Tài chính quốc tế

Trung Quốc phát hiện tâm chấn lây lan Covid-19 mới

(VNF) - Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc đã công bố tâm chấn lây lan virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 mới tại tỉnh Cát Lâm với trường hợp siêu lây nhiễm.

Trung Quốc phát hiện tâm chấn lây lan Covid-19 mới

Tính đến ngày 18/1, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 88.454 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 4.635 trường hợp tử vong.

Trong ngày 18/1, Trung Quốc ghi nhận 118 ca nhiễm Covid-19 mới. Như vậy, đã 7 ngày liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới nhiều hơn 100 người trong 1 ngày.

Trong tổng số 118 ca nhiễm mới có 106 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, với 43 trường hợp tại tỉnh Cát Lâm, 35 trường hợp tại tỉnh Hà Bắc, 27 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang và 1 ca mắc mới ở Bắc kinh.

Dịch ở Cát Lâm được cho là bùng phát do liên quan đến một hoạt động tiếp thị thuốc. Một người đàn ông 45 tuổi được xác định là ca “siêu lây nhiễm” khi tham gia các buổi thuyết trình tại 2 câu lạc bộ sức khỏe khiến tổng cộng 102 người bị lây nhiễm Covid-19, bao gồm 79 người tham dự các buổi thuyết trình và 23 người thân tiếp xúc với họ.

Theo lịch trình chi tiết do ủy ban Y tế Cát Lâm công bố, người đàn ông này đã đi 4 chuyến tàu, 3 chuyến xe buýt và một chuyến tàu điện ngầm để di chuyển giữa tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Cát Lâm.

Mặc dù Trung Quốc đã tương đối kiểm soát được dịch Covid-19, song sự gia tăng mạnh các ca mắc trong vài tuần qua đã khiến nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và triển khai nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt.

Trên khắp tỉnh Cát Lâm, chính quyền đã dừng các chuyến xe buýt và tàu hỏa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Các trường học cũng bị đóng cửa. Hơn 100 triệu dân ở đông bắc Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Tính đến ngày 18/1, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 88.454 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 4.635 trường hợp tử vong.

Ở động thái liên quan mới nhất, trong đánh giá của Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch (IPPR) của WHO, IPPR cho rằng cơ quan y tế địa phương và quốc gia Trung Quốc lẽ ra có thể áp dụng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ hơn vào tháng 1/2020, ngay sau khi phát hiện ra sự xuất hiện của dịch bệnh.

IPPR đồng thời chỉ trích WHO vì chậm trễ trong thời gian đầu của dịch bệnh.

IPPR cho rằng WHO và giới chức y tế các nước đã chậm trễ trong việc cảnh báo virus có thể lây từ người sang người.

Ủy ban cũng cho rằng WHO đáng ra nên sử dụng từ "đại dịch" sớm hơn để các nước có thể nghiêm túc hơn trong việc tập trung ứng phó với Covid-19. Đến ngày 11/3/2020, WHO mới coi Covid-19 là đại dịch.

Xem thêm >> Bất chấp sắc lệnh của ông Trump, ông Biden nói tiếp tục cấm du lịch vào Mỹ

Tin mới lên