Tài chính

TTCK và sự trở lại của nhà đầu tư cá nhân trong nước

(VNF) - Nếu không khai thác tốt nguồn vốn trong nước thì khó lòng thu hút nguồn vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán một cách bền vững.

TTCK và sự trở lại của nhà đầu tư cá nhân trong nước

Hiện nay, khoảng 90% thanh khoản thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước

Trong năm đầu vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có khoảng trên 2.900 tài khoản đầu tư. Thế nhưng bình quân 10 tháng năm 2021, có tới trên 3.500 tài khoản đầu tư được mở mới… mỗi ngày. Bước nhảy vượt bậc về số lượng tài khoản đầu tư sau gần 1/4 thế kỷ hình thành thị trường chứng khoán, kéo theo đó là dòng tiền “khổng lồ” ùn ùn đổ vào thị trường, có dấu ấn đặc biệt của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Hiện nay, khoảng 90% thanh khoản thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, tương tự như cách đây 20 năm, dù giá trị giao dịch mỗi ngày chênh nhau tới cả tỷ USD. Lật lại quá khứ, thời kỳ đầu, đã có giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ biến động theo một chiều, hoặc là tăng giá liên tục hoặc là xuống giá trong nhiều phiên liền.

Chỉ số VN-Index có lúc lên tới 571 điểm vào cuối tháng 6/2001 nhưng rồi đảo chiều, tiếp tục đi xuống, đến cuối tháng 10/2003, chỉ số VN-Index còn 130 điểm. Các tổ chức niêm yết đã không lý giải được vì đâu mà thị trường có những diễn biến như vậy. Lúc đó, các nhà phân tích và giám sát thị trường nghiêng về quan điểm cho rằng, do các nhà đầu tư cá nhân trong nước hành động theo tâm lý “đám đông” và chính các nhà đầu tư cũng không chắc chắn về hành vi đầu tư của mình.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi cho đến năm 2003, thị trường chứng khoán vẫn nghèo nàn về thông tin, về số lượng doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt, công ty chứng khoán là loại hình tổ chức kinh doanh chứng khoán duy nhất trên thị trường. Đây là lý do vì sao sau đó, định hướng phát triển thị trường chứng khoán chuyển trọng tâm sang phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng như tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, dẫn tới sau này, nhiều khi khối ngoại được ví như “ngáo ộp” bởi giao dịch của họ chi phối tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Nay, cờ đã trở về tay của nhà đầu tư cá nhân trong nước, với một tâm thế hoàn toàn khác.

“Đây là giai đoạn mà nhà đầu tư rất dễ dàng tiếp cận kiến thức đầu tư cũng như thông tin trên thị trường chứng khoán thông qua internet, mạng xã hội, tư vấn của các công ty chứng khoán… Đây cũng là giai đoạn phát triển khá thăng hoa về sản phẩm, dịch vụ chứng khoán, thậm chí nhà đầu tư có thể dễ dàng mở tài khoản chứng khoán online. Tiếp cận được nhiều nguồn thông tin hơn, nhà đầu tư có thể chọn cho mình cách đầu tư phù hợp”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính.

Sự lớn mạnh của nhà đầu tư cá nhân trong nước thời gian qua đặt cơ quan quản lý vào tình huống phải nhìn nhận lại trọng tâm phát triển thị trường chứng khoán, nhất là khi đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 đang được gấp rút xây dựng. Phải chăng chủ thể trung tâm, quan trọng nhất nên là nhà đầu tư cá nhân trong nước?

Khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bỗng giật mình nhận ra rằng lượng lớn nguồn vốn ngoại chỉ là ngắn hạn, sẵn sàng “chia tay” Việt Nam khi xuất hiện rủi ro. Nhìn lại bài học khủng hoảng tài chính Thái Lan giai đoạn 1997 – 1998, cơ quan quản lý nước này đã phải đưa ra quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài rút vốn để tránh xảy ra tình trạng rút vốn ồ ạt nhưng rốt cuộc, thị trường chứng khoán càng khủng hoảng hơn và sau đó, Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ biện pháp này.

“Nếu không khai thác tốt nguồn vốn trong nước thì cũng đừng nói chuyện đến thu hút nguồn vốn nước ngoài. Nếu nguồn vốn trong nước không cảm thấy thị trường chứng khoán hấp dẫn thì chắc chắn đối với nước ngoài, họ cũng không thấy hấp dẫn, bởi khi đánh giá một thị trường có xứng đáng để đầu tư không, đầu tiên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn vào thanh khoản thị trường và quy mô vốn hóa. Trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam luôn bị cho là quá nhỏ để đầu tư nhưng đến nay, nhờ nhà đầu tư cá nhân trong nước mà thanh khoản thị trường đã ngang bằng, thậm chí có những lúc lớn hơn cả Singapore. Khi chúng ta đủ lớn, đủ chất lượng thì tự thân nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến”, ông Đỗ Bảo Ngọc nêu quan điểm.

Theo vị này, khi nhà đầu tư cá nhân trong nước phát triển, những tổ chức đầu tư cũng sẽ tự phát sinh, phát triển để đáp ứng nhu cầu đầu tư ngày càng lớn của cá nhân trong nước. Đến một thời điểm nào đó, khi đủ niềm tin, sẽ xuất hiện làn sóng nhà đầu tư cá nhân tìm đến các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để ủy thác đầu tư. Khi ấy, trong bức tranh chung là thanh khoản thị trường chứng khoán ngày càng tăng, tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ giảm dần và tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức sẽ tăng lên. Đây là mô hình phát triển bền vững mà các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đã và đang làm.

“Chính vì thế lúc này, khi thời cơ đến, chúng ta phải chăm sóc nhà đầu tư cá nhân trong nước, tận dụng tối đa nguồn lực trong nước. Thu hút nguồn tiền trong dân để phục vụ đầu tư phát triển kinh tế cũng là định hướng mà Nhà nước đặt ra lâu nay”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, cũng đau đáu về điều này. Trong chia sẻ gần đây trên trang cá nhân, ông Hưng cho biết trong 10 tháng năm nay, người dân đã chuyển thêm 68.000 tỷ đồng vào kênh đầu tư chứng khoán. “Khi niềm tin của người dân tăng cao thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư. Nhà đầu tư trong nước là nhân tố quan trọng nhất của mọi thị trường chứng khoán trên thế giới!”, ông Hưng nhấn mạnh.

Dẫu cho sự gia nhập đột biến của nhà đầu tư cá nhân trong nước thời gian qua một phần quan trọng là đến từ chính sách hạ lãi suất ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh, khiến cho dòng chảy của tiền tìm đến các kênh đầu tư sinh lời tốt hơn như chứng khoán, nhưng nhìn rộng sang lịch sử các thị trường chứng khoán trên thế giới, dù là ở chu kỳ kinh tế nào thì thị trường vẫn phát triển theo chiều hướng đi lên, các đợt điều chỉnh chỉ là ngắn hạn.

Điều quan trọng để thị trường đi lên bền vững dù môi trường có biến động là phải tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư bằng cách tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch về công bố thông tin, về giám sát thị trường, xử phạt nghiêm các hành vi thao túng giá, có chính sách bảo vệ nhà đầu tư…, cùng với đó, đảm bảo chất lượng “nguồn hàng” trên sàn, khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên thị trường nhưng phải có sự sàng lọc và giám sát thường xuyên. Về cơ bản, chất lượng hàng hóa tốt đã là một yếu tố hấp dẫn dòng tiền.

Tin mới lên