TP. HCM: Đẩy nhanh tiến độ xây mới 6 chung cư bị hư hỏng

Trần Lê - 14/01/2022 15:36 (GMT+7)

(VNF) - Sở Xây dựng TP. HCM vừa có văn bản gửi UBND về việc tập trung chỉ đạo, giải quyết vướng mắc thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở năm 2022.

VNF
TP HCM hiện có 474 chung cư xây trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng cần phải sửa chữa, xây mới (ảnh minh họa).

Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. HCM thành lập Tổ công tác để chỉ đạo xem xét, tháo gỡ cho các dự án nhà ở.

Cụ thể, trong năm 2022, tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đối với 6 chung cư có tổng diện tích sàn xây dựng là 243.910,7 m2 sàn, quy mô 2.928 căn hộ.

Trong đó, quận 1 có chung cư 128 Hai Bà Trưng với quy mô 200 căn và chung cư 23 Lý Tự Trọng với 160 căn. Quận Tân Bình có 2 chung cư ở số 251 và 350 Hoàng Văn Thụ, quy mô lần lượt là 176 và 374 căn. Quận Bình Thạnh có lô 4-6 chung cư Thanh Đa, với quy mô 1.750 căn. Quận 3 có chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám, quy mô 268 căn. Các chung cư đã thực hiện xong di dời người dân, riêng chung cư 251 Hoàng Văn Thụ đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Về việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. HCM và các Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư thống nhất bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2021-2025, TP. HCM đặt mục tiêu hoàn thành cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng 246 chung cư cũ.

TP HCM hiện có 474 chung cư xây trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng cần phải sửa chữa, xây mới.

Đối với nhà lưu trú công nhân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng 2 dự án nhà lưu trú công nhân trong Khu chế xuất, khu công nghiệp với quy mô 1.760 căn (tương đương 3.620 chỗ ở) phục vụ cho công nhân, người lao động. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư đối 4 dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, tổng diện tích sàn xây dựng là 206.023 m2 sàn, quy mô 3.347 căn hộ nhà ở xã hội. 6 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đã hoàn tất bồi thường và đã có hạ tầng kỹ thuật, tổng diện tích sàn xây dựng là 550.583 m2 sàn, quy mô 5.946 căn hộ. 

Các dự án nhà ở xã hội trên là sử dụng vốn của doanh nghiệp để bồi thường, đầu tư xây dựng. Các Sở ngành và UBND TP. HCM cần hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý về chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, giao đất, phê duyệt thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, để các dự án sớm khởi công năm 2022.

Còn dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, theo kế hoạch của thành phố, năm 2021 – 2025 sẽ di dời 6.500 trong tổng số 20.381 căn nhà trên và ven kênh rạch; tập trung 3 dự án thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị và 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2016 – 2021; tiếp tục đẩy nhanh các bước thủ tục chuẩn bị các dự án đầu tư công còn lại.

Kết quả điều tra xã hội học đã thực hiện tại dự án bờ Nam kênh đôi quận 8 cho thấy có 2.104/5.505 căn (chiếm 41,6%) không có hồ sơ pháp lý về nhà đất, nhà xây dựng lấn chiếm, nhà trên kênh rạch. Khi nhà nước thực hiện di dời, các trường hợp này chỉ được hỗ trợ về công trình, vật kiến trúc và không được bồi thường. Ước tính số liệu các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch khác trên địa bàn thành phố, tỷ lệ lấn chiếm trên kênh khác nhau tuỳ địa hình, hiện trạng...

Do vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo thuê đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học tổng thể toàn bộ 54 dự án để có số liệu cụ thể, chính xác tình trạng, nguyện vọng của đối tượng bị di dời nhằm thực hiện hiệu quả chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch góp phần chỉnh trang đô thị trên địa bàn.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.