'Tuýt còi' dự án BT đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông: 'Nâng cấp 4,77 km đường đổi 70ha đất vàng Nam Từ Liêm'

Đức Thọ - 10/06/2021 11:25 (GMT+7)

(VNF) - UBND Hà Nội vừa "tuýt còi" 82 dự án đầu tư theo mô hình xây dựng - chuyển giao (BT). Trong đó có dự án BT đoạn Nhổn - Hà Đông chỉ nâng cấp, mở rộng (không xây mới) 4,77km nhưng được đổi 71ha "đất vàng" tại quận Nam Từ Liêm. Ông chủ thực sự đứng sau dự án này là ai?

VNF

Chỉ nâng cấp 4,77 km đường đổi 71ha đất quận Nam Từ Liêm

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, người ký quyết định phê duyệt dự án là ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đồng ý cho Công ty cổ phần bất động sản Thái An (gọi tắt là công ty Thái An) thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT. Hợp đồng được ký vào ngày 12/10/2017.

Để thực hiện dự án, chủ đầu tư tự bỏ vốn và huy động nguồn hợp pháp khác, đổi lại Hà Nội sẽ thanh toán 71ha đất tại ô đất quy hoạch ký hiệu GS3-7 trong Quy hoạch phân khu đô thị GS và quy hoạch phân khu S3 thuộc địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Nên nhớ, đây là dự án nâng cấp, mở rộng đoạn đường từ Nhổn đến Hà Đông chứ không phải làm mới. Nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để nâng cấp đoạn đường 4,77km, dự kiến chia làm 3 đoạn thực hiện.

Cụ thể, đoạn 1: từ Km1+330,61 đến Km3+180,26 (từ nút giao với đường Trần Hữu Dực kéo dài đến Dự án Làng Giáo dục quốc tế) có chiều dài khoảng 1.850m, rộng 50m; Đoạn 2: Từ Km3+180,26 đến Km4+463,57 (từ dự án Làng Giáo dục quốc tế đến cầu Ngà) dài 1.283m, rộng 23m; Đoạn 3: Từ Km5+427,5 đến Km7+65,0 dài 2.223m, rộng 40m.

Dự án đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông chỉ nâng cấp, mở rộng (chứ không xây mới) 4,77km nhưng được đổi tới 71ha đất vàng tại quận Nam Từ Liêm

Trước đó ngày 31/7/2017, sau khi xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông theo hình thức Hợp đồng BT Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai dự án theo thẩm quyền, đúng quy định đảm bảo công khai, minh bạch, không thất thoát tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn loay hoay với các thủ tục pháp lý. Nhận thấy những bất cập, mới đây UBND TP. Hà Nội "tuýt còi" và yêu cầu dừng thực hiện dự án.

Tasco liệu có phải là "ông chủ" giấu mặt?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công Ty Cổ Phần Bất Động Sản Thái An được thành lập từ năm 2010, có địa chỉ tại B1, 24, đường Lê Đức Thọ, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trong đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần bất động sản Thái An là ông Trương Văn Thinh, nhưng khá bất ngờ khi ông Thinh cũng đồng thời giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tasco (gọi tắt là Công ty Tasco). Vậy Công ty Thái An có mối liên hệ với Công ty Tasco của "ông trùm" BOT Phạm Quang Dũng thế nào?

Theo ghi nhận của VietnamFinance, trong số 200 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Thái An thì Công ty cổ phần Tasco đóng góp 60 tỷ đồng tương đương 30% vốn điều lệ.

Trong số 38 thành viên góp vốn thành lập Công ty Thái An thì có rất nhiều cá nhân, đồng thời nằm trong Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tasco như: Phạm Quang Dũng - chủ tịch Công ty Tasco, Trần Thị Thanh Tân, Nguyễn Viết Tân, Phạm Văn Lương, Vũ Quang Lâm, Phạm Thị Nhàn, Nguyễn Ngọc Hùng.

Như vậy, dễ dàng nhận thấy, mối quan hệ khăng khít giữa Công ty cổ phần bất động sản Thái An và Công ty cổ phần Tasco.

Trước đó, tại Hà Nội, Công ty Tasco đã "thành công" với dự án BT thi công 3,5km đường Lê Đức Thọ kéo dài được TP. Hà Nội đổi bằng 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).

Tại dự án này, dù đoạn đường chỉ có 3,5km nhưng đơn vị thi công đã chậm tiến độ 7 năm, không những vậy, khi tiến hành xây dựng cầu vượt đường sắt qua khu đô thị Xuân Phương, đơn vị thi công đã vô tình “bịt” đường Phương Canh trước đây vốn thẳng tắp, giờ bị chia cắt thành 2, khiến cho việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Hiện tại, 38ha đất tại dự án Xuân Phương Foresa Villa đã được phân lô, bán nền với giá trị mỗi căn biệt thự lên tới hàng cả tỷ đồng; còn 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) đã thành những khu căn hộ cao cấp. Với mức giá bất động như hiện nay, mức thu về tại các dự án trên là con số không hề nhỏ.

Tasco: từ "ông trùm" BOT đến đại gia bất động sản

Hiện tại, Tasco được ví như "ông trùm BOT" tại khu vực phía Bắc, tuy nhiên, lại nổi tiếng với khá nhiều dự án BOT tai tiếng.

Ví dụ, tháng 7 năm 2018, nhóm các Công ty TASCO (do ông Phạm Quang Dũng làm chủ tịch Hội đồng quản trị) vướng vào những lùm xùm liên quan đến trạm BOT Tân Đệ - Thái Bình. Những người phản đối trạm BOT Tân Đệ cho rằng trạm đã hết thời hạn thu phí, hiện trạm đang thu hoàn vốn bổ sung cho Dự án đường tránh Đông Hưng cách trạm thu phí hơn 20km. Do đó, đặt trạm trên QL 10, con đường độc đạo vào TP Thái Bình, là không hợp lý. Vì thế, người dân đã chặn lối vào trạm thu phí. Đến tháng 10/1/2019, chủ đầu tư buộc phải chuyển trạm thu phí Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco

Còn tại trạm BOT Mỹ Lộc, trạm này thu hoàn vốn cho 3,9 km Dự án đường tránh thành phố Nam Định. Người phản đối cho rằng trạm thu 30.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi (trước đây là 35.000 đồng) cho 3,9km đường đô thị, tương đương gần 8.000 đồng/km, là quá cao, chưa kể đoạn đường này có 1 phần được đầu tư bằng ngân sách tỉnh Nam Định (làn đường sát dải phân cách của mỗi chiều đi).

Đoạn đường tránh TP Nam Định được thừa hưởng lưu lượng xe khá lớn của 21,2km tuyến BT Mỹ Lộc - Liêm Tuyền cũng do TASCO thực hiện, nhưng thời gian thu phí của trạm quá dài, mức phí quá cao, nhập nhèm không tách bạch giữa đoạn đường BOT và BT, nghi vấn vị trí đặt trạm thu phí nằm trên phần đường BT đã dẫn đến những bức xúc trong dư luận và phản ứng gay gắt của người dân.

Một dự án khác là BOT QL39B đoạn qua Thái Bình cũng bị địa phương kiến nghị Bộ GTVT xoá bỏ trạm này, tuy nhiên, Bộ giao thông đã không đồng ý quan điểm mua lại và xoá bỏ trạm trên.

Mới đât nhất là trạm thu phí BOT Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Bình đã phản ánh vị trị đặt trạm có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh các dự án trên, Công ty Tasco còn là ông chủ một loạt dự án BOT khách như BOT QL 10 đoạn qua Hải Phòng, nâng cấp BOT QL 10 đoạn qua Thái Bình và là ông chủ tại Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC)...

Bên cạnh các dự án giao thông, Tasco đang lấn sân tại hàng loạt dự án bất động sản có tiếng như: Dự án Foresa Villa, dự án căn hộ cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án xây dựng khu đô thị Mỹ Đình – Nam Từ Liêm, dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building – Pháp Vân, dự án Xuân Phương Foresa Villa …

 

Cùng chuyên mục
Tin khác