44 năm giải phóng: Làm gì để thúc đẩy 'đầu tàu' TP. Hồ Chí Minh phát triển?

GS. TSKH Nguyễn Mại - 30/04/2019 09:49 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 30/4/1975 đã trở thành cộc mốc lịch sử trọng đại để hàng năm nhìn lại, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tranh thủ cơ hội mới và vượt qua thách thức nhằm thực hiện các mục tiêu cao hơn của dân tộc. VietnamFinance trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại về vai trò và cơ hội của TP. HCM trong tiến trình phát triển với tư cách là một "đầu tàu kinh tế" của quốc gia.

VNF
Cùng với Hà Nội, TP. HCM có tiềm năng lớn về đổi mới, sáng tạo, có điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cả nước hiện đang thực hiện thời gian còn lại của chiến lược kinh tế - xã hội 2011- 2020, xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội 2021- 2030, do đó cần có ý tưởng và sáng kiến mới để khai thác tối đa mọi nguồn lực của cả nước và từng địa phương nhằm gia tăng tốc độ, nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế theo hướng kinh tế xanh.

Với cách tiếp cận đó, là trung tâm kinh tế lớn nhất của nước ta, TP. HCM cần và có thể đi đầu trong quá trình đổi mới và sáng tạo để trở thành đầu tàu kinh tế hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của khu vực Nam Bộ, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa đất nước.

Lý thuyết tăng trưởng

Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta luôn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, không tạo ra khoảng chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển của các vùng kinh tế, các địa phương. Tuy nhiên, lý thuyết kinh tế cũng chỉ ra rằng, các quốc gia không nên và không thể dàn hàng ngang trong quá trình phát triển, mà phải có đầu tàu kinh tế để kéo cả nền kinh tế vận hành với tốc độ tăng trưởng cao và có hiệu quả.

Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, các quốc gia đã đã dành nguồn lực thỏa đáng cho những vùng đô thị có khả năng phát triển, tạo thành trung tâm kinh tế lớn với cơ cấu kinh tế hiện đại, có giá trị gia tăng cao và tạo ra nhiều việc làm trong quá trình đô thị hóa. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc là những điển hình đối với việc hình thành các trung tâm kinh tế lớn. Nhật Bản có Tokyo và Osaka, Hàn Quốc có Seoul và Busan, Đài Loan có Đài Bắc và Cao Hùng, Trung Quốc có Bắc Kinh và Thượng Hải.

Một ví dụ điển hình là thủ đô của Hàn Quốc. Sau chiến tranh, Seoul tập trung vào việc tái thiết và hiện đại hóa.

Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng thì quá trình đô thị hóa cũng tăng tốc, quy mô của khu vực hành chính Seoul đã mở rộng đáng kể khi sáp nhập một số thị trấn và làng mạc từ các địa phương xung quanh.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2012, Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc, dân số nội thành hơn 10 triệu người, chiếm 20% dân số Hàn Quốc, với diện tích 605 km², nhỏ hơn TP. HCM, là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới.

Seoul có kết nối số nhiều nhất thế giới với số người sử dụng Internet nhiều hơn tất cả Châu Phi hạ Sahara trừ Cộng hòa Nam Phi, là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước, là nơi đặt đại bản doanh của nhiều tập đoàn thuộc Fortune Global 500 như Samsung, SK Group, Hyundai, Posco và LG, là một trong 20 thành phố toàn cầu quan trọng.

Seoul là đầu tàu tạo nên “Kì tích Sông Hàn”, hiện đang là đầu tàu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử.

Ở nước ta, Hà Nội và TP. HCM mặc nhiên là hai đầu tàu tăng trưởng ở hai vùng của đất nước. Để phát huy thế mạnh của cả hai thành phố lớn đòi hỏi phải có cách tiếp cận khoa học, trên cơ sở đó có cơ chế đặc thù thích ứng với vị thế và tầm quan trọng của chúng nhằm đóng góp nhiều hơn vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, tham gia có hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.

Năm 2018, TP. HCM có 8,5 triệu dân, GDP đạt 1,33 triệu tỷ đồng (khoảng 59 tỷ USD), GDP/người đạt 6.500 USD; tốc độ tăng trưởng 8,3%, chỉ số sản xuất công nghiệp 8,15%, kim ngạch xuất khẩu đạt 38,34 tỷ USD, thu ngân sách đạt 369.621 tỷ đồng. Các số liệu thống kế cho thấy: trong khi dân số TP. HCM chiếm khoảng 9% dân số Việt Nam thì GDP chiếm 22,7%, GDP/người bằng 2,65 lần, thu ngân sách chiếm 25% của cả nước. TP. HCM là nơi sinh sống tập trung của gần 6.000 triệu phú USD, trong đó 90 người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên (trên 660 tỷ đồng).

TP. HCM là trung tâm đào tạo và giáo dục, nơi có hàng chục trường đại học, cao đẳng lớn; là trung tâm khoa học và công nghệ, nơi có nhiều viện nghiên cứu hàng đầu, khu công nghệ cao, trung tâm dịch vụ ngân hàng, tài chính.

TP. HCM là thị trường lớn nhất nước ta, khoảng 30% doanh nghiệp đang đầu tư và kinh doanh tại đây, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn, là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI, tạo ra giá trị hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khu vực và thế giới. Hiện nay TP. HCM chiếm 34% tổng số doanh nghiệp tư nhân của nước ta, trong khi cả nước dự kiến 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì TP. HCM dự kiến sẽ có 500 nghìn doanh nghiệp.

TP. HCM là thị trường tiêu thụ lương thực, thực phẩm, thủy sản của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời là cứ điểm sản xuất hàng công nghiệp và dịch vụ cung ứng cho thị trưởng đồng bằng Sông Cửu Long; sự hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực đã được duy trì và phát triển cùng với quá trình tăng trưởng của cả vùng kinh tế; trong đó TP. HCM đóng vai trò trung tâm một cách tự nhiên đối với sự phân công và hợp tác với từng địa phương.

TP. HCM tiếp cận với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thuận lợi hơn các địa phương khác, kể cả Hà Nội, bởi vì nền kinh tế của thành phố trước giải phóng là kinh tế thị trường khá phát triển, quan hệ thương mại quốc tế giữa thành phố với thị trường khu vực và quốc tế đã hình thành, tính năng động và linh hoạt của doanh nhân được duy trì cho đến ngày nay.

Nhìn ra khu vực

Đã có thời kỳ TP. HCM được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông” do trình độ phát triển, hoạt động kinh tế, mức sống của người dân thành phố cao hơn nhiều so với một số thành phố ở Đông Nam Á. Hiện nay thì ngược lại, trình độ phát triển, môi trường sống của TP. HCM so với những thành phố khác như Băng Cốc, Kualumpua, Manila còn có khoảng cách đáng kể.

Bangkok năm 2010 có hơn 8 triệu dân, GDP đạt 98,34 tỷ USD, đóng góp 29,1 % GDP của Thái Lan, GDP/người đạt 12.300USD, gần gấp ba lần mức trung bình toàn quốc (5.025 USD). Bangkok đứng thứ sáu trong số các thành phố châu Á về GDP bình quân đầu người sau Singapore, Hồng Kông, Tokyo, Osaka-Kobe và Seoul. Thương mại đóng góp 24% tổng sản phẩm của Bangkok, tiếp đó là sản xuất 14,3%, kinh doanh bất động sản 12,4%, giao thông vận tải 11,6% và trung gian tài chính 11,1%. Bangkok chiếm 48,4% giá trị lĩnh vực dịch vụ của Thái Lan. Ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan ở vùng Bangkok là trung tâm sản xuất lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Năm 2018 Bangkok đứng thứ nhất với 21,98 triệu khách du lịch quốc tế tăng 9,6% so với 2017; Dubai đứng đầu về chi tiêu của du khách với trung bình là 537 USD/ ngày, theo chỉ số điểm đến toàn cầu do Mastercard công bố dựa trên đo lường độ tăng giảm lĩnh vực du lịch của 162 thành phố trên thế giới. Mạng lưới nghiên cứu toàn cầu hóa và thành phố thế giới xếp Bangkok là một thành phố toàn cầu “Alpha”, được xếp hạng 59 trong Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu.

Bangkok là nơi đặt trụ sở chính của tất cả các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính lớn và các tập đoàn lớn nhất của Thái Lan, nhiều tập đoàn đa quốc gia và đại diện của nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc. 17 công ty Thái Lan được xếp hạng trên Forbes Global 2000 bao gồm PTT, công ty Fortune Global 500 duy nhất ở Thái Lan có trụ sở tại Băng Cốc.

TP. HCM năm 2018 có dân số xấp xỉ Băng Cốc năm 2010 nhưng GDP bằng 60% và GDP/người bằng 52,8% của Băng Cốc.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học để đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của TP. HCM nhằm thu hẹp, tiến tới đạt được trình độ phát triển tương đương với các thành phố lớn trong khu vực. Tôi đồng tình với nhận định: “Một trong những nguyên nhân cơ bản là do thành phố chưa khai thác hết lợi thế và tiềm năng rất lớn của mình. Điều này cũng ngụ ý rằng dư địa tăng trưởng của thành phố còn nhiều, khả năng tiến kịp các thành phố khác trong khu vực là hoàn toàn khả thi”.

TP. HCM đã có Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” được phê duyệt tháng 11/2017. Đề án tập trung nâng cao hiệu quả quản trị của Nhà nước thông qua sự kết nối của hệ thống dữ liệu, cũng như tạo ra các tiện ích giúp người dân và doanh nghiệp tham gia.

Trong đó tập trung 4 nội dung chính gồm: xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; xây dựng Trung tâm An toàn thông tin, nhằm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững, nâng cao mức sống của người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ sống tốt nhất, đảm bảo chính quyền phục vụ người dân tốt nhất cũng như người dân tham gia vào quá trình quản lý, giám sát chính quyền.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, tại cuộc hội thảo tháng 9/2018, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu ra 3 nhóm giải pháp: Trước hết là xây dựng chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh, làm việc hiệu quả; trong đó các bước ra quyết định của chính quyền phải được hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Hai là xây dựng môi trường để thực hiện sự tương tác giữa 4 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân). Ba là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận, lưu trữ và xử lý thông tin ngày càng có hiệu quả cao.

Cần có cơ chế đặc thù

Dân tộc ta đang đứng trước cơ hội lớn bằng cách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến cùng thời đại trong điều kiện một số ngành như công nghệ thông tin, điện toán đám mây, viễn thông đã đạt trình độ tiền tiến trong khu vực, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.

Cùng với Hà Nội, TP. HCM có tiềm năng lớn về đổi mới, sáng tạo, có điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở chiến lược phát triển của đất nước, TP. HCM cần lựa chọn một số phân ngành, lĩnh vực công nghệ tương lai như công nghệ thông tin, điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT) để đầu tư vốn, nhân lực nhằm phát huy lợi thế của trung tâm kinh tế lớn, đuổi kịp trình độ phát triển của các đô thị lớn trong khu vực.

TP. HCM đang có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, chuyên gia cao cấp về công nghệ, kinh tế, đã có cơ chế để thu hút nhân tài từ trong nước và Việt kiều, có đủ nguồn lực về vốn đầu tư và vốn xã hội để thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng; do đó vấn đề quan trọng nhất để khai thác tối đa các nguồn lực và lợi thế của một siêu đô thị thì cần có cơ chế đặc thù để vừa bảo đảm tính thống nhất của thể chế, luật pháp quốc gia, vừa phát huy tính sáng tạo, năng động của thành phố; bởi vì trong thời đại toàn cầu hóa, trong khi các quốc gia hướng ra toàn cầu để tận dụng lợi thế so sánh động trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng thì đồng thời phải hướng về địa phương, phát huy bản sắc, truyền thống, lợi thế của từng vùng lãnh thổ để tạo thành sức mạnh quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Theo cách tiếp cận đó, ngày 24/11/2017 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua “Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” đối với quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý, trong đó có các quy định đáng chú ý:

“Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố”.

“Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố”.

“Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định”.

“Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp”.

Mặc dù là thí điểm để có cơ sở thực tế xây dựng cơ chế tối ưu, nhưng Nghị quyết của Quốc hội đã “cởi trói” cho thành phố một số ràng buộc của cơ chế chung, tạo điều kiện để thành phố chủ động trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội.

Để thực hiện cơ chế đặc thù, thành phố cần dựa trên quy định của Quốc hội và thực tiễn quá trình khai thác tiềm năng của địa phương để hình thành các phương án khả thi vừa khắc phục được khiếm khuyết trong quản lý nhà nước, vừa tận dụng có kết quả cơ chế mới.

Ví dụ về vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ chế mới làm cho thành phố chủ động trong việc xử lý trường hợp khó khăn về vốn đầu tư các công trình quan trọng như Metro số 1, cũng như huy động vốn theo phương thức xã hội hóa - PPP. Tuy vậy, nếu không có phương án khả thi thì không dễ áp dụng thành công cơ chế mới.

Tại cuộc hội thảo ngày 27/3/2019 về PPP do Chủ tịch UBND TP chủ trì, Phó giám đốc Sở KH&ĐT thành phố cho biết: dự kiến tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016- 2020 là 1.829.385 tỷ đồng (khoảng 83 tỷ USD), tăng 53,3% so với 2011- 2015.

Hai năm 2019-2020 thành phố cần huy động vốn đầu tư 326.556 tỷ đồng, một phần từ vốn ngân sách, chủ yếu từ vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài; trong đó PPP là phương thức sẽ được áp dụng phổ biến trong đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng kỹ thuật.

Tuy vậy, cho đến nay thành phố vẩn chưa có phương án để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong quá trình thực hiện như phát biểu của Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của WB Ousmane Dione: “Để thành công PPP phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro. Nếu hai chủ thể này không được chia sẻ đồng đều thì khả năng thất bại rất cao. Theo đó khung pháp lý và thể chế phải rõ ràng, chặt chẽ để giúp nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro trong dài hạn” .

Đã có cơ chế đặc thù thì vấn đề chủ yếu đối với TP. HCM là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo thành phố và năng lực quản trị nhà nước của bộ máy và công chức thành phố.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014 “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của các thành phố” đã chỉ ra hai yếu tố chủ yếu bảo đảm sự thịnh vượng của thành phố: 1) khắc phục tình trạng cả bộ máy tập trung vào các công việc sự vụ hàng ngày và 2) mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng và dễ hiểu làm cho đại bộ phận người dân có thể hình dung được để có niềm tin và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng.

Cùng chuyên mục
Tin khác