Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, thực tế cao gấp đôi?
Thanh Tú -
09/08/2023 13:32 (GMT+7)
(VNF) - Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 16 đến 24 của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6, có nghĩa cứ 5 người trẻ lại có 1 người thất nghiệp. Tuy nhiên, theo Fortune, con số thực tế có thể lên tới 46,5%, tức nhiều gấp đôi so với con số Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố.
Ngày càng nhiều người trẻ thích “nằm yên”
Quá trình phục hồi hậu Covid-19 của Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn hơn so với những gì mà hầu hết các nhà phân tích Phố Wall dự đoán. Thị trường bất động sản “ốm yếu”, nợ của chính quyền địa phương tăng cao và chi tiêu của người tiêu dùng yếu đã buộc Bắc Kinh phải hạ lãi suất và đưa ra các biện pháp kích thích mạnh để thúc đẩy nền kinh tế.
Một trong những vấn đề khiến giới chức Bắc Kinh phải đau đầu không kém chính là tỷ lệ lao động thất nghiệp đáng báo động. Những người trẻ mới ra trường của quốc gia tỷ dân đã phải vật lộn với thị trường việc làm khó khăn trong nhiều năm, nhưng kể từ sau khi đại dịch bủng nổ, tình hình đã xấu đi đáng kể.
Vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 16 đến 24 của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 21,3%, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Ở độ tuổi từ 25 đến 59 tuổi, con số này là 4,1%.
Theo giáo sư kinh tế Zhang Dandan của Đại học Bắc Kinh, các số liệu thống kê chính thức không vẽ nên một bức tranh màu hồng, nhưng thực tế có thể còn tồi tệ hơn. Bởi vì Trung Quốc tính tỷ lệ thất nghiệp bằng cách chỉ dựa trên thống kê những người đang tìm kiếm việc làm, trái ngược với Mỹ, nước này sẽ thống kê tất cả những người trong độ tuổi lao động.
Theo giáo sư Zhang, tỷ lệ thất nghiệp thực sự của thanh niên Trung Quốc có thể lên tới 46,5%.
Trong một bài báo cho tạp chí tài chính Caixin của Trung Quốc, bà Zhang lý giải thích rằng có 16 triệu công nhân trẻ Trung Quốc về cơ bản đã tự rời bỏ thị trường lao động, và do đó, họ không được tính vào thống kê thất nghiệp.
Ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc hưởng ứng trào lưu "tangping" (nằm yên không làm gì). Từ này có nghĩa là họ chỉ làm những gì tối thiểu để sống qua ngày và không phấn đấu vì điều gì khác ngoài những gì cần thiết để tồn tại. Nhiều người coi đó là cách để họ phản ứng, từ chối áp lực phải làm việc quá sức ở Trung Quốc.
Thậm chí một số bậc cha mẹ Trung Quốc đã tìm đến những giải pháp khác thường. Họ trả lương cho những đứa con trưởng thành để trở thành để làm “con toàn thời gian”.
Chính quyền vào cuộc
Hồi tháng 5, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố một kế hoạch gồm 15 điểm nhằm kết nối tối ưu giữa việc làm và người trẻ tìm việc. Kế hoạch bao gồm hỗ trợ đào tạo kỹ năng và các chương trình thực tập sinh, cam kết mở rộng tuyển dụng tại các doanh nghiệp quốc doanh và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên mới ra trường và lao động nhập cư.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thời gian gần đây cũng tăng cường kêu gọi các cử nhân thất nghiệp nên tạm dừng tham vọng nghề nghiệp của họ và hãy bắt tay vào các công việc đòi hỏi những kỹ năng thấp hơn.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã có biện pháp cứng rắn với các trường đại học trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp của đất nước, nhưng cho đến nay, quyết định này có vẻ tạo ra nhiều vấn đề hơn là để khắc phục.
Trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp đại học, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo rằng bất kỳ chuyên ngành đại học nào có tỷ lệ việc làm thấp hơn 60% trong hai năm liên tiếp đều có thể bị hủy bỏ.
Hiện phần lớn các trường đại học Trung Quốc được nhà nước tài trợ, điều đó có nghĩa là chính phủ có thể gây áp lực tài chính lớn lên các nhà quản lý để đạt được mục tiêu của mình. Áp lực đó khiến một số trường buộc sinh viên tốt nghiệp làm giả hồ sơ việc làm, theo South China Morning Post.
Ông Henry Gao, giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cũng cho rằng tình trạng thanh niên thất nghiệp thực tế ở Trung Quốc có thể tồi tệ hơn dữ liệu đưa ra bởi các trường đại học "có động cơ thổi phồng tỷ lệ việc làm”.
Tình trạng này đã trở nên tồi tệ đến mức Bộ Giáo dục Trung Quốc cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt thích đáng nếu các trường đại học tiếp tục công bố số liệu không trung thực.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone