Tổng đình công Samsung: Căng thẳng gia tăng và tác động toàn cầu
(VNF) - Bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra, các thành viên của Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) vẫn tham gia một cuộc biểu tình lớn tại khu phức hợp sản xuất chip của công ty nằm ở phía nam Seoul vào ngày 22/7.
- Công nhân Samsung tổng đình công: Không chỉ là những ‘cơn nấc cụt’ 18/07/2024 07:00
Cuộc tổng đình công chưa hồi kết
Các giám đốc điều hành của công ty lớn nhất Hàn Quốc cuối tuần trước đã tiến hành đàm phán với các nhà lãnh đạo công đoàn để thảo luận về khuôn khổ và lịch trình đàm phán tiền lương.
Các nguồn thạo tin cho hay Samsung Electronics và NSEU sẽ tiếp tục nối lại đàm phán tiền lương vào ngày 23/7, dự kiến sẽ diễn ra tại nhà máy Giheung của công ty ở tỉnh Gyeonggi.
Ban quản lý công ty được cho là đã tuyên bố rằng "mức tăng lương trung bình 5,1%" là không thể thương lượng, trong khi công đoàn đang yêu cầu tăng lương trung bình lên 5,6%.
Để tối đa hóa “sức mạnh” của mình trước cuộc đàm phán quan trọng, công đoàn đã tổ chức một cuộc biểu tình tại cơ sở Giheung vào ngày 22/7, một ngày trước khi các cuộc đàm phán được nối lại.
Công đoàn ước tính rằng khoảng 1.500 thành viên công đoàn đã tham dự cuộc biểu tình. Trang web của công đoàn cho biết có xe bus đưa nhân viên từ các khu phức hợp khác, bao gồm Pyeongtaek và Onyang, tới cùng tham gia cuộc biểu tình này.
NSEU hiện có hơn 30.000 thành viên và việc leo thang tranh chấp với ban quản lý của Samsung đánh dấu cuộc tổng đình công lớn nhất trong lịch sử nửa thế kỷ hoạt động của Samsung.
NSEU phát động cuộc đình công để thúc đẩy yêu cầu tăng ít nhất 5,6% mức lương cơ bản cho tất cả công nhân, cải thiện tính minh bạch trong tiền lương và tiền bồi thường cho các thành viên đã hoặc đang tham gia đình công. Họ cũng yêu cầu một ngày nghỉ phép có lương hàng năm cho tất cả nhân viên vào ngày thành lập.
Quy mô và thời gian của cuộc biểu tình làm nổi bật những bất đồng sâu sắc giữa nhân viên lao động và ban quản lý. Kết quả của các cuộc đàm phán này có thể tạo ra tiền lệ cho mối quan hệ giữa bộ phận lãnh đạo và nhân viên tại Samsung trong tương lai và có khả năng là cả ngành công nghệ nói chung.
Mối quan tâm của thị trường chip toàn cầu
Theo các chuyên gia công nghệ, cuộc đình công đang diễn ra tại Samsung Electronics là một cột mốc quan trọng với những tác động sâu rộng. Thị trường công nghệ toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cuộc đàm phán giữa công đoàn lao động và ban quản lý Samsung.
Mặc dù các cuộc đàm phán đang diễn ra, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận, dẫn đến căng thẳng gia tăng. Nếu các cuộc đàm phán không tiến triển, cuộc đình công có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Samsung và thị trường công nghệ toàn cầu.
Các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng cuộc đình công có thể dẫn đến giá chip tăng cao. Giá linh kiện trong chuỗi cung ứng thượng nguồn đã có xu hướng tăng. Nếu cuộc đình công kéo dài, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến giá bộ nhớ flash và các linh kiện khác tăng theo. Điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của điện thoại di động và các thiết bị công nghệ khác.
Hầu hết công nhân tham gia cuộc đình công thuộc dây chuyền lắp ráp chip. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì Samsung chiếm khoảng 20% thị trường bộ nhớ DRAM toàn cầu. Ngoài ra, thị phần của Samsung trong bộ nhớ flash NAND cho điện thoại thông minh và máy chủ là khoảng 40%. Cuộc đình công đang diễn ra có khả năng làm gián đoạn các thị trường này, gây ra hiệu ứng lan tỏa trong toàn ngành công nghệ.
Theo báo cáo của Chosun Ilbo, nếu cuộc đình công của NSEU kéo dài, ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ chứng kiến sự hỗn loạn về nguồn cung chip bán dẫn lần thứ hai, sau tình trạng thiếu chip xảy ra trong thời kỳ dịch bệnh.
Cuộc tổng đình công đe doạ chuỗi cung ứng chip, Samsung ‘xuống nước’
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.