60 năm thành lập Quảng Ninh: Sẵn sàng cho hành trình mới

Bình Yên - 28/10/2023 08:54 (GMT+7)

(VNF) - Ở thời điểm kỷ niệm 60 năm thành lập, Quảng Ninh, mảnh đất nằm ở cực Đông Bắc của đất nước đang đứng trước cơ hội phát triển mới, sau khi đã tạo dựng được những nền tảng vững chắc trong hơn một thập kỷ qua.

VNF
Ảnh minh hoạ

Thể chế đi trước

Cho đến cuối thế kỷ XX, Quảng Ninh vẫn chỉ được biết đến với tư cách là một… vùng mỏ than, bên cạnh việc có được một di sản “trời cho” là vịnh Hạ Long. Những lợi thế này là cứu cánh cho nền kinh tế Quảng Ninh, song để phát triển, không thể chỉ mãi bám vào những tài nguyên này. Điều tạo ra sự thay đổi cho Quảng Ninh, đặc biệt là trong khoảng một thập kỷ gần đây, chính là từ thể chế.

Còn nhớ, từ khoảng năm 2010, câu chuyện cải cách thể chế đã được các thế hệ lãnh đạo của Quảng Ninh liên tục chú trọng. Tiêu biểu nhất có lẽ chính là những nỗ lực để cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Năm 2012, Quảng Ninh xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về PCI. Nhưng đến năm 2013, tỉnh đã vươn lên xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với 2012; đứng thứ 4 trong 7 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất năm 2013 và đứng thứ nhất trong các tỉnh khu vực phía Bắc.

Thời điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính nói đây là một quá trình “thúc đẩy dân chủ” trong kinh tế, bảo đảm môi trường bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp. Theo đó, Quy trình giải quyết về thủ tục đầu tư thay đổi căn bản, khi đề xuất của nhà đầu tư được lãnh đạo cao nhất của tỉnh giải quyết trực tiếp từ trên xuống, thay vì phải đợi các sở, ban ngành báo cáo từ dưới lên như trước đây.

Nhờ đó, quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư, từ bước phê duyệt chủ trương đến cấp giấy phép xây dựng đã được rút ngắn từ 237 ngày xuống còn trung bình 109 ngày, giảm 55% thời gian; thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ còn trung bình 7 ngày thay vì 25 ngày.

Từ nền tảng này, Quảng Ninh tiếp tục gia tăng các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh luôn giữ vị trí dẫn đầu về PCI, trở thành một trong những địa phương có nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, tỉnh luôn luôn chân thành mời gọi, sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.

Đồng thời, tỉnh tập trung đi sâu tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, giảm số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, phá sản; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; mang đến niềm tin, sự hài lòng, cơ hội thành công cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hạ tầng theo sau

Với việc trở thành địa phương dẫn đầu về môi trường kinh doanh, việc các nhà đầu tư chủ động tìm về Quảng Ninh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để có thể hấp thụ hiệu quả dòng vốn đầu tư, điều kiện đủ phải là hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Vẫn theo ông Nguyễn Xuân Ký, Quảng Ninh hiện được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, hiện đại bảo đảm tính liên thông, tổng thể.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, đặc biệt sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả tạo ra bước đột phá trong tư duy tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh.

Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên của Vùng đồng bằng sông Hồng đã hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023; với sự tham gia trở lại của các tư vấn hàng đầu quốc tế: Công ty McKinsey-Hoa Kỳ và Công ty Nikken Sekkei, Nhật Bản) xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh theo hướng bền vững.

Năm 2023, Quảng Ninh xác định chủ đề công tác là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Đây chính là đòn bẩy, động lực để tỉnh quyết tâm thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp, khu kinh tế và coi đây là một nguồn lực mới trong định hướng phát triển bền vững, dài hạn phía trước.

Đến hết tháng 6/2023, tổng thu hút vốn FDI vào tỉnh Quảng Ninh gần 832,17 triệu USD, trong đó đã thực hiện cấp mới giấy đăng ký đầu tư cho 17 dự án FDI, cao gấp 2,5 lần so cùng kỳ 2022, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo đúng định hướng của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hồ sơ đăng ký đầu tư cho các dự án khác theo quy định. Nổi bật phải kể đến 2 dự án thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thứ nhất là dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Autoliv Việt Nam đầu tư vào khu công nghiệp Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.773 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô-tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm. Thứ hai là dự án có vốn đầu tư 165 triệu USD (tương đương 4.080 tỷ đồng) của nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc), với mục tiêu triển khai sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp ô-tô Boltun Việt Nam tại khu công nghiệp Bắc Tiền Phong.

Về định hướng sắp tới, Quảng Ninh hiện đang xác định tập trung thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh đối với thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài ra, cũng ưu tiên thị trường Mỹ, EU, Singapore...

Các dự án FDI thế hệ mới phải đạt các tiêu chí sử dụng ít nguồn lực đất đai, lao động, năng lượng, ít gây ô nhiễm, chú trọng các dự án chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi cung ứng sản xuất và cung ứng toàn cầu, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đất nước.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2023, tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 60 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 1,2 tỷ USD vào khoảng 500ha mặt bằng sạch hiện có của các khu công nghiệp, khu kinh tế và phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Nếu thực hiện thành công, đây là những con số hết sức ý nghĩa trong bối cảnh kỷ niệm 60 ngày thành lập tỉnh, chuẩn bị cho một giai đoạn, một hành trình phát triển mới.

Cùng chuyên mục
Tin khác