TP. HCM dự kiến làm 2 dự án xử lý nước thải, tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ

Trần Lê - 17/06/2022 07:53 (GMT+7)

(VNF) - TP. HCM kỳ vọng chấm dứt tình trạng người dân xả nước thải ra kênh, rạch thông qua việc đầu tư 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát và lưu vực Tây Sài Gòn,

VNF
TP. HCM kỳ vọng chấm dứt tình trạng người dân xả nước thải ra kênh, rạch thông qua việc đầu tư 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải (ảnh minh họa)

2 dự án được nhắc trên là dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (CRUS1) và dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (CRUS2) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Dự án CRUS1 sẽ xây dựng hệ thống cống dẫn nước thải về nhà máy xử lý nước thải khu vực Tham Lương - Bến Cát đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất xử lý 131.000 m3/ngày đêm, dự kiến giai đoạn 2 công suất xử lý đạt 250.000 m3/ngày đêm.

Một số hạng mục quan trọng của dự án là cống ngăn triều Vàm Thuật, cống ngăn triều Nước Lên; hệ thống cống bao thu gom nước thải chính và nhánh ở quận Gò Vấp, một phần quận 12; hệ thống cống thoát nước chung tại các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và một phần quận 12.

Tổng mức đầu tư dự án CRUS1 là 352 triệu USD (tương đương 8.160 tỷ đồng), trong đó nguồn vốn vay ODA gần 288 triệu USD (6.678 tỷ đồng), vốn tài trợ không hoàn lại 5 triệu USD (116 tỷ đồng), vốn đối ứng 59 triệu USD (1.374 tỷ đồng).

Dự án CRUS2 với phạm vi thực hiện tại quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân.

Dự án sẽ xây dựng các giếng tách dòng và hệ thống cống bao dọc theo kênh Tham Lương - Bến Cát đến cuối lưu vực Tây Sài Gòn (15,5 km); xây dựng tuyến ống truyền tải từ lưu vực Tây Sài Gòn về nhà máy xử lý chất thải tập trung (dự kiến tại nhà máy Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - dài 3,5 km); mạng lưới cống thu gom nước thải cấp 2, 3 dài 90km và 20km cống nhánh.

Tổng mức đầu tư dự án CRUS2 là 350 triệu USD (tương đương 8.121 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA 300 triệu USD (6.961 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố 50 triệu USD (1.160 tỷ đồng).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM, với 2 dự án trên thì toàn bộ nước thải của các hộ dân trong lưu vực dự án sẽ được thu gom xử lý, không xả ra kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường.

Đây là 2 dự án ưu tiên và tổng nguồn vốn từ ngân sách thành phố là hơn 2.534 tỷ đồng.

Thành phố dự kiến sẽ rà soát, cân đối từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được giao, nguồn huy động từ phần tăng thu được sử dụng cho đầu tư phát triển ngay sau khi các dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác