5 đô thị vệ tinh vẫn 'bất động' sau cả thập kỷ: Lãnh đạo Hà Nội lý giải

Nguyễn Mạnh - 12/07/2019 06:58 (GMT+7)

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội do nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan, trong đó đặc biệt là thiếu nguồn lực phát triển nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế...

VNF
Khu vực Hoà Lạc.

Theo đồ án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm.

Cụ thể, 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Điều đáng nói, sau cả chục năm đến nay, dù hệ thống giao thông hướng tâm và vành đai đã hình thành nhưng hầu hết phân khu đô thị vẫn trong tình trạng bất động.

Trong văn bản trả lời cử tri mới đây, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: Công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng...

Theo đó, các đô thị vệ tinh cách trung tâm thành phố khoảng 25-30 km. Đây là khoảng cách tối ưu vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của các đô thị vệ tinh, vừa đáp ứng các hoạt động hỗ trợ đối với đô thị trung tâm trên cơ sở các phương tiện giao thông tốc độ cao (đường sắt đô thị, xe buýt tốc độ cao).

Quy hoạch là như vậy, tuy nhiên theo lãnh đạo UBND TP do “nhiều yếu tố, nguyên nhân chủ quan, khách quan đặc biệt là thiếu nguồn lực phát triển nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế”.

UBND Thành phố cho biết hiện nay đã phê duyệt 4/5 đồ án quy hoạch chung đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha.

Triển khai cụ thể hóa các quy hoạch chung đô thị vệ tinh được phê duyệt, UBND Thành phố cho biết đang chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cùng các nhà tài trợ triển khai lập các quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Việc giãn dân cư ra khỏi khu vực nội đô tới các khu vực xung quanh (trong đó bao gồm các khu đô thị vệ tinh) là chính sách vĩ mô dựa trên tổng hợp đánh giá của nhiều ngành, nhiều chuyên gia và là trọng tâm của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Luật Thủ đô. Hiệu quả của việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ được các ngành đánh giá tổng thể sau khi các khu vực đô thị được đưa vào hoạt động, hoàn chỉnh”, UBND TP. Hà Nội cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hơn 10 năm trước, thành phố Hà Nội công bố quy hoạch đô thị chùm đô thị vệ tinh. Sau công bố, người dân các khu vực này đều tỏ ra hồ hởi, vì nếu phát triển thành đô thị thì quê hương mình sẽ giàu đẹp hơn.

Tuy nhiên, niềm vui cứ vơi dần theo những năm tháng chờ đợi, để rồi trở thành những nỗi buồn, bởi quy hoạch đã được phê duyệt từ cả chục năm nay, nhưng chưa có dấu hiệu của việc triển khai thực hiện. Trong khi đó, khu vực nội đô vốn đã chật chội, đông đúc thì ngày càng chật chội, đông đúc hơn...

Xem thêm >> Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản: Lỗ liên tiếp 3 năm, dòng tiền kinh doanh âm triền miên

Theo Dân Trí
Cùng chuyên mục
Tin khác