Tổng đình công kéo dài sang tuần thứ 3, vị thế của Samsung bị đe doạ

Quang Đăng - 24/07/2024 14:28 (GMT+7)

(VNF) - Samsung Electronics là một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, sản xuất chất bán dẫn, bộ nhớ, bộ xử lý và màn hình. Theo các chuyên gia, bất kỳ sự bất ổn nào trong chu kỳ sản xuất đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến tập đoàn công nghệ Hàn Quốc và thị trường toàn cầu. Một yếu tố quan trọng gây ra sự bất ổn như vậy là các cuộc đình công của công nhân.

Từ 3 ngày thành “vô thời hạn”

Mặc dù đã tiến hành hai cuộc đàm phán để hoà giải trong bối cảnh các cuộc tổng đình công đã kéo dài sang tuần thứ 3, ban quản lý của Samsung Electronics và đại diện của Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

“Khoảng cách giữa hai bên quá lớn để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào”, ông Lee Hyun-kuk, phó chủ tịch NSEU cho hay.

Nhân viên Samsung đã bỏ việc, yêu cầu tăng lương, thưởng minh bạch hơn và thêm một ngày nghỉ mỗi năm  (Ảnh: Jung Yeon-je/AFP)

Ban quản lý công ty được cho là đã tuyên bố rằng "mức tăng lương trung bình 5,1%" là không thể thương lượng, trong khi công đoàn đang yêu cầu tăng lương trung bình lên 5,6%.

Các quan chức công đoàn kêu gọi công ty đưa ra đề nghị mới để tiếp tục đàm phán trước ngày 29/7 và lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán cuối cùng với công ty cho đến ngày 31/7.

Trước đó, vào tháng 6, các công đoàn Samsung Electronics đã tổ chức cuộc đình công kéo dài một ngày để yêu cầu cải thiện lương và điều kiện nghỉ ngơi. Không đạt được mục tiêu, họ đã lên kế hoạch đình công kéo dài ba ngày vào tháng 7, với sự tham gia của khoảng hơn 6.000 công nhân tại khu phức hợp Hwasong để nhắm tới hoạt động sản xuất chip.

Hàng ngàn thành viên của NSEU ban đầu đã phát động cuộc đình công tạm thời nhưng sau đó tuyên bố đình công vô thời hạn với cáo buộc ban quản lý không muốn đàm phán. Động thái này nhằm gây sức ép buộc công ty lớn nhất Hàn Quốc chấp nhận lời kêu gọi tăng lương và các chế độ phúc lợi khác.

Ngay cả khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, khoảng 1.200 công nhân Samsung ngày 22/7 vẫn tập trung tham gia cuộc biểu tình và diễu hành qua khuôn viên nhà máy Giheung ở Yongin, phía nam thủ đô Seoul.

Đe doạ vị thế của Samsung

Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và chế độ nhập cư được kiểm soát chặt chẽ, nhiều công ty Hàn Quốc, bao gồm cả Samsung, từ lâu đã áp dụng tự động hóa nhà máy, một phần là để phòng ngừa cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập.

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, quốc gia này có mật độ robot cao nhất thế giới, cứ 10 nhân viên lại có một robot. Tỉ lệ này cao hơn gần 40% so với Singapore, quốc gia đứng thứ hai.

Tuy nhiên các chuyên gia cho hay sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành khiến cho lực lượng lao động lành nghề trở nên cần thiết.

Các cuộc đình công trong phân khúc sản xuất chip của Samsung có thể làm giảm đáng kể sản lượng. Sự gián đoạn này dẫn đến sự chậm trễ trong việc giao hàng cho khách hàng, điều này đặc biệt gây ra vấn đề trong thời điểm nhu cầu về chất bán dẫn tăng cao.

Trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu hiện nay, những sự chậm trễ như vậy có thể làm trầm trọng thêm tình hình, đẩy giá sản phẩm lên cao và làm giảm khả năng cạnh tranh của Samsung.

Ví dụ, vào năm 2011, một cuộc đình công ở Hàn Quốc đã làm giảm sản lượng màn hình điện thoại thông minh, ảnh hưởng đến hợp đồng với các khách hàng lớn như Apple và Sony.

Việc sản xuất chậm lại hoặc gián đoạn nhanh chóng tác động đến cổ phiếu của công ty, khiến công ty này tụt khỏi danh sách các cổ phiếu tăng giá hàng đầu.

Các nhà đầu tư cảnh giác với rủi ro gia tăng và lợi nhuận giảm bắt đầu bán cổ phiếu và điều này có khả năng gây ra sự sụp đổ của thị trường.

Năm 2019, các cuộc đình công tại các nhà máy của General Motors ở Mỹ đã khiến giá cổ phiếu của công ty giảm 6% trong vòng vài tuần. Samsung, với tư cách là nhà sản xuất chip ô tô quan trọng, có thể phải đối mặt với những tác động tương tự từ sự gián đoạn sản xuất.

Các cuộc đình công cũng gây tổn hại đến lợi nhuận hoạt động dài hạn do chi phí lao động cao hơn, bồi thường cho thời gian ngừng hoạt động và các hình phạt tiềm ẩn do vi phạm hợp đồng.

Các công đoàn thường đình công để cải thiện điều kiện làm việc, yêu cầu mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn do lợi nhuận khổng lồ của công ty. Thách thức chính nằm ở việc cân bằng giữa nhu cầu của nhân viên với khả năng của công ty.

Ví dụ, vào năm 2015, nhân viên Intel tại Ireland đã đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, dẫn đến việc ngừng sản xuất trong thời gian ngắn và chậm trễ giao hàng.

Vào năm 2017, một cuộc đình công tại nhà máy TSMC ở Đài Loan đã làm giảm 15% công suất sản xuất trong một tháng, gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Tác động của những sự kiện này đối với giá cổ phiếu có thể dễ dàng nhận thấy.

Theo đó, các nhà phân tích cho rằng cuộc đình công kéo dài của các nhân sự chủ chốt sẽ làm tăng thêm thách thức cho Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, vốn đang phải vật lộn để cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo.

Tổng đình công Samsung: Căng thẳng gia tăng và tác động toàn cầu

Tổng đình công Samsung: Căng thẳng gia tăng và tác động toàn cầu

Tài chính quốc tế
(VNF) - Bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra, các thành viên của Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) vẫn tham gia một cuộc biểu tình lớn tại khu phức hợp sản xuất chip của công ty nằm ở phía nam Seoul vào ngày 22/7.
Cùng chuyên mục
Tin khác