TP. HCM: Thu tiền sử dụng đất 4 tháng đầu năm đạt trên 8.400 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ

Trần Lê - 27/04/2022 07:49 (GMT+7)

(VNF) - UBND TP. HCM vừa tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2022.

VNF
4 tháng đầu năm 2022, hồ sơ giao dịch liên quan đến lĩnh vực nhà đất tăng gần gấp đôi cùng kỳ (ảnh minh họa)

Đáng chú ý, theo thông tin từ Sở Tài nguyên- Môi trường TP. HCM, số hồ sơ giao dịch nhà đất tăng gần gấp đôi.

Cụ thể trong 4 tháng đầu năm 2022, số hồ sơ mua bán giao dịch liên quan đến lĩnh vực nhà đất là hơn 172.000, số tiền sử dụng đất thu được là trên 8.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số thu tăng nhiều nhất tập trung vào 2 nhóm là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, mặt nước. 

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, Sở Tài nguyên - Môi trường đang xúc tiến việc liên thông với ngành thuế để giải quyết hồ sơ nhanh chóng, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Đầu tháng 5/2022, đoàn công tác của Chính phủ sẽ vào làm việc tại TP. HCM cùng các sở, ngành của thành phố để tháo gỡ vướng mắc có liên quan tới các dự án nói trên, chủ yếu liên quan đến các dự án bất động sản. 

Đối với hoạt động của khối ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.229.500 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 2,73% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.041.500 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối tháng trước và tăng 7,32% so với cuối năm 2021.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, kinh tế - xã hội TP. HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực. Dư nợ tín dụng tăng hơn 7,3% so với đầu năm, tăng 15-16% so với cùng kỳ là tín hiệu hoạt động sản xuất kinh doanh đang được mở rộng.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. HCM, trong tháng 4, một số lĩnh vực kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 năm 2022 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt hơn 95.600 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 168.200 tỷ đồng (đạt 43,5% dự toán, tăng 13,87% so với cùng kỳ). Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Một vấn đề cần lưu ý là lạm phát đang thấm rất sâu vào đời sống người lao động, giá cả đang tăng lên. 

Cùng chuyên mục
Tin khác