “đồ uống có đường trừ sản phẩm sữa” sẽ gây bất lợi?

Hồi năm 2017, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt . Dự thảo này hiện vẫn đang được xem xét bởi Chính phủ.

Trong dự thảo này có đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với “đồ uống có đường trừ sản phẩm sữa”. Theo EuroCham, cách định nghĩa các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như vậy rộng và không rõ ràng có thể dẫn đến rất nhiều khó khăn trong thực tế triển khai.

Cụ thể, cụm từ “đồ uống có đường” có thể bao gồm bất kỳ sản phẩm nào dùng để uống dạng lỏng, không chỉ bao gồm đồ uống để giải khát, mà còn có các loại thuốc, các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng với lợi ích sức khỏe cần được khuyến khích sử dụng, chẳng hạn như: thuốc dạng lỏng có chứa đường (siro ho, thuốc nước…), sản phẩm dinh dưỡng công thức dạng lỏng cho trẻ em, thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng lỏng…

“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ khiến người Việt khó tiếp cận với các sản phẩm dinh dưỡng, do đó, có ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện các mục tiêu của chính phủ trong Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình Sức khỏe Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1092/QĐ-TTg”, EuroCham đánh giá.

Hiệp hội này cũng cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường có thể tạo thêm nguồn thu mới cho Chính phủ, nhưng điều này lại có thể gây tác động tiêu cực lên doanh số bán hàng, lợi nhuận doanh nghiệp và các cơ hội việc làm tại Việt Nam – tất cả các yếu tố này đóng góp vào nguồn thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Hơn nữa, việc tăng giá các sản phẩm sữa, dinh dưỡng và thực phẩm chức năng do tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt có thể góp phần làm tăng tình trạng buôn lậu qua biên giới, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, dẫn đến thất thu thuế và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

EuroCham kiến nghị Chính phủ thay thế thuật ngữ “đồ uống có đường” bằng “nước giải khát có đường” trong dự thảo, bởi cụm từ này chỉ rõ công dụng của sản phẩm, do đó cơ quan quản lý dễ dàng phân biệt nước giải khát với các nhóm sản phẩm có công dụng khác. Điều này sẽ giúp luật dễ thực thi và phù hợp với yêu cầu ghi nhãn phải nêu công dụng sản phẩm tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, hiệp hội này cũng đề xuất “sữa, các sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng” nên được loại trừ khỏi đối tượng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Các nhóm sản phẩm loại trừ này giúp làm rõ phạm vi điều chỉnh, giúp luật thực thi dễ dàng và không ảnh hưởng đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

Tin mới lên