Vỡ kế hoạch nhà ở xã hội: TP.HCM trông chờ cơ chế đặc thù

Trần Lê - 09/12/2023 23:31 (GMT+7)

(VNF) - Theo Hội đồng Nhân dân TP. HCM, , khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng tương đương 35.000 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 là rất thấp, khó khả thi.

VNF
TP. HCM lên kế hoạch tháo gỡ vướng mắc trong xây nhà ở xã hội (ảnh minh họa)

Nguy cơ vỡ kế hoạch

Theo báo cáo mới nhất từ Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Trần Hoàng Quân, mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, TP. HCM phát triển khoảng 35.000 căn nhà, tương ứng khoảng 2,5 triệu m2.

Thực tế trong giai đoạn này, TP. HCM có 91 dự án nhà ở xã hội với diện tích hơn 210 ha, với quy mô dự kiến khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư với quy mô 56.200 căn hộ. Tuy nhiên, trong 49 dự án ở giai đoạn này thì có đến 46 dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.

Về bố trí vốn từ ngân sách đối với dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, hiện nay TP. HCM có 3 dự án nhà ở xã hội dự kiến được bố trí vốn từ ngân sách TP. HCM.

Thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm trên địa bàn TP. HCM, giai đoạn 2021-2025, kết quả đến quý II/2023, TP. HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với quy mô 623 căn hộ.

Có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô gần 5.000 căn hộ. Ngoài ra, TP. HCM có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Trước đó, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, TP. HCM đã có 19 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với gần 15.000 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.449 phòng, đáp ứng cho 7.596 chỗ ở cho công nhân.

Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, phát triển nhà ở tại TP. HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Cụ thể, đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã vay vốn mua nhà là chưa ổn định.

TP. HCM đã có chính sách cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp thông qua Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM. Cụ thể được vay tối đa 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 4,7%/năm. Tuy nhiên, mức vay này còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng vay còn hạn chế.

Trông chờ cơ chế đặc thù

Trong thời gian tới, UBND TP. HCM cho rằng, cần ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp nhà đầu tư tham gia.

Hoàn thành việc lập và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp.

Thực hiện phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.

Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cũng cho biết, TP. HCM sẽ vận dụng các cơ chế từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để phát triển nhà ở xã hội.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, TP. HCM kiến nghị Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trước mắt, TP. HCM đã hệ thống được trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để các nhà đầu tư biết thực hiện.

Ngoài ra, TP. HCM kiến nghị Trung ương nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời, kiến nghị ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân người lao động có thu nhập thấp.

Cùng chuyên mục
Tin khác