Ùn tắc giao thông, ô nhiễm, ngập úng… đều từ quy hoạch mà ra
Bình An -
25/10/2018 09:59 (GMT+7)
(VNF) - Đó là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, diễn ra chiều 24/10.
Bộ, ngành sợ mất quy hoạch
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ quan điểm của một số nhà quản lý và chuyên gia cho rằng khi có Luật Quy hoạch thì một số Bộ, ngành rất sợ mất quy hoạch của ngành mình nên cứ đấu tranh là bên cạnh quy hoạch chung phải có quy hoạch chuyên ngành.
Song Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc tích hợp các loại quy hoạch là khả thi, bởi việc tích hợp quy hoạch sẽ tránh được việc quy hoạch này đá quy hoạch kia, tránh được những trường hợp như đào đường rồi lấp, lấp rồi lại đào…
Mục đích chính khi Luật Quy hoạch ra đời là nhằm giải quyết bất cập, chồng chéo, trùng lắp của nhiều loại quy hoạch lẻ tẻ. Nếu không tích hợp, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ gây lãng phí nguồn lực và thời gian. Hơn nữa, việc lập quy hoạch xây dựng riêng lẻ với các ngành khác sẽ làm chất lượng quy hoạch chung không đảm bảo.
Dẫn chứng thực tế, Chủ tịch Quốc hội đánh giá ở Việt Nam hiện nay, quy hoạch thất bại trong giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng. Theo bà, tất cả những vấn đề nổi cộm trên đều từ quy hoạch mà ra.
Nguyên nhân chính là do vấn đề liên ngành chứ không chỉ của riêng Bộ, ngành nào cả.
“Ông xây dựng cho làm chung cư rất nhiều trong nội đô, trong khi hạ tầng giao thông chỉ có như vậy. Khi người ta ở trên nhà không tắc, nhưng đến giờ đi làm, đi học người ta đổ xuống đường thì tắc ngay. Đô thị Hà Nội thời Pháp xây dựng đâu có bị ngập nhưng bây giờ ngập rồi, vì chúng ta phát triển không đúng” – bà Ngân nói.
Nhấn mạnh không riêng Bộ, ngành nào giải quyết được, bà Ngân cũng dẫn chứng, như ngành giao thông không thể giải quyết triệt để ùn tắc giao thông, vì di chuyển luồng hàng và người phụ thuộc lớn vào phân khu chức năng. Nếu khu đó được cho xây dựng cụm công nghiệp, hay vài chung cư cao tầng, thì ùn tắc không thể do giao thông được.
Dân ám ảnh vì quy hoạch
Đề cập đến mối liên quan với Luật đất đai, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) bày tỏ lo ngại về tính khả thi và khả năng áp dụng của luật, vì dễ phát sinh vướng mắc cho các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện Luật.
Chẳng hạn, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là quy hoạch sử dụng đất cấp dưới chỉ được phê duyệt khi quy hoạch sử dụng đất cấp trên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Về mặt lý thuyết là hợp lý, khoa học, nhưng trong thực tiễn lại không như vậy. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia rất rộng lớn, trên chậm thì chậm hàng loạt các tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và quyền, lợi ích của người dân, khi người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sẽ rất vướng mắc.
“Tôi rất lo cho tính hiệu quả, thực tiễn, khả thi của quy định pháp luật. Việc này giống như mình vẽ một cái vòng rồi đứng vào trong đó, không làm sao nhúc nhích được, nó ảnh hưởng dây chuyền”, bà Tâm nói.
Bà Tâm cũng cho rằng điều vướng nhất của Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều khiếu kiện của người dân cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi ích của người dân, đó là dự án chậm triển khai khi có quyết định thu hồi đất, giao đất, hay nói cách khác là đất đó đưa vào quy hoạch.
“Chỉ nói đưa vào quy hoạch là người dân đã thấy khổ sở, chưa nói đến thu hồi đất” – bà nói và cho rằng chúng ta cứ nói theo từng cấp nhưng cấp quốc gia chậm phê duyệt dẫn đến dây chuyền cấp tỉnh, cấp huyện chậm, vậy thì ai là người phải chịu trách nhiệm?
Bà Tâm đề nghị phải sửa đổi cụ thể Điều 49 Luật Đất đai về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải lấy ý kiến của người dân một cách rộng rãi.
Bà cũng nói về vấn đề quy hoạch treo, quy hoạch mấy chục năm giao nhưng không thực hiện. Dự án treo nhưng lại cứ yêu cầu người dân không được xây dựng nhà, trồng cây, rồi đẻ ra thủ tục nếu có nhu cầu phải đi xin. Bởi vậy mới có chuyện quy hoạch gây ám ảnh với người dân, họ ám ảnh vì mất quyền lợi, vì phải chịu đựng không còn cách nào khác.
Vì thế, bà Tâm đề nghị sửa đổi các quy định của luật có thể tạo kẽ hở, làm khó cho người dân, doanh nghiệp. Cái gì quy định được trong luật thì nên quy định trong luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không để tiêu cực, lợi ích nhóm xâm hại quyền lợi ích quốc gia.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.