Xe khách bỏ bến: Nhà nước thất thu thuế, chủ bến xe ‘khóc ròng’
Đinh Tịnh -
25/04/2019 09:30 (GMT+7)
(VNF) - Nếu như trước đây, để “mua” một “lốt” xe tại bến Mỹ Đình thì có tin đồn nhà xe phải bỏ ra tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Nhưng bây giờ, “gió đã đổi chiều”, hàng trăm xe khách bỏ bến, chạy ngoài.
“Cấm cửa” hàng trăm “lốt” xe bỏ bến
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2019, tại BX Nước Ngầm có 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động tại bến.
“Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ vận tải ô tô Nam Danh, Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hoàng Sơn, Công ty cổ phần Quốc tế Mỹ Đình, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hoàng Yến, Công ty cổ phần Vận tải Nam Trực, Hợp tác xã Vận tải Thăng Long, Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long...”, công văn nêu rõ.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc BX Nước Ngầm cho biết: Tình trạng xe bỏ bến đã lác đác xảy ra từ năm 2017 nhưng rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay. Hiện, phần lớn các xe đã không đăng ký khai thác vận tải khách năm 2019 và có giấy xin ngừng hoạt động.
“Đây chủ yếu là các xe thuộc tuyến Nước Ngầm đi Nam Định, Thái Bình… và được điều chuyển từ BX Mỹ Đình về từ năm 2017”, ông Lập nói.
Cũng trong thời gian trên, tại BX Giáp Bát có khoảng 120 nốt xe thuộc 20 doanh nghiệp đã không hoạt động, hoặc hoạt động với tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 20%-40%. Phần lớn doanh nghiệp bỏ nốt hoạt động tại bến thuộc các tuyến Ninh Bình và Nam Định, như Công ty CP ô tô Ninh Bình, Công ty CP Du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường, HTX Đồng Tâm, Công ty Cổ phần Khánh Tâm… có những nốt xe hoạt động với tỷ lệ 0%, tức là bỏ trắng bến.
Vậy tại sao lại có trường hợp hàng loạt xe các tỉnh Nam Định, Thái Bình bỏ bến, chạy ngoài?
Ông Vũ Văn Tú, đại diện Công ty CP ô tô Ninh Bình cho biết, như công ty chúng tôi ký khoảng 70 lượt xe/ngày xuất phát từ bến Giáp Bát đi các huyện của tỉnh Ninh Bình.
“Song, hiệu suất ghế xe xuất bến chỉ đạt 30-40%, nên bình quân hàng ngày chỉ có khoảng 60-70% số nốt đăng ký hoạt động. Không những khó khăn do điều chuyển từ BX Mỹ Đình về mà chúng tôi còn phải cạnh tranh với xe dù, bến cóc hoạt động rầm rộ, nhất là xe hợp đồng trá hình Limousine di chuyển đón khách khắp thành phố. Doanh nghiệp rất khó khăn, cực chẳng đã mới phải bỏ lốt, chứ xe mua rồi, lốt đăng ký rồi ai muốn bỏ. Có điều chúng tôi cũng không thể bù lỗ mãi được”, ông Tú nói.
Trước tình trạng các DN vận tải ồ ạt bỏ “nốt” bến xe, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu BX Nước Ngầm từ chối phục vụ một tháng với trên 300 “lốt” xe đăng ký chạy tuyến cố định nhưng không thực hiện đủ 70% số chuyến đã được phê duyệt tại bến.
Hệ luỵ từ “thả nổi” xe Limousine
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, lý do nhà xe các tuyến Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... bỏ bến vì đây là các chặng ngắn, lại đang đối đầu với hàng loạt các xe Limousine núp bóng dưới dạng “xe hợp đồng” chạy đến từng nhà dân đón khách. Vì thế, nhiều nhà xe không có khách, buộc phải chạy ngoài bến.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, với cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay và gần như “thả nổi” mô hình Limousine thì không khác gì bóp nghẹt các xe khách có “nốt” chạy trong bến.
“Nhiều xe đẹp, đầu tư hiện đại nhưng chỉ “chở gió” khi xuất bến. Mà tội gì khách phải ra bến khi có một đội ngũ đông đảo xe Limousine đưa đón tại nhà. Câu chuyện này khéo theo một hệ luỵ rất lớn là hàng trăm xe Limousine này sẽ chạy xuyên tâm thành phố đón khách. Bến xe ế khách thua lỗ, nhà nước thất thu thuế”, ông Liên nói
Để quản lý vấn đề này, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước mắt, Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thu hồi phù hiệu, yêu cầu các bến xe từ chối phục vụ trong vòng 1 tháng theo đúng quy định.
“Đồng thời, đề nghị các sở GTVT tại các đầu đối lưu tiếp tục nhắc nhở, chỉ đạo các đơn vị hoạt động trên tuyến đến Hà Nội chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; ghi rõ hành trình, lịch trình chạy xe ghi trong lệnh vận chuyển để thuận tiện cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý...”, ông Hà nói
Tuy nhiên, một số chuyên gia giao thông khẳng định: Cách làm của Sở GTVT quá nhẹ, dạng như “bắt cóc bỏ đĩa”, trong khi mấu chốt của vấn đề về việc xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình… vẫn tồn tại.
Nếu cứ quản lý như hiện nay, chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa các nhà xe bỏ bến đầu tư Limousine, như vậy, Hà Nội sẽ càng hỗn độn hơn khi phải “gánh” hàng nghìn xe Limousine chạy xuyên tâm thành phố. Vậy cần bến xe làm gì nữa? Kế hoạch phân luồng, phân tuyến giảm áp lực cho giao thông chỉ là trên giấy. Điều này cũng phá sản luôn các bến xe mà tư nhân đã bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư. Có lẽ, chính tư duy lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đang là điểm nghẽn lớn nhất.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone