Tiêu điểm

Giao đất 99 năm: ‘Con cháu sẽ xử lý thế nào nếu có liên quan đến quốc phòng an ninh?’

(VNF) – "Chúng ta giao đất với thời hạn rộng như vậy liệu có phải là đang thực hiện việc nhượng địa, vì ở đây có liên quan tới các dự án đầu tư của nước ngoài. Nếu giao quyền sử dụng đất tới 99 năm, sau này con cháu sẽ xử lý thế nào nếu có liên quan tới khía cạnh quốc phòng an ninh", ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM) nói.

Giao đất 99 năm: ‘Con cháu sẽ xử lý thế nào nếu có liên quan đến quốc phòng an ninh?’

Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê

Không đánh đổi chủ quyền lấy phát triển kinh tế

Quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất, Điều 32 dự thảo luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu) viết: "Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định".

Phát biểu góp ý về quy đinh này tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm nay (4/4), đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi) cho rằng cần xem xét lại thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm đối với các dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, Điều 53, 54, Hiến pháp năm 2013 đã quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân.

Thể chế hóa quy định này, Điều 126 Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ: thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

Như vậy, nếu dự thảo Luật quy định thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm trong trường hợp đặc biệt, thì Hiến pháp và Luật Đất đai lại không quy định trường hợp đặc biệt này. Đồng thời, dự án Luật cũng chưa xác định cụ thể trường hợp nào là đặc biệt. Do vậy, Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ quy định này; đồng thời có đánh giá tác động trong trường hợp áp dụng thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng không tán thành quy định thời hạn giao đất lên tới 99 năm của dự thảo luật.

Theo ông Vân, 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí tiền tiêu, hết sức nhạy cảm. Do vậy, cần phải xem xét tác động của dự thảo luật ở khía cạnh phòng thủ quốc gia như thế nào.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, đặt ra nghi vấn giao đất với thời hạn rộng như vậy, liệu có phải là đang thực hiện việc nhượng địa vì ở đây có liên quan tới các dự án đầu tư của nước ngoài.

"Nếu giao quyền sử dụng đất tới 99 năm, sau này con cháu sẽ xử lý thế nào nếu có liên quan tới khía cạnh quốc phòng an ninh", ông Khuê nêu câu hỏi.

Theo ông Khuê, cần phải có chính sách phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, thậm chí có lĩnh vực không cho phép đầu tư nước ngoài tham gia.

"Chúng ta không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, vậy cũng nên khẳng định quan điểm không đánh đổi chủ quyền để phát triển kinh tế?", ông Khuê nhấn mạnh.

Góp ý thêm về các quy định đất đai tại đặc khu, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lưu ý dự thảo Luật đang thiếu các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, định mức hỗ trợ, đền bù. Đây là những vấn đề mấu chốt gây nên bức xúc trong nhân dân liên quan đến vấn đề đất đai. Ban soạn thảo nên rà soát, bổ sung các quy định này, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Băn khoăn về mô hình chính quyền đặc khu

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu là một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Dự thảo Luật mới nhất đã không còn phương án tổ chức chính quyền đặc khu với trưởng đặc khu, không tổ chức HĐND như trước đây. Thay vào đó, dự luật quy định: "Chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu". Trong đó, HĐND đặc khu không quá 15 đại biểu, UBND có chủ tịch và hai phó chủ tịch.

Bày tỏ đồng ý với phương án này, tuy nhiên đại biểu Tô Văn Tám (đoàn đại biểu Quốc hội Kon Tum) vẫn băn khoăn trước việc dự thảo quy định đặc khu có Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Ông Tám cho rằng quy định này không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Ngoài ông Tám, có đại biểu cũng cho rằng: "Quy định ‘đại biểu HĐND cấp đặc khu là 15 người, trong đó đa số là chuyên trách’ là chưa rõ ràng. Vì vậy đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm hoặc quy định rõ số lượng bao nhiêu đại biểu chuyên trách để dễ thực hiện, khỏi lúng túng".

Cũng bàn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc khu, đại biểu Phạm Trí Thức (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng: "Dự thảo nêu nguyên tắc rất hay là bảo đảm tính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc khu nhưng khi thiết kế chính quyền thì lại rất cồng kềnh so với hiện nay".

Còn đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ninh) cho rằng việc tổ chức Ban Tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu ngay trong đặc khu là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như chưa tạo điều kiện phát huy hiệu lực hiệu quả của UBND và Chủ tịch UBND đặc khu.

Đi xa hơn trong các nhận định, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng: Đã nói "đặc biệt" thì phải có kinh tế đặc biệt và hành chính đặc biệt. Hôm trước chúng ta sợ giao quá nhiều quyền cho trưởng đặc khu thì sợ lạm quyền, nay chúng ta lại quay lại mô hình có cả HĐND và UBND, trở lại với mô hình thông thường, thì chẳng có gì đặc biệt.

"Tôi đề nghị không tổ chức HĐND ở đặc khu. Cái gốc của lạm quyền không chỉ là thiếu giám sát mà là thiếu công khai, minh bạch. Vừa qua chính sự lạm dụng dấu ‘mật’ để bưng bít các quyết định, bưng bít hồ sơ các dự án nên dân không giám sát được. Đây mới là cái gốc", ông Phương nói.

Cần xem xét về ngân sách đặc khu

Về ngân sách đặc khu, dự luật quy định ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ) nhận định quy định trên sẽ dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn, bởi theo Luật Ngân sách nhà nước, với ngân sách tương đương cấp huyện thì toàn bộ việc giao nhiệm vụ thu chi sẽ do UBND, HĐND cấp tỉnh quyết định nhưng định mức tiêu chuẩn chi từ chi thường xuyên, đầu tư, khoa học công nghệ … lại giao đặc khu quyết định.

"Một ông quyết định nguồn, một ông quyết tiêu thế nào thì tiêu thì không thể khớp được bài toán. Tính cân đối tính thế nào khi đặc khu tính toán toàn bộ định mức chi tiêu, quy mô ngân sách của mình rồi bên trên lại giao xuống?", đại biểu Hoàng Quang Hàm nói và đề nghị cần cân nhắc, quy định rất rõ trong luật mối quan hệ giữa ngân sách đặc khu với ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương.

Tin mới lên