Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP quý I) ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của quý I trong 10 năm qua.
Trong quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08%, khu vực dịch vụ tăng 3,27% và khu vực công nghiệp xây dựng tăng 5,15%. Kết quả tăng trưởng kinh tế quý I/2020 có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy ngành này đạt mức tăng không cao so với cùng kỳ các năm trước (7,21%) nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý là, sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định, một số ngành khác như hóa dược liệu; ngành sản xuất linh kiện điện tử vẫn tăng trưởng tốt. Riêng đối với ngành công nghiệp điện tử, việc Samsung cho ra đời điện thoại thế hệ mới tiêu thụ tốt cùng với một số nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuyển nhà máy sản xuất vào Việt Nam (như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng) là những yếu tố tạo nên tăng trưởng.
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, xuất nhập khẩu quý I đạt kết quả khả quan với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 56,2 tỷ USD, giảm 1,9% so cùng kỳ. Xuất siêu quý I đạt 2,8 tỷ USD là một điểm sáng của nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế quý II sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó 3 yếu tố quan trọng nhất là diễn biễn của dịch bệnh COVID-19, tiến độ giải ngân đầu tư công và kết quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, dân sinh.
Đối với yếu tố thứ nhất, mặc dù Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, song sớm nhất cũng phải đến cuối tháng 5 Việt Nam mới có thể công bố hết dịch COVID-19. Trong nửa đầu tháng 4 vẫn ghi nhận thêm 60 ca nhiễm mới. Còn đối với các nền kinh tế lớn là đối tác hàng đầu về thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam như Mỹ, châu u, Nhật Bản,… dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong nửa đầu tháng 4 và thời điểm kỳ vọng dập tắt dịch còn có thể dài hơn. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế rất lớn (trên 200% GDP) do đó, một khi các đối tác lớn còn đóng cửa thương mại, biên giới để ưu tiên dập dịch sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta, nhất là về thương mại, đầu tư và du lịch.
Liên quan tới yếu tố này, có thể kỳ vọng vào quan hệ giao thương với Trung Quốc – nền kinh tế thứ hai thế giới đang phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, về tổng thể, có thể nhận định rằng, quý II vẫn là quý khó khăn, nhiều ngành kinh tế sẽ tiếp tục chịu sự thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19.
Nhìn từ hoạt động xuất khẩu, mặc dù kết quả chung của quý I là khả quan song điều đáng lo ngại là xuất nhập khẩu của tháng 3 chỉ đạt 20 tỷ USD, giảm tới 4,1% so với tháng trước. Đà suy giảm này còn có thể kéo dài trong các tháng tới do cầu của những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và EU giảm sút và các quốc gia này tiếp tục phải đóng cửa để chống dịch COVID-19.
Yếu tố quan trọng thứ hai là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất quan điểm và đang chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, xem đây là yếu tố quan trọng để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các quý tới.
Điều này đòi hỏi phải tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm triển khai, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát lại những rào cản hiện nay trong giải ngân vốn đầu tư công để đề xuất biện pháp tháo gỡ kịp thời, chỉ ra những văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập để báo cáo sửa đổi ngay, không thể chần chừ, chậm trễ.
Vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kéo theo việc giải ngân vốn đầu tư ngoài nhà nước và FDI. Tuy nhiên, từ kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý I chỉ đạt 13,09% kế hoạch năm và hiện còn quá nhiều rào cản đối với giải ngân vốn đầu tư công nên rất khó kỳ vọng vào sự đột phá lớn về giải ngân nguồn vốn này ngay trong quý II.
Yếu tố thứ ba là tiến độ và hiệu quả triển khai các gói cứu trợ đối với doanh nghiệp và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Chính phủ đã có các gói hỗ trợ về tín dụng và tài khóa nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, Chính phủ và chính quyền một số địa phương cũng đã có các gói hỗ trợ những người mất việc làm, thiếu việc làm, người yếu thế. Nếu các gói hỗ trợ này được triển khai kịp thời, hiệu quả thì không chỉ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn kích thích tiêu dùng, một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng rằng, các gói hỗ trợ sẽ được triển khai trong quý II và sẽ có tác động tích cực nhất định tới tăng trưởng kinh tế.
Từ việc phân tích các yếu tố nói trên, có thể thấy, bên cạnh một số yếu tố tác động tích cực, nền kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với khó khăn chồng chất và nhiều thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu thị trường, thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động; các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Trong bối cảnh đó, nếu nước ta duy trì được mức tăng trưởng GDP như quý I cũng đã là một thành công lớn.
Các dự báo được đưa ra gần đây đều khá bi quan về kinh tế thế giới 2020. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 16/4 đã đưa ra nhận định “kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm 2020”.
Ngoài tác động trực tiếp của dịch COVID -19, một số chuyên gia kinh tế còn lo ngại về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm. Nhìn lại những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1987, 1997 và 2008 có thể thấy lo ngại về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm không phải là không có cơ sở.
Theo GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, điều này rất có thể xảy ra và một khi nó xảy ra cộng hưởng với sự tàn phá của đại dịch COVID-19 sẽ đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.
Cuộc khủng hoảng chu kỳ năm 2008 có nguồn gốc từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ và nhiều nước châu u với sự sụp đổ, phá sản của nhiều định chế tài chính lớn đã kéo theo sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam ở thời điểm đó dù độ mở chưa lớn như hiện nay nhưng cũng đã chịu tác động lớn từ bên ngoài, vừa đối mặt với khủng hoảng giá nhiên liệu, lương thực, sắt thép, vừa chống chọi với khủng hoảng địa ốc, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ đạt 5,2%, thấp nhất trong 10 năm trước đó, bội chi ngân sách lên tới 6,9% GDP.
Khác với thời điểm 2009, độ mở hiện tại của nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều, nhưng sức chống chịu vẫn còn hạn chế, và nếu khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra theo chu kỳ, chắc chắn tác động tiêu cực từ bên ngoài sẽ dữ dội hơn.
Trong bối cảnh nói trên, còn quá nhiều ẩn số để dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2020. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra các kịch bản khác nhau cho tăng trưởng kinh tế 2020.
Vào cuối tháng 3, các tổ chức quốc tế như Citibank, Rabobank,… nhận định dịch bệnh COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 dự báo chỉ đạt mức 5,2%-5,6%. Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng ước tính dịch COVID-19 khiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm 1,2-1,4 điểm % - tương đương với mức tăng trưởng 5,4 – 5,6% với điều kiện Việt Nam tiếp tục quyết liệt kiểm soát dịch bệnh như hiện nay.
Trong khi đó, WB ngày 31/3 đã hạ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 xuống chỉ còn 4,9%, sau đó tăng trở lại 7,5% năm 2021 nhờ cầu thế giới tăng sau đại dịch, ngành dịch vụ được củng cố và nông nghiệp dần hồi phục.
Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” công bố ngày 3/4/2020 dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 chỉ tăng trưởng 4,8%. Bi quan hơn, Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ giảm xuống còn 3,3% mặc dù tổ chức này kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng khoảng 7,3%.
Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, để dự báo kinh tế cả năm 2020 cần tính tới rủi ro khủng hoảng chu kỳ của kinh tế thế giới. Theo các chuyên gia này, nếu cùng lúc kinh tế thế giới phải vừa đối mặt với tàn phá của dịch bệnh, vừa rơi vào khủng hoảng mang tính chu kỳ thì kinh tế Việt Nam dù có nỗ lực cao nhất cũng sẽ rất khó vượt mức tăng trưởng 4% trong năm nay.
Với kịch bản khác, Mỹ và châu Âu dập tắt được dịch trong quý III, Trung Quốc và Việt Nam dập dịch trong quý II và khủng hoảng chu kỳ không xảy ra, giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch, các gói cứu trợ được triển khai kịp thời và có hiệu quả, kinh tế Việt Nam có thể vực dậy vào những tháng cuối năm và đạt mức tăng trưởng trên 5%.
Dự báo lạc quan này không phải không có cơ sở nếu nhìn lại năm 2009 khi GDP quý I chỉ tăng 3,14% (thấp hơn đáng kể so với mức tăng 3,82% của quý I năm nay), quý II tăng trưởng 4,46%, quý III 5,76% nhưng quý IV tăng 6,8% để GDP cả năm đạt mức tăng trưởng 5,2%.
Tất cả sẽ tùy thuộc vào kết quả chống dịch, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hiệu quả các gói cứu trợ và cuối cùng là hiệu quả, hiệu lực điều hành của Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.