Thu hút tập đoàn công nghệ toàn cầu, Malaysia 'có cùng bài toán' với Việt Nam

Minh Ý - 26/04/2024 12:49 (GMT+7)

(VNF) - Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn đang "âm ỉ", nhiều công ty lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất sang Đông Nam Á, và Malaysia là một trong những nước được hưởng lợi từ xu hướng này.

"Nơi cư ngụ" của nhiều ông lớn

Theo CNA, chiến lược "Trung Quốc+1", tức các công ty đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và sản xuất tại 1 quốc gia khác ngoài Trung Quốc, đã mang lại lợi ích to lớn cho Malaysia, quốc gia xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 trên thế giới, nắm giữ 7% thị phần toàn cầu và đóng góp tới 23% thương mại chất bán dẫn của Mỹ vào năm 2022.

Chỉ riêng Malaysia đã chiếm 13% hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip trên thế giới. Hệ sinh thái công nghiệp hiện tại của đất nước, đặc biệt là ở Penang và Kulim ở bang Kedah, là "thỏi nam châm" thu hút các công ty công nghệ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về các công nghệ tiên tiến.

Tính đến năm 2022, hơn nửa triệu người đã làm việc trong ngành E&E (điện và điện tử), làm việc với các nhà sản xuất chip toàn cầu từ STMicroelectronics NV và Infineon Technologies AG cho đến Intel và Renesas Electronics Corp.

Texas Instruments, Ericsson, Bosch và Lam Research đều đang mở rộng ở Malaysia.

Tại Penang, Intel hiện diện từ 52 năm trước với việc thành lập nhà máy sản xuất quốc tế đầu tiên, và đang xây dựng một nhà máy khác - nơi sẽ trở thành cơ sở ở nước ngoài đầu tiên của công ty về đóng gói chip 3D tiên tiến.

Malaysia là cơ sở ở nước ngoài lớn nhất của Intel, với lực lượng lao động hơn 10.000 nhân viên ở hai cơ sở ở Penang và Kulim. Đây là một trong những cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất, đồng thời là địa điểm trưởng thành với nhiều chức năng trong sản xuất, thiết kế, phát triển và các dịch vụ hỗ trợ địa phương và toàn cầu.

Ngoài ra, việc nhiều công ty bán dẫn và xe điện chuyển đến Đông Nam Á để vượt qua các hạn chế thương mại và củng cố chuỗi cung ứng, Malaysia cũng đang ở một vị trí đặc biệt hấp dẫn.

Tháng 1 năm nay, Infineon Technologies của Đức cho biết sẽ mở rộng cơ sở tại Khu công nghệ cao Kulim của Malaysia để sản xuất chip sử dụng trong xe điện.

Lợi thế thu hút đầu tư

Vị trí chiến lược của Đông Nam Á ở Biển Đông và mối quan hệ kinh tế lâu dài với Trung Quốc và Mỹ khiến Malaysia trở thành một địa điểm hấp dẫn để mở cửa kinh doanh. 

Không như Thái Lan hay Việt Nam - những quốc gia bắt đầu đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây, Malaysia đã có lợi thế dẫn trước từ lâu.

Đất nước này đã thúc đẩy làn sóng công nghệ từ những năm 1970 khi tích cực "tán tỉnh" một số siêu sao điện và điện tử của thế giới, như Intel và Litronix (nay là Osram, có trụ sở chính ở Áo và Đức).

Chính quyền nước này đã tạo ra một khu vực thương mại tự do trên đảo Penang, đưa ra các chính sách miễn thuế và xây dựng các khu công nghiệp, nhà kho và đường sá. Lao động giá rẻ, cũng như dân số nói tiếng Anh đông đảo và chính phủ ủng hộ đầu tư nước ngoài là những điểm cộng khác.

Andreas Gerstenmayer, giám đốc điều hành của AT&S cho biết, lịch sử sản xuất chất bán dẫn của Malaysia là một trong những điểm thu hút chính.

Tengku Zafrul Aziz, Bộ trưởng đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia, cho biết đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng vào năm 2019, được thúc đẩy bởi việc sử dụng rộng rãi chất bán dẫn trong mọi thứ, từ ô tô đến thiết bị y tế. 

Sau khi đại dịch Covid-19 bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự quan tâm đến Malaysia càng tăng mạnh và có tốc độ cao hơn nữa khi xung đột giữa các cường quốc bùng nổ.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều chuyển sang xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn đáng tin cậy của riêng mình, bên cạnh việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng khác như năng lượng tái tạo và xe điện. Và với lợi thế gần gũi với cả Bắc Kinh lẫn Washington, Malaysia được coi là một "nơi đặt tổ" an toàn.

Nhà tư vấn bất động sản Samuel Tan, giám đốc điều hành của KGV International Property Consultants, nói với CNA: “Chúng tôi thân thiện với cả Trung Quốc và Mỹ. Vì cuộc chiến thương mại giữa họ, chúng tôi trở thành cầu nối thích hợp để cân bằng cuộc chiến thương mại giữa hai nước này. Các nước châu Âu cũng đang chuyển đến Malaysia vì họ muốn xuất khẩu sản phẩm của mình sang Trung Quốc”.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đang tích cực thực hiện chiến dịch thu hút đầu tư công nghệ cao. Trước đó, vào tháng 3, ông đã có bài phát biểu quan trọng tại Ngày Tương lai SME 2024 hàng năm ở Berlin, đưa ra lời mời cởi mở tới các công ty Đức cũng như các doanh nghiệp trên khắp châu Âu đầu tư vào Malaysia.

“Chúng tôi cam kết và sẵn sàng hỗ trợ các bạn. Nếu bạn cần (thị trường) Trung Quốc, thì bạn cần một căn cứ quan trọng ở Malaysia”, ông Anwar nói trong sự kiện SME 2024.

Đất nước này đã chứng kiến ​​​​sự gia tăng ổn định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ kể từ năm 2021, trong đó Intel và gã khổng lồ chip Infineon Technologies mỗi bên đầu tư 7 tỷ USD bên cạnh việc đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm.

Gã khổng lồ công nghệ AT&S của Áo đang sản xuất bảng mạch cao cấp, trong khi nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ đang hợp tác với tập đoàn địa phương YTL để phát triển cơ sở hạ tầng siêu máy tính và đám mây trí tuệ nhân tạo trị giá hàng tỷ USD ở Malaysia.

"Bài toán chung" với Việt Nam

Tuy nhiên, khi Malaysia tìm cách nâng cao chuỗi giá trị, nước này không thể chỉ đưa ra các ưu đãi về thuế trước sự cạnh tranh gay gắt từ nước láng giềng như Indonesia và Việt Nam. Nước này được cho là cũng đang đối mặt với những hạn chế trong chuỗi cung ứng địa phương.

Ông Ong Kian Ming, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia, cho biết nhiều công ty phải đối mặt với thách thức trong việc có được nguồn nhân lực và lao động lành nghề phù hợp để trở thành một phần của hệ sinh thái sản xuất hoặc dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.

Ông Ming lưu ý: “Chúng tôi đã thấy những ví dụ về việc một số công ty Trung Quốc đến Malaysia trước đây nhưng họ không tích hợp hoàn toàn với chuỗi cung ứng địa phương. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Malaysia không thể hưởng lợi từ nguồn vốn FDI vào Malaysia”.

Về vấn đề nguồn nhân công chất lượng cao và mức độ tương thích của chuỗi sản xuất địa phương với các công ty nước ngoài, đây dường như là "bài toán chung" của các quốc gia Đông Nam Á đang muốn thu hút nguồn vốn công nghệ cao. 

Việt Nam cũng đối mặt với những vấn đề tương tự, khi những ưu đãi về thuế giờ đây đã không còn là "át chủ bài" thu hút đầu tư, bên cạnh tình trạng thiếu nhân lực công nghệ cao. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đang nhanh chóng thực hiện các kế hoạch đào tạo nhân lực, cũng như tổ chức hàng loạt hội thảo để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư nước ngoài.

Tương tự, chính phủ Malaysia đang xây dựng một kế hoạch bán dẫn chiến lược để duy trì tính cạnh tranh trong ngành, bao gồm cập nhật các luật hiện hành và các gói khuyến khích.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng đang tìm cách thu hút cả các công ty địa phương tham gia vào quá trình thu hút đầu tư. Ông Tengku Zafrul Abdul Aziz, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, cho biết nước này đang “thể chế hóa quy trình mời các công ty địa phương tham gia vào "đường đua”.

Theo CNA, NYT
Tỷ giá USD tăng mạnh: Nhiều nước chọn tăng lãi suất, Việt Nam duy trì ở mức thấp

Tỷ giá USD tăng mạnh: Nhiều nước chọn tăng lãi suất, Việt Nam duy trì ở mức thấp

Ngân hàng
Nhiều quốc gia châu Á đã tiến hành tăng lãi suất cơ bản sau nhiều năm duy trì lãi suất thấp nhằm giữ đồng nội tệ không bị mất giá quá nhiều trước đồng USD. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, NHNN cũng triển khai nhiều biện pháp để hạ nhiệt tỷ giá nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.
Cùng chuyên mục
Tin khác