Tài chính quốc tế

Tổng thống Trump tuyên bố không gặp ông Kim Jong Un nếu...

(VNF) - Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ từ bỏ kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nếu ông không thấy khả năng thành công của cuộc gặp gỡ này.

Tổng thống Trump tuyên bố không gặp ông Kim Jong Un nếu...

Ông Trump tuyên bố sẽ không gặp ông Kim Jong Un nếu thấy cuộc đối thoại "không hiệu quả"

"Nếu chúng tôi thấy rằng hội nghị tới đây có khả năng không thành công, thì sao phải tiếp tục tổ chức?" – Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào thứ tư. "Nếu tôi không nghĩ rằng đó là một cuộc gặp mặt hiệu quả, chúng tôi sẽ không tham dự. Hoặc nếu cuộc họp đang diễn ra mà tôi không thấy được kết quả như mong đợi, thì tôi sẽ xin phép được rời khỏi đó. "

Ông Trump không nói cụ thể về thế nào là "thành công" đối với hội nghị thượng đỉnh giữa ông và ông Kim Jong Un. Ông cũng không trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu ông có yêu cầu Bình Nhưỡng trao trả lại 3 công dân người Mỹ bị bắt giữ ở Triều Tiên ngay trước thềm cuộc gặp mặt.

Giám đốc CIA mới được đề bạt bởi ông Trump, Mike Pompeo, trước đó đã thảo luận về vấn đề 3 người Mỹ bị bắt giữ với ông Kim trong chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng cách đây hai tuần.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận về vấn đề bắt giữ người ngoại quốc của Triều Tiên trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Kim, và ông Trump cam kết rằng "chúng tôi sẽ cố gắng hết sức giải quyết vấn đề này". Một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật trong vấn đề Triều Tiên là việc giải cứu hoặc tìm kiếm thông tin về những công dân nước này bị Bắc Triều Tiên bắt cóc vài thập kỷ trước, trở ngại lớn trong việc bình thường hóa quan hệ song phương.

Thụy Điển và Thụy Sĩ nằm trong số những nơi mà Nhà Trắng đang cân nhắc để tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo.

Trump xác nhận vào hôm thứ tư rằng ông đã phái Giám đốc CIA Pompeo tới Bình Nhưỡng hồi tháng trước để gặp ông Kim trước thềm hội nghị, với hy vọng thuyết phục thành công việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cuộc họp không được công bố là một trong những sự chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh được dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 hoặc sớm hơn.

"Cuộc họp đã diễn ra suôn sẻ và mối quan hệ tốt đã được hình thành", ông Trump cho biết trong một bài đăng trên Twitter của mình vào thứ Tư. "Chi tiết của Hội nghị thượng đỉnh đang được tiến hành. Phi hạt nhân hóa là điều tuyệt vời cho không chỉ thế giới, mà cho cả Bắc Triều Tiên.

Michael Pompeo là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Bình Nhưỡng kể từ chuyến viếng thăm của cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright năm 2000. Một quan chức của Nhà Trắng nói rằng ông Pompeo đã tới Bình Nhưỡng vào cuối tuần lễ Phục Sinh, chứ không phải " tuần trước "như Tổng thống nói trên Twitter của mình.

Ông Trump nói với các phóng viên hôm thứ ba rằng chính phủ của ông đã "trực tiếp nói chuyện với Bắc Triều Tiên" và đang thảo luận về năm địa điểm tiềm năng cho cuộc họp. "Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán trực tiếp ở mức rất cao với Bắc Triều Tiên".

Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể là bước khởi đầu của một quá trình lâu dài và đầy tiềm năng nhằm thuyết phục ông Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên – thứ mà gia đình ông đã nắm giữ trong hàng thập kỷ qua như là một biểu trưng cho quyền lực và sức mạnh. Vì vậy, sự thành công của cuộc gặp này có thể đơn giản là một thỏa thuận cho các cuộc đàm phán tiếp tục và kế hoạch cho cuộc họp tiếp theo.

Nếu ông Trump có thể tạo được một mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim, giống như cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nó sẽ là một điều tích cực giúp hai quốc gia vượt qua căng thẳng xung quanh các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân - tên lửa của Bình Nhưỡng và các cuộc tập trận quân sự thường xuyên của Mỹ gần bán đảo Triều Tiên.

Trợ lý của ông Trump tin rằng nếu cuộc họp này có thể làm tan băng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, vốn đã từng có thời điểm rất gần bờ vực chiến tranh, Tổng thống và ông Kim có thể giành giải Nobel Hòa bình.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ xung quanh khả năng thành công của cuộc gặp này. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nói: "Cho đến nay, chúng tôi không thấy có dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên có ý định thực hiện các bước cụ thể để tiến tới phi hạt nhân hoá". Ông cũng thêm rằng chính quyền của Trump dường như "chỉ đang làm chuyện không thể".

Thủ tướng Abe cho rằng chính "niềm tin vững chắc, cũng như quyết tâm của ông Trump", đã mang lại cơ hội đàm phán với Bắc Triều Tiên. Ông cho rằng: "Cần phải duy trì áp lực tối đa, và thực hiện các hành động cụ thể để yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hoá".

Còn về phía Donald Trump, ông cũng tuyên bố: "Vẫn có khả năng mối quan hệ của chúng tôi không còn được tốt đẹp và sẽ không có cuộc gặp nào cả. Khi đó, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường ‘cứng rắn’ như hiện tại".

Tin mới lên