Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Bán 6 tô phở/ngày tiếp tục đóng thuế
Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).
"Bộ Tài chính vẫn cần nhanh chóng chỉnh sửa về công thức tính thuế, thay đổi biểu thuế cũng như mức thuế suất theo hướng rút gọn và giảm xuống để khuyến khích người dân nhiều hơn là mức thu cao hiện nay." - TS Nguyễn Anh Phong |
Ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp, bởi với ngưỡng này, hầu hết các quán hàng vỉa hè ở TP. HCM, Hà Nội cũng như trên cả nước đều phải đóng thuế vì chỉ cần đạt doanh thu hơn 273.000 đồng/ngày là tới ngưỡng chịu thuế.
Theo bà Thanh (chủ một quán phở tại Q.7, TP. HCM), do giá thịt heo tăng mạnh trong mấy tháng cuối năm vừa qua kéo theo giá các thực phẩm khác tăng lên nên bà đã tăng mỗi tô phở từ 40.000 đồng/tô lên 50.000 đồng/tô. Như vậy, chỉ cần bán mỗi ngày 6 tô phở là bà phải nộp thuế TNCN. Đáng nói, bà không được trừ các khoản tiền mua thịt bò, bánh phở hay trả công người phụ bếp, dọn dẹp…
“Tôi nghe nói người đi làm công ăn lương thì được trừ 9 triệu đồng/tháng và sắp tới là 11 triệu đồng/tháng rồi mới tính thuế, chưa tính thêm con cái. Sao tụi tôi không được khấu trừ chi phí cho mình, tôi còn bỏ tiền mua thịt thà rau cỏ mới nấu ra nồi phở để bán”, bà Thanh than thở.
Trong năm 2019, một nhóm tài xế GrabBike đã thu thập hơn 1.200 chữ ký của các tài xế tại TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột... và ủy quyền cho ông Phạm Mi Sên (tài xế GrabBike) ra Tổng cục Thuế ở Hà Nội để kiến nghị tăng ngưỡng chịu thuế đối với người kinh doanh từ 100 triệu đồng hiện nay lên 150 triệu đồng.
Theo ông Phạm Mi Sên, một tài xế chạy xe kiếm được 100 triệu đồng mỗi năm rất “đắng lòng”, mỗi ngày làm việc 16 - 18 giờ. Để có số tiền chạy xe 500.000 đồng mỗi ngày tài xế chạy khoảng 125 km, đó là chưa kể đoạn đường chạy lòng vòng đến điểm đón khách. Tài xế nộp về công ty 20%, tương đương 100.000 đồng, còn lại 400.000 đồng này bao gồm chi phí tiền xăng, điện thoại, 3G… và phần thu nhập nhận được chiếm 1/3. Sở dĩ thu nhập tài xế lên hơn 100 triệu đồng là do cách tính gộp tiền chạy xe và tiền thưởng của công ty vào. Ví dụ, trong 100 triệu đồng có 50 triệu đồng là từ tiền chạy xe, 50 triệu đồng nhận được do công ty thưởng sẽ thực hiện trừ thuế ngay 10%. Thế nhưng, khi tính doanh thu tính thuế thì cộng cả 2 mức này lại nên đến 100 triệu đồng.
“Đối với tài xế có doanh thu trên 100 triệu đồng sẽ đóng 4,5% thuế, trong đó 1,5% thuế TNCN và 3% thuế GTGT. Tài xế được giải thích 3% thuế GTGT đã được tính vào giá. Vậy những tài xế chưa đến 100 triệu đồng, không lẽ nói họ chiếm đoạt thuế GTGT”, ông Sên chất vấn.
“Bỏ sót” nhiều đối tượng
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng: “Hộ kinh doanh ra làm ăn mà doanh thu 100 triệu đồng mỗi năm là quá thấp, mức này đã quá lỗi thời từ nhiều năm nay. Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) được tiếp tục tăng lên trong thời gian tới mà chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh sẽ càng thấy rõ hơn sự bất cập trong chính sách thuế. Do đó cần điều chỉnh tăng ngưỡng chịu thuế của hộ kinh doanh lên trong nghị quyết lần này trình Thường vụ Quốc hội. Có 2 cách tính tăng doanh số tính thuế cho hộ kinh doanh, đó là lấy mức GTGC của 1 người nộp thuế cộng cho 1 người phụ thuộc nhân 12 tháng (tương đương 184,8 triệu đồng - PV). Tuy nhiên, hộ kinh doanh thường có 2 người trở lên nên ban soạn thảo có thể tính toán một mức nào phù hợp để áp dụng chung, tạo sự công bằng.
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP. HCM), phân tích luật Thuế TNCN liệt kê đến 10 loại hình có thu nhập chịu thuế, nhưng chỉ điều chỉnh tăng mức GTGC cho người có thu nhập từ tiền lương tiền công là bỏ sót các đối tượng còn lại.
Theo nguyên lý tính thuế bao giờ cũng lấy thu trừ chi, tương tự tính thuế thu nhập đối với doanh nghiệp. Chính sách về thuế TNCN cũng phải theo nguyên lý này mới phù hợp với xu hướng chung cũng như đảm bảo cho đời sống người dân. Việc chỉ nâng mức GTGC cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà không thay đổi ngưỡng chịu thuế với các đối tượng khác là không hợp lý.
Theo ông Phong, chính sách thuế phải được áp dụng đồng bộ và thống nhất. Nếu chỉ tăng cho người có thu nhập từ tiền công tiền lương thì chưa công bằng giữa các đối tượng chịu thuế khác.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.