Thương vụ tuần qua: Vinamilk đầu tư vào Nông trường Sông Hậu; Vinachem cấp tập thoái vốn

Cẩm Thư - 23/11/2019 15:28 (GMT+7)

(VNF) - Tuần qua (18-22/11), ông lớn Vinachem liên tục công bố sẽ đấu giá thoái vốn tại hàng loạt công ty trong tháng 12. Vào ngày làm việc cuối cùng (22/11), trong khi đó UBND TP Cần Thơ bất ngờ công bố chủ trương chọn Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là nhà đầu tư tham gia chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

VNF

Vinamilk đầu tư vào Nông trường Sông Hậu

UBND TP Cần Thơ cho biết Vinamilk đáp ứng các tiêu chí lựa chọn và sẽ cùng Nông trường Sông Hậu tham gia đàm phán với các ngân hàng thương mại về thanh toán nợ gốc, nợ lãi. Đồng thời, Vinamilk phải ứng trước tối thiểu gần 150 tỷ đồng để Nông trường Sông Hậu xử lý nợ tại các ngân hàng và sẽ mất số tiền này nếu từ bỏ quyền góp vốn.

Được biết, Nông trường Sông Hậu đang cùng các bên liên quan lập các phương án sử dụng đất, tài chính, lao động, sản xuất kinh doanh và thuê tư vấn độc lập xác định giá trị doanh nghiệp... Khi có phương án tổng thể sẽ thông qua UBND TP Cần Thơ và trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Về quy mô, Nông trường Sông Hậu hiện có 60 cán bộ công nhân viên đang trực tiếp sản xuất 400 ha lúa giống, trồng chuối công nghệ cao, nuôi thuỷ sản... cho doanh thu 65 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Nông trường có 5.800 ha giao khoán cho các hộ dân canh tác.

Theo báo cáo giám sát tài chính của chủ sở hữu đối với Công ty TNHH một thành viên độc lập, tổ chức tài chính nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do UBND TP Cần Thơ làm đại diện chủ sở hữu, 6 tháng đầu năm 2019, Nông trường Sông Hậu có tổng doanh thu khoảng 25,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ là 22 triệu đồng.

Đến ngày 30/6/2019, lỗ lũy kế của Nông trường Sông Hậu là 452 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu (đang âm hơn 363 tỷ đồng). Đơn vị rơi vào tình trạng mất an toàn tài chính.

Vinachem cấp tập thoái vốn

Tuần qua, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) liên tục công bố thoái vốn tại Công ty Cổ phần Nhập khẩu Hóa chất Miền Nam và Công ty Cổ phần Pin Hà Nội – đơn vị sản xuất Pin Con Thỏ trong tháng 12/2019.

Đáng chú ý, 12/12 tới đây, Vinachem sẽ bán đấu giá 416.516 cổ phần tại Công ty Cổ phần Nhập khẩu Hóa chất Miền Nam (Southchimex) với giá khởi điểm lên đến 253.300 đồng/cổ phần.

Số cổ phần mà Vinachem sắp sửa đem ra đấu giá tương ứng gần 49% vốn điều lệ tại Southchimex.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán của Vinachem, tại ngày 31/12/2018, khoản đầu tư vào Southchimex được ghi nhận giá gốc hơn 4,1 tỷ đồng. Như vậy, nếu thương vụ đấu giá thành công, Vinachem sẽ thu về tối thiểu 117 tỷ đồng, gấp gần 30 lần giá trị đầu tư.

Tiếp đó, ngày 16/12, Vinachem sẽ đấu giá hơn 1,52 triệu cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Pin Hà Nội (HNX: PHN) với giá khởi điểm 29.700 đồng/cổ phiếu.

Số lượng cổ phiếu mà Vinachem mang ra đấu giá tương ứng 21% vốn tại Pin Hà Nội.

Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 16/12/2019. Mức giá khởi điểm 29.700 đồng/cổ phiếu mà Vinachem đưa ra cao hơn 10% so với thị giá của PHN (27.000 đồng/cổ phiếu). Nếu đấu giá thành công, Vinachem có thể thu về tối thiểu trên 45 tỷ đồng.

Vào tuần trước, Vinachem cũng công bố sẽ đưa đưa 3.247.246 cổ phần tại Công ty Cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội ra đấu giá vào ngày 5/12 với giá khởi điểm 24.296 đồng/cổ phần.

Sơn Tổng hợp Hà Nội được biết đến là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng.

Sơn Tổng hợp Hà Nội được thành lập từ năm 1970, thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam - Bộ Công nghiệp. Từ ngày 1/1/2006, Sơn Tổng hợp Hà Nội hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tính đến ngày 30/9, Sơn Tổng hợp Hà Nội có 2 cổ đông lớn là: Vinachem (nắm giữ 3.247.246 cổ phần tương ứng 27% tổng số cổ phần phát hành theo vốn điều lệ thực góp) và Công ty TNHH Quản lý đầu tư HAP Việt Nam (sở hữu 30,76% vốn điều lệ).

Hiện, công ty có vốn điều lệ hơn 120,27 tỷ đồng, tướng ứng hơn 12,027 triệu cổ phần.

Sơn Tổng Hợp Hà Nội hiện đang sở hữu hơn 2ha đất tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, bao gồm đất là trụ sở làm việc; đất làm nhà xưởng sản xuất và đất làm nhà kho.

Ngoài ra công ty còn có hơn 3.556m2 đất tại số 81 Hào Nam, phường ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội là đất xây dựng văn phòng và có hơn 2 ha đất tại xa Minh Đức, huyện Mỹ Hào, hưng Yên, là đất làm trụ sở làm việc, nhà xưởng sản xuất.

Từ năm 2017 đến nay, tình hình kinh doanh của Sơn Tổng Hợp có xu hướng chững lại. Cụ thể, doanh thu năm 2017 đạt 557 tỷ đồng, và năm 2018 giảm nhẹ còn gần 526 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của công ty đạt hơn 255,2 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt 23,16 tỷ đồng, năm 2018 đạt hơn 15,1 tỷ đồng (giảm hơn 34,5%). Nửa đầu năm 2019, công ty chỉ lãi ròng hơn 3,33 tỷ đồng.

Bán chui cổ phiếu, FLCHomes của ông Trịnh Văn Quyết bị yêu cầu trả lại tiền cho nhà đầu tư

Tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes (trụ sở tại tòa nhà Bamboo Airways Tower, 265 Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo cơ quan quản lý, trong thời gian tháng 9-10/2017, Công ty Cổ phần Hóa chất và Vật tư khoa học kỹ thuật (đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế - Biscem từ ngày 30/10/2017 và sáp nhập vào Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes ngày 20/11/2017) đã chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên tới 1.200 tỷ.

Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động chào bán cổ phần tăng vốn này không được đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, việc này đã vi phạm quy định về thông tin trong lĩnh vực chứng khoán.

Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu Công ty FLCHomes (doanh nghiệp sáp nhập từ Công ty Biscem) phải thu hồi số chứng khoán đã chào bán tăng vốn.

Ngoài ra, công ty phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư đã mua hoặc đặt cọc mua chứng khoán tăng vốn. Công ty cũng phải chi trả đầy đủ tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng nơi mở tài khoản thu tiền mua hoặc tiền đặt cọc mua chứng khoán.

FLCHomes có 15 ngày để thực hiện toàn bộ yêu cầu này theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu đòi lại tiền sẽ là 60 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Đi kèm với đó, FLCHomes cũng bị cơ quan quản lý phạt tiền 400 triệu đồng với hành vi phát hành chứng khoán tăng vốn nhưng không đăng ký nói trên.

SAM Holdings tái hợp với Nhựa Đồng Nai

Sau khi bán toàn bộ hơn 6,7 triệu cổ phiếu DNP và không còn là cổ đông lớn tại Nhựa Đồng Nai từ cuối tháng 3/2019, mới đây, Công ty Cổ phần SAM Holdings (HoSE:SAM) công bố đã mua vào 3,37 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (HNX:DNP), tương ứng tỷ lệ 3,37% vốn điều lệ.

Giao dịch được thực hiện trong thời gian từ 31/10 đến 15/11. Trước đó, SAM chưa sở hữu cổ phiếu DNP nào.

Hiện, ông Hồ Anh Dũng là ủy viên HĐQT của SAM Holdings đồng thời là ủy viên HĐQT của DNP.

Theo giới thiệu, DNP được thành lập từ năm 1976 và tổ chức theo mô hình công ty đầu tư, gồm nhiều đơn vị thành viên (Nhựa Đồng Nai, Nhựa Tân Phú, DNP Water...).

Sau khi tái cơ cấu năm 2012, DNP đã vươn lên chiếm thị phần số 1 trong mảng ống nhựa hạ tầng cấp nước và thoát nước.

DNP bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất, cung ứng nước sạch từ năm 2014 với việc đầu tư vào Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) và Công ty cổ phần Bình Hiệp. Cũng từ đây, DNP liên tiếp tăng vốn điều lệ và liên tục tiến hành mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp ngành nước.

Ghi nhận từ báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019, tới cuối tháng 6/2019,  sau 5 lần tăng vốn, vốn điều lệ của DNP đạt hơn 1.000 tỷ đồng, với tổng tài sản đạt hơn 7.058 tỷ đồng, gấp 25 lần năm 2013, vốn chủ sở hữu gấp hơn 30 lần.

Trong lĩnh vực sản xuất nhựa, tính tới cuối tháng 6/2019, bên cạnh Nhà máy Đồng Nai, DNP đang sở hữu 2 công ty khác là Nhựa Tân Phú (51,01%) và Nhựa Đồng Nai miền Trung (99,33%).

Còn trong ngành nước, DNP đang đầu tư và sở hữu hơn 10 công ty con và công ty liên kết như Công ty cổ phần Bình Hiệp (86,36%%), Nhà máy nước Đồng Tâm (52,68%), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận (57,26%), Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (86,36%), Công ty cổ phần Công trình Đô thị Châu Thành (90,28%), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh (59,41%)… với tổng công suất thiết kế lên đến 1 triệu m3/ngày đêm, trải dài trên 11 địa phương, theo Báo cáo Thường niên 2018 của DNP.

Bên cạnh đi thâu tóm doanh nghiệp khác, DNP cũng trực tiếp triển khai song song 2 dự án nhà máy nước sạch có tổng công suất 160.000 m3/ngày đêm tại Bắc Giang và Long An. Công ty này đặt mục tiêu, trong 5 năm tới tăng công suất lên gấp đôi, tương đương 2 triệu m3/ngày.

Cùng chuyên mục
Tin khác