Tài chính quốc tế

Tổng thống ‘tháo chạy’ khỏi đất nước, Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp

(VNF) - Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 13/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vai trò quyền tổng thống, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời đất nước sang Maldives, kéo theo làn sóng biểu tình trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước.

Tổng thống ‘tháo chạy’ khỏi đất nước, Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã tháo chạy sang Maldives vài giờ trước khi từ chức.

Ngày 13/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi hàng trăm người vây quanh văn phòng của ông ở Colombo.

"Thủ tướng với tư cách là quyền Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở tỉnh phía Tây", thư ký truyền thông của ông Wickremesinghe, Dinouk Colombage, nói với Reuters. Tỉnh phía Tây bao gồm thủ đô Colombo. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức.

Trước đó chỉ vài giờ, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, phu nhân và hai vệ sĩ đã lên máy bay của Không quân Sri Lanka để đến thành phố Male, thủ đô Maldives, vài ngày sau khi những người biểu tình xông vào nhà riêng, dinh tổng thống và văn phòng thủ tướng trong cơn giận dữ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 3 tháng gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng 

Nguồn tin từ chính phủ cho biết Tổng thống rất có thể sẽ tới một quốc gia châu Á sau đó.

Chuyến tháo chạy của vị Tổng thống sẽ chấm dứt sự cai trị của gia tộc Rajapaksa hùng mạnh đã thống trị nền chính trị ở quốc gia Nam Á trong 2 thập kỷ qua.

Được biết, trừ gia đình ông Gotabaya, anh em của Tổng thống, cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa, vẫn ở Sri Lanka.

Mahinda Yapa Abeywardena, người phát biểu của Quốc hội Sri Lanka, cho biết ông vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc nào từ Tổng thống Rajapaksa. Một nguồn tin trong đảng cầm quyền cho biết Tổng thống sẽ gửi thư từ chức vào cuối ngày 13/7.

Trong trường hợp này, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ nắm chức quyền Tổng thống, mặc dù ông cũng đã đề nghị từ chức, cho tới khi một Tổng thống mới được bầu lên theo hiến pháp. Tuy nhiên, người dân Sri Lanka dường như không đồng tình với phương án này và đang đe doạ sẽ tiếp tục biểu tình dữ dội hơn nếu Thủ tướng không cùng từ chức vào chiều hôm nay.

“Nếu chúng tôi không nghe tin Tổng thống và Thủ tướng từ chức vào tối nay, chúng tôi có thể phải tập hợp trở lại và tiếp quản quốc hội hoặc một tòa nhà chính phủ khác,” ông Prabodha Karunaratne, một trong những người tổ chức các cuộc biểu tình gần đây, cho biết.

"Chúng tôi cực lực phản đối chính phủ Gota-Ranil. Cả hai đều phải ra đi", theo ông Prabodha.

Trong bối cảnh hỗn loạn kinh tế và chính trị, giá trái phiếu có chủ quyền của Sri Lanka đã đạt mức thấp kỷ lục mới vào ngày 13/7.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng và bùng phát vào cuối tuần trước khi hàng trăm nghìn người tiếp quản các tòa nhà chính phủ quan trọng ở Colombo, đổ lỗi cho tổng thống Rajapaksas và các đồng minh ông về tình trạng lạm phát, tham nhũng và thiếu nhiên liệu và thuốc men trầm trọng tại đất nước.

Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của quốc đảo này đã bị ảnh hưởng đầu tiên bởi đại dịch Covid-19 và sau đó bị sụt giảm lượng kiều hối từ những người Sri Lanka ở nước ngoài. Lệnh cấm phân bón hóa học đã ảnh hưởng đến sản lượng mặc dù lệnh cấm sau đó đã được đảo ngược.

Ông Rajapaksas, với vai trò Tổng thống, đã thực hiện cắt giảm thuế theo chủ nghĩa dân túy vào năm 2019, ảnh hưởng đến tài chính của chính phủ trong khi dự trữ ngoại hối thu hẹp làm hạn chế nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Lạm phát toàn phần đã đạt 54,6% vào tháng 6 và ngân hàng trung ương đã cảnh báo rằng có thể tăng lên 70% trong những tháng tới.

Xem thêm >> Sri Lanka vỡ nợ, lạm phát chạm mức gần 60%

Tin mới lên