Bất động sản

Đổ bể vụ đàm phán hủy hợp đồng bán 32ha đất Phước Kiển giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai?

(VNF) - Theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, công ty Tân Thuận sẽ phải đàm phán với công ty Quốc Cường Gia Lai hủy hợp đồng mua bán lô đất 32,2 ha, tuy nhiên cuộc đàm phán vẫn chưa có kết quả.

Đổ bể vụ đàm phán hủy hợp đồng bán 32ha đất Phước Kiển giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai?

Chiều 26/4, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) để đàm phán về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè). Lô đất này được Thành ủy TP.HCM cho là ký hợp đồng bán mà không báo cáo cho Ban Thường vụ Thành ủy theo quy định.

Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy việc ký kết hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc Đảng bộ Thành phố.

Theo thông tin từ đại diện QCG, tại buổi đàm phán, doanh nghiệp này đồng ý trả lại khu đất cho Công ty Tân Thuận và hủy hợp đồng chuyển nhượng, tuy nhiên cũng yêu cầu bên bán phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng cách trả lãi, bù đắp trượt giá đối với khoản tiền mà hai bên đã giao dịch trước đây vì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Với các điều kiện phía QCG đưa ra, Công ty Tân Thuận cho rằng chưa thể quyết định và cần phải báo cáo với chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy để có hướng giải quyết tiếp theo.

Theo hợp đồng mua bán trước đó, với các đợt thanh toán, tính tới thời điểm tháng 8/2017, QCG đã trả gần 400 tỷ đồng cho hợp đồng chuyển nhượng khu đất 32,2 ha.

Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch HĐQT QCG cho biết doanh nghiệp mua dự án này, khẳng định đã tìm hiểu kỹ và mua với giá thị trường. Tuy nhiên, bà Loan cũng nhấn mạnh nếu thành phố muốn thu hồi doanh nghiệp sẽ giao lại và bên bán phải có thỏa thuận đền bù hợp lý.

Theo bà Loan, tất cả lô đất này QCG mua từ Công ty Tân Thuận hoàn toàn không phải là đất công. Hai bên đều là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và có pháp nhân rõ ràng. 

"Khi tôi mua cũng được HĐQT đồng ý cho mua, bên Tân Thuận cũng thế, Thành ủy TP.HCM đồng ý. Nếu nói Tân Thuận có vốn 100% của Thành ủy thì lô đất được bán là tài sản công là không hợp lý. Điều này đồng nghĩa với việc bán căn hộ cũng là tài sản công, phân lô bán nền cũng là bán tài sản công, dư luận đang hiểu khập khiễng", bà Loan nói.

Cũng theo bà Loan, giá bán khu đất đã được điều chỉnh tăng lên theo các phụ lục hợp đồng và đúng với giá thị trường. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng và thanh toán xong, đến tháng 12/2017 thì Tân Thuận phát hành cho QCG công văn ngưng hợp đồng theo văn bản chỉ đạo của Thành ủy.

Đến tháng 2/2018, Công ty Tân Thuận và QCG ký lại phụ lục hợp đồng số 3 điều chỉnh đơn giá theo thuyết minh kết quả của Sở Tài nguyên - Môi trường.

Tổng số tiền tăng thêm là 155 tỷ đồng sẽ được QCG thanh toán 70% chậm nhất vào cuối năm 2018, phần còn lại thì thanh toán trong quý I/2019. Phía QCG cho biết, tổng giá trị khu đất này là 632 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ đồng.

Tin mới lên