Thực phẩm chức năng gây suy thận và chết người: Bê bối rúng động nước Nhật
Minh Ý -
29/03/2024 22:36 (GMT+7)
(VNF) - Nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản Kobayashi Pharmaceutical đang đối mặt với một trong những bê bối lớn nhất lịch sử công ty, khi một loại thực phẩm chức năng của hãng gần đây bị xác nhận liên quan tới ít nhất 5 vụ tử vong và nhiều trường hợp có vấn đề về sức khỏe khác.
Thực phẩm chức năng gây suy thận, chết người
Tin tức về vấn đề của Kobayashi lần đầu tiên được đưa ra vào cuối tuần trước, khi Kobayashi Pharmaceutical ban hành lệnh thu hồi tự nguyện dòng sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa beni-koji (men gạo đỏ) sau khi 13 người cho biết họ gặp vấn đề về thận sau khi dùng nó, trong đó 6 người trong tình trạng nghiêm trọng đến mức phải nhập viện.
Lệnh thu hồi được đưa ra đối với khoảng 300.000 gói gồm 3 sản phẩm có chứa beni-koji. Tất cả chúng đều được quảng cáo là chất bổ sung giúp giảm cholesterol, huyết áp và mỡ nội tạng.
Ngày 26/3, trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo khi công ty tiết lộ thông tin chi tiết về một cá nhân đã sử dụng một trong các dòng thực phẩm chức năng có chứa beni-koji, tên gọi là Benikoji Cholesterol Help, trong khoảng 3 năm kể từ tháng 4/2021 và đã bị chết vì bệnh thận vào tháng trước.
Ca tử vong thứ hai liên quan đến sản phẩm nhanh chóng được báo cáo vào ngày 27/3, đi kèm là số người nhập viện tăng lên tới 106 người.
Đến ngày 28/3, công ty báo cáo thêm 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết lên 4. Cả hai trường hợp đều được báo cáo bởi các thân nhân của tang quyến, họ nói rằng người quá cố đã uống thuốc bổ sung beni-koji trước khi chết.
Ngày 29/3, Kobayashi xác nhận trường hợp tử vong thứ 5. Bên cạnh đó, số người nhập viện do sử dụng các dòng sản phẩm có beni-koji được ghi nhận lên tới 114 người.
Không chỉ ở Nhật Bản, truyền thông Đài Loan hôm 28/3 cũng đưa tin về một phụ nữ 70 tuổi đang dùng thực phẩm bổ sung do một công ty Đài Loan sản xuất có sử dụng beni-kоji nhập khẩu từ Kobayashi đã bị chẩn đoán mắc bệnh suy thận cấp.
Trong những cuộc điều tra ban đầu, Kobayashi phát hiện ra rằng nguyên liệu có trong beni-koji được sản xuất từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái có thể chứa một "chất ngoài ý muốn". Công ty cho biết chất này tương tự như chất được tạo ra bởi nấm mốc. Nhà sản xuất thuốc cho biết họ hiện đang phân tích chất này và sẽ xem xét lý do tại sao chất này được sản xuất và nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.
Theo Kobayashi Pharmaceutical, lô beni-koji có vấn đề được sản xuất tại một nhà máy ở Osaka.
Công ty Nhật Bản cũng đã thu hồi sản phẩm Cholesterol Help và 5 dòng sản phẩm có chứa beni-koji trên toàn quốc và dự kiến tổ chức họp báo tại Osaka vào ngày 29/3. Dòng sản phẩm này được đưa lên kệ vào tháng 2/2021, và đã bán được hơn 1 triệu sản phẩm tính đến tháng 2/2024.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, ngoài các thực phẩm chức năng, hơn 40 sản phẩm từ các công ty khác có chứa “beni koji”, bao gồm tương miso, bánh quy giòn, rượu sake, bánh mì và nước sốt giấm, cũng bị thu hồi.
Beni-koji là gì?
Beni-koji, hay gạo lên men màu đỏ, được làm bằng cách lên men gạo có nấm mốc màu đỏ tím gọi là monascus purpureus. Nó đã được sử dụng làm màu thực phẩm và cũng được cho là có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm cholesterol.
Rei Shibata, bác sĩ tại Trường Y khoa Đại học Nagoya, giải thích: “Beni-koji chứa chất tương tự được sử dụng trong loại thuốc mà chúng tôi (với tư cách là bác sĩ) thường kê đơn để giảm mức cholesterol. Đó là lý do tại sao gần đây nó được sử dụng phổ biến nhất trong các chất bổ sung sức khỏe nhằm quảng cáo lợi ích giảm cholesterol”.
Ông Shibata nói thêm rằng vì bản thân beni-koji là một chất an toàn nên các tác dụng phụ nguy hiểm do sản phẩm của Kobayashi Pharmaceutical gây ra rất có thể là do một thứ gì đó được đưa vào hoặc trộn lẫn vào trong quá trình sản xuất.
Trước đây, đã có báo cáo về các mối nguy hiểm cho sức khỏe do các sản phẩm sử dụng beni koji gây ra ở châu Âu, trong đó EU đã ban hành vào năm 2019 một quy định về thực phẩm bổ sung ở mức citrinin tối đa - một chất được tìm thấy trong beni-koji được cho là tạo ra độc tố nấm mốc gây ra bệnh thận.
Tuy nhiên, Kobayashi Pharmaceutical trước đây phủ nhận việc sản phẩm của mình có citrinin.
Công ty phản ứng chậm trễ, chìm trong khủng hoảng
Các vấn đề mới được công bố trong thời gian ngắn gần đây, nhưng Kobayashi bị chỉ trích vì không nhanh chóng thông báo cho công chúng những vấn đề được biết đến trong nội bộ ngay từ tháng 1. Thông báo công khai đầu tiên của công ty được đưa ra vào ngày 22/3, khi bắt đầu có những báo cáo về trường hợp nhập viện.
Bên cạnh đó, mặc dù đã mở cuộc điều tra sản phẩm, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Kobayashi vẫn chưa đưa ra được một kết luận cụ thể về sản phẩm của mình. Theo nhà sản xuất, một số người phát triển các vấn đề về thận sau khi dùng thực phẩm chức năng, nhưng nguyên nhân chính xác vẫn đang được điều tra với sự hợp tác của các phòng thí nghiệm của chính phủ.
“Chúng tôi xin lỗi sâu sắc”, Chủ tịch Akihiro Kobayashi nói với các phóng viên hôm 29/3. Vị chủ tịch cùng 3 quan chức hàng đầu khác của công ty đã cúi đầu một lúc lâu để nhấn mạnh lời xin lỗi và bày tỏ sự tiếc nuối đối với những người đã chết và bị bệnh cũng như gia đình họ.
Ông Akihiro Kobayashi cũng xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra cho toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm sức khỏe và ngành y tế, đồng thời nói thêm rằng công ty đang nỗ lực ngăn chặn thiệt hại thêm và cải thiện khả năng quản lý khủng hoảng.
Mặc dù vậy, lời xin lỗi của ông chủ hãng dược phẩm không cứu được cổ phiếu công ty. Ngày 22/3, khi những tin tức đầu tiên nổ ra, cổ phiếu công ty "rơi tự do" từ mức trên 6.000 Yên xuống quanh vùng 5.000 Yên, trước khi tiếp tục giảm xuống dưới 5.000 Yên trong những ngày sau đó.
Cổ phiếu của Kobayashi đã giảm gần 24% từ đầu năm tới nay, trong đó giảm hơn 14% trong 1 tháng gần đây. Tuần này, mã cổ phiếu của hãng dược phẩm này tăng 0,7%, nhưng phần lớn thời gian được giao dịch trong vùng 4.800-5.000 Yên, tức mức thấp so với trước khi vụ bê bối xảy ra.
Vụ bê bối của Kobayashi Pharmaceutical cũng một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận về các loại thực phẩm chức năng của Nhật Bản, vốn đã bị chỉ trích trong nhiều năm vì thiếu bằng chứng khoa học đầy đủ về độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone