Tài chính quốc tế

Trung Quốc quyết tuyên chiến với đồng USD

(VNF) - Ông Phạm Tây Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, cho rằng nước này nên chuẩn bị cho việc ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Một mục tiêu khác của Bắc Kinh là "quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ", nghĩa là thay thế đồng USD bằng đồng tiền riêng của mình trong các giao dịch quốc tế.

Trung Quốc quyết tuyên chiến với đồng USD

Trung Quốc muốn thay thế đồng USD bằng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế. (Ảnh minh họa)

SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication) là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế, giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin.

Thành lập năm 1973, hiện SWIFT có hơn 11 nghìn tổ chức tại 200 quốc gia. Kể từ đầu năm, hơn 4 tỷ thanh toán đã được chuyển qua hệ thống này.

SWIFT là một doanh nghiệp tư nhân, nhưng vì được thanh toán bằng đồng USD nên phụ thuộc rất nhiều vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Phát biểu trước báo giới ngày 24/6, ông Phạm Tây Hải nhấn mạnh rằng: "Trung Quốc phải chuẩn bị trước cho việc ngắt kết nối khỏi SWIFT một cách thực sự, chứ không chỉ về mặt tâm lý”.

Theo ông Phạm, Trung Quốc hiện dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt tiềm năng của Washington.

Lý do ông Phạm đưa ra tuyên bố này là bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/6 đã chính thức ký thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, cho phép Washington có phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Bắc Kinh với người Hồi giáo thiểu số ở Khu tự trị Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.

Dự luật yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 180 ngày từ khi ban hành luật, đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa mới đây cũng trình bày một báo cáo dài 120 trang về việc “Tăng cường phản ứng của nước Mỹ trước các mối đe dọa toàn cầu", trong đó đề xuất khoảng 130 biện pháp khả thi để tác động đến" những kẻ thù thực sự của Mỹ" như Nga, Trung Quốc và Iran.

Một trong số đó là yêu cầu SWIFT ngừng hợp tác với các ngân hàng từ các quốc gia không thân thiện. 

Ông Phạm Tây Hải cũng lưu ý rằng trong tương lai có khả năng đồng USD mất giá mà như thế cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc vì Bắc Kinh có khoảng 2 nghìn tỷ USD dưới dạng đầu tư phi tài chính ở nước ngoài. 

"Nếu tài sản nước ngoài của chúng tôi bằng Nhân dân tệ, thì sẽ không có nỗi sợ hãi như vậy", ông Phạm Tây Hải nói đồng thời nhấn mạnh “việc quốc tế hóa Nhân dân tệ sẽ cho phép chúng tôi bù đắp cho áp lực tài chính từ bên ngoài".

Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ từng đe dọa ngắt kết nối nước Nga khỏi hệ thống SWIFT kể từ khi bắt đầu cuộc chiến trừng phạt vào năm 2014. Đáp lại, Ngân hàng Trung ương Nga đã phát triển hệ thống thông tin tài chính (SPFS) của riêng mình.

Trung Quốc cũng có Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS). Và năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Nga và Trung Quốc đã đồng ý hợp nhất hệ thống cho các khoản thanh toán quốc tế.

Theo đó, SFPS cung cấp các giao dịch bằng đồng Rúp, CIPS thì bằng Nhân dân tệ, do đó, người dùng không phụ thuộc vào Mỹ và SWIFT và đồng thời thoát khỏi nhu cầu thanh toán bằng USD, làm suy yếu vị thế của USD như là một đồng tiền dự trữ.

Xem thêm >> Mỹ: Dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chững lại, bùng nổ 45.000 ca nhiễm trong ngày

Tin mới lên