Tài chính quốc tế

Australia chính thức hủy thỏa thuận tham gia Vành đai và Con đường với Trung Quốc

(VNF) - Sau một thời gian cân nhắc, Australia mới đây chính thức tuyên bố hủy bỏ hai thỏa thuận liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà chính quyền bang Victoria ký với Trung Quốc.

Australia chính thức hủy thỏa thuận tham gia Vành đai và Con đường với Trung Quốc

Ngoại trưởng Australia Marise Payne.

Trong thông báo phát ra ngày 21/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết chính quyền nước này đã hủy 4 thỏa thuận giữa chính quyền Victoria ký với nước ngoài, trong đó có hai thỏa thuận ký với Trung Quốc là Bản ghi nhớ ký năm 2018 và Thỏa thuận ký năm 2019 về các nội dung hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai con đường và Con đường tơ lụa thế kỷ 21.

Ngoại trưởng Payne cho biết các thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại của nước này theo quy định của Luật Quan hệ đối ngoại được thông qua vào năm 2020.

Quyết định mới nhất của Canberra được cho sẽ khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra thêm xấu đi. Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã nảy sinh vấn đề từ năm 2018 khi Australia không cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G vì lý do an ninh.

Sang năm 2020, căng thẳng tiếp tục được nâng lên khi Australia thúc đẩy điều tra nguồn gốc Covid-19 và bác yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh thời gian gần đây đã ra loạt đòn trừng phạt nhắm vào than, rượu, lúa mạch và thịt bò Australia.

Theo cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Geoffrey Raby, trong năm 2020, mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Australia đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Cho tới nay, ít nhất 13 ngành của Australia đã bị Trung Quốc áp thuế suất cao hoặc cấm nhập khẩu, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.

Được biết, Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch thương mại của Australia trong năm 2018-2019, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm của Australia như than, quặng sắt, rượu vang, thịt bò, du lịch và giáo dục.

Trung Quốc cũng là thị trường du lịch quan trọng nhất với 1,4 triệu lượt khách tới thăm Australia mỗi năm và cũng đồng thời là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất với hơn 200.0000 sinh viên tại Australia.

Vành đai và Con đường là “sáng kiến” kết nối cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường biển và đường không giữa Trung Quốc với thế giới. Sáng kiến này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố chính thức vào năm 2013.

Trong những năm đầu, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc gieo hạt giống phát triển dọc theo Con đường tơ lụa. Tuy nhiên, mô hình này có vẻ chững lại khi các khoản đầu tư thất bại và các nước tham gia bắt đầu rút khỏi chương trình. Thế nhưng bất chấp điều đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh.

Xem thêm >> Nikkei: Nhật Bản nhắm đến Việt Nam đầu tiên tại ASEAN trong thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ

Tin mới lên