Bất động sản

BĐS tuần qua: Cocobay Đà Nẵng 'vỡ trận', bác bỏ tin bán 200ha đỉnh đèo Hải Vân cho người Trung Quốc

(VNF) - Cocobay "vỡ trận" cam kết lợi nhuận khủng; Lộ diện “vị khách trăm tỷ” của tổ hợp giải trí lớn nhất Đà Nẵng; Chuyển đổi condotel thành chung cư tại Cocobay; Dự án Cocobay Đà Nẵng: "Cái chết" được báo sớm từ người trong cuộc... là thông tin bất động sản nóng nhất trong tuần.

BĐS tuần qua: Cocobay Đà Nẵng 'vỡ trận', bác bỏ tin bán 200ha đỉnh đèo Hải Vân cho người Trung Quốc

Nóng vụ Cocobay Đà Nẵng

Cocobay "vỡ trận" cam kết lợi nhuận khủng

Ngày 25/11, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group), chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng), cho biết công ty sẽ không tiếp tục trả thu nhập cam kết cho khách hàng từ ngày 1/1/2020.

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Empire Group, cho hay việc chấm dứt chi trả thu nhập cam kết (theo phụ lục 6 của hợp đồng mua bán giữa Empire Group và chủ sở hữu) là do những khó khăn về dòng tiền.

Được biết Empire Group lỗ gần 100 tỷ đồng trong năm 2018. Trước đó, năm 2017, công ty cũng lỗ 24 tỷ đồng dù ghi nhận doanh thu nghìn tỷ.

Đến cuối năm 2018, Empire Group lỗ lũy kế 134 tỷ đồng trên quy mô vốn điều lệ 1.030 tỷ đồng. Do quy mô vốn thấp và bị lỗ lũy kế, dư nợ vay ngân hàng ngắn và dài hạn của Empire Group cuối năm 2018 khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cocobay Đà Nẵng là một trong những dự án có mức cam kết lợi nhuận cao hàng đầu thị trường condotel, lên tới 12%/năm.

Tuy nhiên, sự suy giảm của thị trường condotel đã khiến Empire Group không thể tiếp tục chi trả khoản lợi nhuận đã cam kết này.

Dù vậy, Empire Group vẫn khẳng định khoản thu nhập cam kết từ khi kí hợp đồng mua bán đến ngày 31/12/2019 mà Empire Group đã chi trả cho chủ sở hữu sẽ không bị thu hồi. Empire Group sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm chi trả cho chủ sở hữu. (Xem thêm)

Lộ diện “vị khách trăm tỷ” của tổ hợp giải trí lớn nhất Đà Nẵng

Trước thông báo đơn phương chấm dứt trả thu nhập cam kết của Công ty Thành Đô - chủ đầu tư dự án Cocobay, hàng nghìn chủ sở hữu đã bỏ tiền từ vài tỷ đến vài trăm tỷ để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng đang vô cùng "sốc" và hoang mang.

Được biết, một trong những vị khách bỏ số tiền ra lớn nhất tại Cocobay là Tiến sĩ Mai Huy Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhịp cầu Việt Đức, người được báo chí rầm rộ đưa tin vào cuối năm 2017 rằng đã bỏ hàng trăm tỷ để đầu tư các sản phẩm tại tổ hợp giải trí Cocobay Đà Nẵng...

Trả lời trên truyền thông hồi tháng 10/2017, Tiến sĩ Mai Huy Tân (70 tuổi) từng cho biết: "Tôi suy nghĩ, mình sẽ sử dụng những đồng tiền lao động sau một cuộc đời cần mẫn như thế nào cho có hiệu quả. Và lúc này, tôi đặt ra 5 tiêu chí để sử dụng hiệu quả thành quả làm việc của mình sau ngần ấy năm.

Thứ nhất, giữ được giá trị của nguồn vốn; thứ hai có được nguồn lợi nhuận hàng năm tốt hơn lãi suất mà ngân hàng mang lại; thứ ba là không quá vất vả như khi tôi khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 50; thứ tư là con cháu có thể nối nghiệp và cuối cùng là giá trị đầu tư phải được gia tăng trong tương lai".

Chủ tịch Empire Group "phản pháo" ông Mai Huy Tân

Sau vụ "vỡ trận" lợi nhuận Cocobay, trao đổi với báo chí, ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhịp cầu Việt Đức, cho biết sở dĩ ông đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án Cocobay Đà Nẵng là do ông Nguyễn Đức Thành (Chủ tịch Empire Group) và ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch SHB) đến tận nhà mời gọi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành đã lập tức phản bác chuyện này. “Không bao giờ có chuyện tôi và ông Hiển đến nhà ông Tân mời đầu tư”.

Theo ông Thành, năm 2017, chính ông Mai Huy Tân đến văn phòng của Empire Group ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng. Ông Tân khi đó chỉ có 200 tỷ tiền mặt, ông Thành đã giới thiệu ông Tân với Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển để vay 402 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

“Trong 2 năm qua, ông Tân đã nhận của tôi 150 tỷ đồng. Tôi còn nợ ông Tân phần lợi nhuận cam kết của năm nay, gần 50 tỷ đồng nữa. Tôi cam kết vẫn trả tới 31/12/2019”, ông Thành thông tin.

Chủ tịch Empire Group cho hay trước khi đưa ra thông báo dừng chi trả lợi nhuận cam kết, ông đã mời ông Tân lên văn phòng để trao đổi. Tại đây, ông Tân không đồng ý thanh lý hợp đồng mà muốn tự tổ chức kinh doanh các sản phẩm ông đã mua tại dự án Cocobay. Ông Thành đồng ý với đề nghị này của ông Tân.

Do đó, ông Thành “không hiểu vì sao ông Tân lại phát ngôn như vậy” trên báo chí đồng thời cho biết ông đang viết thư riêng cho ông Tân. (Xem thêm)

Dự án Cocobay Đà Nẵng: "Cái chết" được báo sớm từ người trong cuộc

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Empire Group, dự án Cocobay Đà Nẵng do “lớp trẻ của Empire Group” vận hành.

“Tất cả mọi thứ về ý tưởng, kế hoạch kinh doanh… đều được ‘set up’ một cách khoa học, chuẩn mực. Anh Trương Gia Bình (chủ tịch Tập đoàn FPT), anh Trần Bá Dương (chủ tịch THACO) khi nghe kế hoạch đều gật gù rằng quá chuẩn. Thậm chí có những thứ mà anh Dương phải đánh giá là rất bất ngờ”, ông Thành nói tại một buổi tọa đàm nhỏ tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 1/2019.

Tuy nhiên, “tai vạ” đã xảy ra khi Vũ ‘nhôm’ bị bắt. “Tất cả bị đảo lộn hết, dự án bị chậm trễ. Bởi vì kế hoạch kinh doanh ban đầu trong tình thế mới đã không còn khả thi nữa”.

“Các bạn trẻ của tôi, cả về sức đề kháng lẫn khả năng thích ứng với hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam vẫn còn kém. Các bạn tính hết rủi ro về khách hàng, về KPI… nhưng không tính đến rủi ro chính sách”, ông Thành chia sẻ.

Đáng chú ý, ông Thành thừa nhận những yếu kém trong quản trị dự án. Theo ông, trong giai đoạn 2016 – 2017, Cocobay đã chi cả nghìn tỷ đồng để làm truyền thông.

“Mình không quản trị tốt dòng tiền”, ông nói.

Những lùm xùm ở Cocobay Đà Nẵng không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã âm ỉ từ lâu. Sự đi xuống của thị trường condotel trong các năm 2018 - 2019 cũng là một yếu tố làm dự án chìm sâu vào bế tắc.

Để tháo gỡ khó khăn này, ông Nguyễn Đức Thành đã trở lại nắm cương vị điều hành Empire Group, sau một thời gian trao quyền cho “lớp trẻ”. Động thái đầu tiên của Empire Group là thay đổi quy hoạch dự án Cocobay Đà Nẵng.

Sau động thái điều chỉnh quy hoạch, Empire Group tiếp tục “ngửa bài” khi ra văn bản chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận cho khách hàng từ 1/1/2020.

Được biết, Cocobay Đà Nẵng là một trong những dự án có mức cam kết lợi nhuận cao hàng đầu thị trường (12%/năm trong 8 năm).Nguyên do dừng chi trả lợi nhuận cam kết được Empire Group đưa ra là công ty khó khăn về dòng tiền.

Được biết, năm 2018, Empire Group lỗ gần 100 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế vào cuối năm 2018 lên 134 tỷ đồng. Công ty có 5.700 tỷ đồng hàng tồn kho và khoản vay nợ lên tới 2.000 tỷ đồng. (Xem thêm)

Chuyển đổi condotel thành chung cư tại Cocobay

Sau vụ việc Cocobay Đà Nẵng, ngày 29/11, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phát đi thông cáo về tình hình xây dựng condotel trên địa bàn thành phố và thông tin liên quan đến dự án này.

Theo thông cáo, trong 2 năm 2016 – 2017, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã cấp phép xây dựng 6 dự án condotel với tổng cộng 7.590 căn.

Đối với dự án Cocobay, Sở Xây dựng đã cấp phép cho 1.969 căn condotel (trong đó, tòa Cổ Cò 1 là 686 căn, tòa Cổ Cò 2 là 637 căn, tòa Cổ Cò 3 là 536 căn, tòa Naman Garden là 110 căn).

Về việc chuyển đổi condotel thành chung cư tại dự án Cocobay, Sở Xây dựng Đà Nẵng thông tin: ngày 1/2/2019, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định 593 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Cocobay.

Tại quyết định này, thành phố Đà Nẵng chấp thuận cho dự án Cocobay chuyển đổi 1.016/1.856 căn condotel đang xây dựng tại các tòa Cổ Cò 1, Cổ Cò 2, Cổ Cò 3 thành căn hộ chung cư;

Chuyển đổi 554/1.657 căn condotel tại công trình chưa xây dựng tại tòa Cocobay Tower thành căn hộ chung cư;

Chuyển đổi các công trình condotel cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 thành căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề;

Đồng thời thành phố chấp thuận cho chủ đầu tư quy hoạch một số công trình để bố trí văn phòng quản lý, công trình phụ trợ, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại, nhà xe… đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, để thực hiện việc chuyển đổi này, Empire Group đã phải thực hiện các thủ tục theo quy định.

Về chi phí chuyển đổi condotel thành chung cư và xử lý hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư với khách hàng, Sở Xây dựng xét thấy đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Do đó, Sở đề nghị hai bên căn cứ hợp đồng đã ký để xử lý các vấn đề có liên quan. Trường hợp có tranh chấp, Sở đề nghị hai bên liên hệ tòa án có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. (Xem thêm)

Thừa Thiên - Huế bác tin bán 200ha đỉnh đèo Hải Vân cho người Trung Quốc

Lãnh đạo tỉnh Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thông tin trên mạng xã hội về việc 200ha đất đỉnh đèo Hải Vân rơi vào tay người Trung Quốc là hoàn toàn sai sự thật.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, vào năm 2013, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Thế Diệu (do Công ty TNHH World Shine Hong Kong đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên -Huế) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế tại khu vực Cửa Khẻm, thuộc khu vực núi Hải Vân.

Dự kiến khoảng 200ha đất tại Cửa Khẻm được giao cho Công ty trên để triển khai dự án trong vòng 50 năm với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2014, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dừng triển khai dự án này do vị trí xây dựng ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Từ đó đến nay, Thừa Thiên – Huế không cấp chủ trương đầu tư cho bất kỳ dự án nào ở khu vực trên. Trong đó nhiều thông tin đã quá cũ, không kiểm chứng, xác minh nhưng được chia sẻ, lan truyền trên các trang mạng trong thời gian này. (Xem thêm)

Dự án KCN Việt - Nga: Nhà đầu tư sợ mất hàng triệu USD nếu 130ha đất thuộc về Hải Phòng

Khu đất 130ha nằm trong dự án khu công nghiệp Việt - Nga trước đây thuộc tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên trong đồ án quy hoạch chung TP. Hải Phòng diện tích này lại nằm địa phận Hải Phòng. Phía Nga cho rằng nếu đồ án trên được duyệt, nhà đầu tư buộc phải đăng ký lại dự án đầu tư và sẽ chịu rủi ro bị từ chối cấp giấy phép đầu tư mới, đe dọa tính khả thi của cả dự án và sẽ dẫn đến thua lỗ hàng triệu USD.

Dự án này được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/12/2014 với tổng diện tích quy hoạch 487ha và tổng vốn đầu tư đăng ký gần 128 triệu USD. Hiện chủ đầu tư đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án.

Dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2014, tuy nhiên đến nay dự án còn gặp nhiều vướng mắc về việc nạo vét luồng lạch Huyện – sông Chanh và xây dựng kho cảng xăng dầu.

Theo nguồn tin của VietnamFinance, cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam vừa có công hàm gửi Bộ Công Thương đề nghị giải quyết các vướng mắc liên quan tới việc triển khai dự án khu công nghiệp Việt - Nga tại khu Nam Tiền Phong.

Trong công hàm gửi Bộ Công Thương, cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga thông tin rằng trong quá trình triển khai dự án, Công ty Cảng Azov và đối tác là công ty Infra Asia Investment gặp phải khó khăn liên quan đến việc phân định địa giới hành chính giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, cơ quan đại diện này cho biết ngày 10/9/2019, Viện quy hoạch TP. Hải Phòng đã trình Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xem xét đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, khu đất có diện tích khoảng 130ha tại khu Nam Tiền Phong nằm sát kênh Cái Tráp nằm trong địa phận của TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, trước đây khu đất này đã nằm trong diện tích dự án phát triển khu công nghiệp Tiền Phong tại tỉnh Quảng Ninh do Công ty Infra Asia Investment triển khai trên cơ sở giấy phép đầu tư ký ngày 22/11/2014 do Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cấp.

Theo thông tin trên báo chí, quy hoạch này sẽ được trình cho UBND TP. Hải Phòng xem xét vào tháng 12/2019, sau đó sẽ được trình cho Thủ tướng phê duyệt vào tháng 3/2020. (Xem thêm)

Công ty Hàn Quốc được phép thuê 2,3ha đất mặt nước không qua đấu thầu tại cảng Cái Mép

Ngày 26/11, Thủ tướng Chính đồng ý với kiến nghị của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về giải quyết thủ tục đất đai cho Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina.

Theo đó, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc sẽ được phép thuê lại 2,3ha vùng đất mặt nước do nhà nước quản lý mà không phải qua đấu thầu.

Được biết, vùng đất mặt nước này nằm trước khu đất cảng của dự án nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LP do Hyosung Vina làm chủ đầu tư.

Trước đó, năm 2018, Hyosung Vina đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Việt Nam” với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. (Xem thêm)

Tin mới lên