Báo động đỏ kinh tế khu vực Eurozone

Thanh Tú - 20/10/2022 20:38 (GMT+7)

(VNF) - Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của S&P Global, sự cộng hưởng giữa tình trạng sản xuất chậm lại và áp lực lạm phát ngày càng tăng đang gây thêm lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vốn đang trong tình trạng “hôn mê” do phải đối mặt với loạt thách thức chưa từng có.

VNF
Lạm phát tại Eurozone trong tháng 9 ở mức 10%, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền này được đưa vào sử dụng năm 1999.

Cỗ máy sản xuất tê liệt

Chi phí năng lượng tăng cao cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga buộc Eurozone phải tiết kiệm năng lượng trong mùa đông sắp tới đã khiến hoạt động sản xuất trên toàn khu vực này trong tháng 9 tiếp tục giảm sâu.

Theo khảo sát được S&P Global công bố đầu tháng 10, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực ghi nhận mức thấp nhất trong 27 tháng qua khi giảm từ mức 48,5 trong tháng 8 xuống 48,4 trong tháng 9. Chỉ số này tiếp tục thấp hơn ngưỡng 50 (chỉ số PMI trên 50 được hiểu là kinh tế tăng trưởng). Cùng với đó, chỉ số sản lượng cũng giảm từ 46,5 trong tháng 8 xuống 46,3 trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp thấp hơn ngưỡng 50.

Nhu cầu trong khu vực cũng ghi nhận mức giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu vào đầu năm 2020 khiến số lượng đơn hàng chờ giao giảm, số lượng hàng hóa thành phẩm chưa bán được lưu giữ trong các kho tăng khi các nhà máy tăng giá bán để bù cho chi phí tăng. Điều này đồng nghĩa rằng tâm lý lạc quan ngày càng thu hẹp và chỉ số sản lượng tương lai cũng sụt giảm nhanh, từ mức 52,7 xuống 45,3, thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Nếu không tính đến ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế áp dụng trong thời gian đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất khu vực chứng kiến nhu cầu và sản lượng suy giảm ở cấp độ nghiêm trọng như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào đầu năm 2009.

Theo nhà kinh tế Chris Williamson, chi phí tăng cộng với nhu cầu giảm cũng khiến chỉ số niềm tin kinh doanh của các công ty thấp hơn trong tháng 9, theo đó các công ty giảm mua đầu vào và giảm tăng trưởng việc làm trong lúc chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn trước mắt.

Đối mặt với loạt thách thức chưa từng có

Châu Âu hiện có nhiều mối lo, bao gồm nguy cơ thiếu hụt năng lượng làm tê liệt cỗ máy sản xuất; hiểm họa Đức, đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), suy thoái; viễn cảnh lạm phát kéo dài vượt ngoài tầm kiểm soát dẫn tới bất ổn trong xã hội và một lần nữa đẩy khu vực đồng tiền chung châu Âu vào vùng “bất ổn định”.

Nhiều nước Eurozone bị lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga để sưởi ấm cũng như cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn cung này đã liên tục bị thu hẹp kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2 khiến giá dầu khí tăng lên mức kỷ lục, đồng thời chính phủ các nước châu Âu buộc phải chạy đua tìm nguồn cung thay thế.

Hồi đầu tháng 9, đồng euro bị rớt giá mạnh so với đồng USD sau khi Nga đóng đường ống dẫn khí đốt chính tới châu Âu. Truyền thông châu Âu đã rầm rộ đưa tin và bình luận về hiện tượng “chưa từng xảy ra từ năm 2002”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lạm phát đáng lo ngại hơn việc đồng euro mất giá.

Giá dầu thô đã tăng hơn 40% trong nửa đầu năm nay, cộng hưởng với việc đồng USD tăng giá khiến các quốc gia dùng đồng euro phải mua vào dầu hỏa với giá đắt hơn đến 60%. Dưới tác động của giá năng lượng tăng lên cộng với chênh lệch hối đoái bất lợi cho euro, lạm phát tại châu Âu càng là một gánh nặng.

Số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy lạm phát tại Eurozone trong tháng 9 ở mức 10%, mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền này được đưa vào sử dụng năm 1999.

Trong một động thái chưa từng có, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hồi đầu tháng 9 đã tăng lãi suất lên 75 điểm phần trăm, chỉ vài tuần sau khi tăng 50 điểm cơ bản để chống lạm phát. Các nhà phân tích dự báo ECB có thể tiến hành thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong tương lai gần.

Các viện nghiên cứu e ngại rằng khu vực đồng euro đang bước vào một vùng “bão táp” trong những tháng cuối năm và Đức, “cỗ máy” của tăng trưởng toàn khu vực, có thể là tâm bão. Các số liệu vừa công bố cho thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến lạm phát tại Đức trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức cao kỷ lục.

Ông Torsten Schmidt, chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz, dự đoán lạm phát bình quân trong năm nay tại Đức sẽ đạt mức 8,4% và sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm sau, đặc biệt là vào thời điểm đầu năm, khi giá khí đốt gây ra những tác động mạnh.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo mới đây cảnh báo châu Âu có thể sớm phải đối mặt với tình cảnh các ngành công nghiệp hoạt động cầm chừng, cũng như bất ổn xã hội, nếu các nhà chức trách không làm gì để hạ giá năng lượng. “Chúng ta có nguy cơ rơi vào một cuộc phi công nghiệp hóa khổng lồ”, ông De Croo nhấn mạnh.

Mới đây, Phó chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos, cho biết tăng trưởng kinh tế Eurozone trong quý III và quý IV năm nay đang chậm lại đáng kể và tốc độ tăng trưởng gần bằng 0.

Theo dự báo của OECD, trong năm 2023, khu vực Erozone được cho là tăng trưởng ở mức 0,3% trong khi tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là 0,7%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì dự báo mức tăng trưởng dự kiến của khu vực này đạt 0,5% vào năm 2023.

Triển vọng nào cho kinh tế Eurozone?

Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều dự báo các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu sẽ tăng trưởng âm trong quý cuối năm nay và quý đầu năm tới do lạm phát cao kỷ lục và các vấn đề về nguồn cung năng lượng.

Sáng lập viên cơ quan tư vấn tài chính ACDEFI, ông Marc Touati, đánh giá tất cả các dấu hiệu cho thấy khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ bước vào một “chu kỳ Stagflation” tức vừa suy thoái kinh tế và bị lạm phát hoành hành.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết khi thiết lập chính sách tiền tệ, ECB phải tính đến tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, cũng như những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế của EU. Bà nhấn mạnh các quyết sách của ECB có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế khu vực, nhưng đó là cái giá mà châu Âu phải chấp nhận bởi bình ổn giá là một ưu tiên quan trọng.

Theo các chuyên gia, để phá vỡ 3 “gọng kìm” đang siết chặt nền kinh tế Eurozone gồm vấn đề năng lượng, lạm phát theo thang và đồng euro mất giá, Eurozone cần nâng cao năng lực tự chủ về năng lượng, tăng cường điều phối chính sách kinh tế và kết nối điều phối năng lượng của các nước Eurozone, thiết lập quan hệ hợp tác cùng thắng với các nước Đông Á và Trung Đông…

Mới đây, các bộ trưởng tài chính của 19 quốc gia Eurozone cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính tạm thời ở cấp độ quốc gia, nhằm ứng phó với chi phí năng lượng tăng cao. Các biện pháp này sẽ được thực hiện phối hợp để ngăn chặn vòng xoáy giá cả và tiền lương nhằm kiểm soát lạm phát vốn đã ở mức cao kỷ lục.

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng Eurozone cho biết sẽ phối hợp các biện pháp hỗ trợ của mỗi nước để duy trì một “sân chơi bình đẳng” và tính toàn vẹn của thị trường chung EU, đồng thời ngăn chặn những tác động tiếp theo của cú sốc giá năng lượng và lạm phát leo thang.

Xem thêm >> Thổ Nhĩ Kỳ dần nhích lại gần Nga, Mỹ gây sức ép

Cùng chuyên mục
Tin khác