TSMC sang Đức xây nhà máy 'siêu khủng', châu Âu cấm đầu tư công nghệ cao Trung Quốc

Ái Nhi - 12/08/2023 22:56 (GMT+7)

(VNF) - Apple Pay chính thức ra mắt tại Việt Nam, Ủy ban châu Âu (EC) và Anh đang cân nhắc cấm đầu tư vào công nghệ cao Trung Quốc... là những tin tức công nghệ đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Châu Âu cân nhắc cấm đầu tư vào công nghệ cao Trung Quốc.

Livestream vi phạm pháp luật sẽ bị cắt Internet

Đây là ý kiến vừa được Văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông (TT&TT) chia sẻ tại họp báo thường kỳ chiều ngày 8/8 tại Hà Nội. Theo đó, cơ quan này sẽ ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nếu đối tượng livestream vi phạm pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, việc sử dụng livestream trên mạng xã hội rất phổ biến hiện nay. Trong đó, có những đối tượng đã lợi dụng việc livestream để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức...

"Để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng dịch vụ Internet đối với các vi phạm này, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 đề xuất các biện pháp xử lý nhanh, khẩn cấp đối với những cá nhân vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có hình thức livestream," bà Huyền chia sẻ.

Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nhìn nhận, việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet chưa phải là giải pháp triệt để vì đối tượng vi phạm có thể dùng các tài khoản khác nhau. Nhưng đây là giải pháp xử lý bổ sung khẩn cấp, để xử lý kịp thời ngay lập tức cho các tình huống, các sai phạm được phát hiện trên môi trường mạng. (Xem thêm)

Apple Pay chính thức ra mắt tại Việt Nam

Từ ngày 8/8, người dùng iPhone, Apple Watch tại Việt Nam có thể thanh toán trực tiếp dịch vụ tại cửa hàng mà không cần thẻ tín dụng, thẻ ATM.

Sau Malaysia và Singapore, Việt Nam trở thành nước thứ ba tại khu vực Đông Nam Á hỗ trợ Apple Pay. Đến nay, dịch vụ thanh toán này đã có mặt tại hơn 70 quốc gia, khu vực và hợp tác với hơn 10.000 đối tác ngân hàng trên toàn thế giới. Công nghệ này giúp thực hiện thanh toán bảo mật tại các cửa hàng, phương tiện công cộng, trong ứng dụng và trên các trang web có liên kết.

Trong giai đoạn đầu, Apple Pay liên kết với một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VPBank và Sacombank. Các hệ thống đầu tiên chấp nhận dịch vụ của Apple là Winmart, Starbucks, Phúc Long, Mc Donald's, Highlands Coffee, CGV... và các ứng dụng như Baemin, Be, Hasaki, mytour.vn, Shopee.

"Thanh toán không tiếp xúc đang dần trở thành một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày tại Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng Apple Pay sẽ phù hợp với thói quen của người dùng Việt Nam một cách liền mạch", Jennifer Bailey, Phó Chủ tịch Apple phụ trách Apple Pay và Apple Wallet khẳng định. (Xem thêm)

Sau Mỹ, tới lượt châu Âu cân nhắc cấm đầu tư vào công nghệ cao Trung Quốc

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào “công nghệ nhạy cảm” ở Trung Quốc, Ủy ban châu Âu (EC) và Anh cho biết họ đang cân nhắc để đưa ra động thái tương tự.

Ngày 10/8, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EC sẽ phân tích lệnh cấm của Mỹ liên quan tới các khoản đầu tư mới của nước này vào Trung Quốc trong một số dự án công nghệ cao.

“Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền Mỹ và mong muốn tiếp tục hợp tác trong vấn đề này", người phát ngôn EC cho hay.

Theo truyền thông Anh, Thủ tướng nước này Rishi Sunak cũng đang cân nhắc xem có nên hạn chế đầu tư ra nước ngoài vào một số lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, tương tự như động thái của Mỹ hay không.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden ngày 9/8 đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào “công nghệ nhạy cảm” ở Trung Quốc, bao gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Sắc lệnh yêu cầu các công ty phải báo cáo Chính phủ Mỹ về kế hoạch đầu tư mới vào ba lĩnh vực nói trên ở Trung Quốc. (Xem thêm)

TSMC xây nhà máy 'siêu khủng' tại Đức

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên ở châu Âu với sự hỗ trợ của chính phủ Đức, động thái mới nhất nhằm giúp lục địa này bớt phụ thuộc vào hàng nhập khẩu công nghệ cao từ châu Á.

"Gã khổng lồ" chất bán dẫn TSMC cho biết đã phê duyệt khoản đầu tư 3,8 tỷ USD vào nhà máy tại Đức, với tổng vốn đầu tư vào nhà máy dự kiến ​​vượt 10 tỷ EUR, tương đương 11 tỷ USD, bao gồm cả hỗ trợ của chính phủ.

Đặc biệt, nhà máy mới cũng là màn "bắt tay" của TSMC với các nhà sản xuất chip địa phương như Infineon Technologies AG - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức; nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu của Hà Lan NXP Semiconductors NV và tập đoàn công nghệ Đức Robert Bosch GmbH.

Nhà máy theo kế hoạch sẽ do TSMC sở hữu 70%, công ty sẽ vận hành cơ sở ở thành phố Dresden, còn Infineon, NXP và Bosch, mỗi công ty nắm giữ 10% cổ phần, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý, các công ty cho biết đưa ra tuyên bố chung ngày 8/8.

Nhà máy mới là bước tiến đầu tiên của TSMC trong việc thiết lập sự hiện diện lớn ở châu Âu để chống lại rủi ro từ căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Được biết, nhà máy dự kiến ​​bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2027, sẽ cung cấp chip cho lĩnh vực ô tô và công nghiệp. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác