Muốn rút khỏi Vành đai và con đường, Ý lo ngại Trung Quốc trả đũa

Hải Đăng - 31/07/2023 12:17 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho rằng việc tham gia sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc là một quyết định vội vàng của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông Crosetto thừa nhận rằng việc rút khỏi thỏa thuận này là không dễ dàng.

VNF
Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto.

Tham gia BRI vào năm 2019 khi ông Giuseppe Conte làm thủ tướng, Ý là quốc gia G7 duy nhất tham gia đại dự án của Bắc Kinh dù vấp phải chỉ trích của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thoả thuận sẽ hết hạn vào tháng 3/2024 nhưng sẽ tự động được gia hạn nếu không bên nào thông báo rút lui.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền Thủ tướng Giorgia Meloni lên nắm quyền, khả năng nước này tái gia hạn việc tham gia BRI được đánh giá là khó xảy ra.

Trả lời báo Corriere della Sera ngày 30/7 mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho rằng tham gia BRI là một quyết định "vội vàng và sai lầm" vì nó “giúp gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Ý nhưng không có tác động tương tự đối với xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc”.

Cũng theo ông Crosett, nước này đang cân nhắc cách để rút khỏi BRI mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay Bộ trưởng Crosetto và nhiều người khác trong chính quyền Ý hiện đang tìm cách thoát khỏi thỏa thuận do chính phủ tiền nhiệm ký kết.

"Vấn đề hiện nay là làm sao để rút khỏi BRI mà không làm tổn hại đến quan hệ (với Bắc Kinh) vì Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhưng cũng là đối tác", Bộ trưởng Crosetto nêu rõ.

Theo các nguồn tin, các cố vấn ngoại giao của Thủ tướng Ý Meloni dường như vẫn đang thảo luận chi tiết về việc này, đồng thời lo ngại rằng Trung Quốc có thể trả đũa về kinh tế.

Ý, giống như phần lớn châu Âu, đang tìm cách cân bằng giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung Quốc không ngừng nóng lên thời gian qua.

Thủ tướng Meloni cho biết Ý có thể có "quan hệ đối tác và quan hệ đối tác thương mại tốt" với Trung Quốc ngay cả khi không ở trong sáng kiến này.

Trong cuộc trả lời nhật báo Il Messaggero mới đây, bà Meloni nói rằng vẫn quá sớm để dự đoán việc Ý có tiếp tục tham gia dự án ký từ năm 2019 hay không. Tuy nhiên, chính phủ của bà được cho là đang nghiêng về ủng hộ việc rút khỏi sáng kiến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Ra mắt năm 2013, BRI là một dự án đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một mạng lưới phức hợp gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển trải dài từ Trung Quốc đến Trung Á, Châu Phi và Châu Âu. Quy mô tài chính của sáng kiến này ước tính lên tới khoảng 1.300 tỷ USD vào năm 2027.

EU từ lâu đã bày tỏ quan ngại về hoạt động đầu tư và cho vay của Trung Quốc tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước ở châu Âu.

BRI đã hứng chịu một số chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang tiến hành “ngoại giao bẫy nợ” thông qua BRI, khiến cho các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ, và nợ đó chuyển hóa thành ảnh hưởng chính trị. Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận cáo buộc này.

Xem thêm >> Sau Ấn Độ đến Nga và loạt nước ngừng xuất khẩu, giá gạo Việt lập đỉnh 12 năm

Theo Bloomberg, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.