BĐS tuần qua: Công ty con của Vingroup bán 4 lô đất gần 5.600 tỷ, cần hơn 4,7 tỷ USD làm sân bay Long Thành
Lệ Chi -
13/10/2019 11:18 (GMT+7)
(VNF) - Cần hơn 4,7 tỷ USD đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1; công ty con của Vingroup bán 4 lô đất gần 5.600 tỷ đồng cho HBI; sốt bất động sản công nghiệp Hải Phòng, Bắc Ninh vì loạt nhà máy rời Trung Quốc... là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.
Cần hơn 4,7 tỷ USD đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1
Giai đoạn 1 đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ “ngốn” đến 4,7 tỷ USD và Chính phủ đã tính toán đến việc huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước để đầu tư siêu dự án này.
Đây là nội dung chính của Chính phủ trong tờ trình gửi lên Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay) hơn 111.600 tỷ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD. Trong số hơn 4,7 tỷ USD này, ACV cần huy động hơn 98.000 tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD. (Xem thêm)
Công ty con của Vingroup bán 4 lô đất gần 5.600 tỷ đồng cho HBI
UBND TP. Hà Nội cho biết đã cho phép Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thái Sơn chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho Công ty Cổ phần HBI.
Hiện tại dự án này đã đổi tên thành Vinhomes Smart City và là một trong những dự án bất động sản có quy mô đầu tư lớn nhất Hà Nội.
Tổng diện tích 4 khu đất vào khoảng 33.408m2, giá đầu tư phần chuyển nhượng dự án khoảng 5.596 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thái Sơn có trụ sở tại số 7, đường Bằng Lăng 1, Khu đô thị sinh thái Vinhomes River, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Đây chính là công ty con do Công ty Cổ phần Vinhomes sở hữu 100% vốn, phụ trách triển khai dự án Vinhomes Smart City. (Xem thêm)
“Sốt” bất động sản công nghiệp Hải Phòng, Bắc Ninh vì loạt nhà máy rời Trung Quốc
Theo hãng nghiên cứu Jones Lang LaSalle (JLL), dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ bộ vào khu vực miền Bắc ngày càng tăng trong thập kỷ qua, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Quảng Ninh cũng nhanh chóng trở thành tâm điểm đầu tư bên cạnh Hà Nội.
Tính đến quý III/2019, tỷ lệ lấp đầy trung bình ghi nhận ở tất cả các khu công nghiệp hoạt động tại 5 thành phố/tỉnh năng động nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc đạt 69%, tăng 2 điểm phần trăm so với chu kỳ giá tại quý I/2019.
JLL cho rằng nguyên nhân chính đẩy tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc gia tăng hiện nay do các nhà sản xuất muốn rời khỏi Trung Quốc. Đây là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại kéo dài và cả những doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất.
Cũng theo JLL, đến cuối quý III/2019, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê ở mức 9.371ha. Bắc Ninh và Hải Phòng – hai thị trường công nghiệp hàng đầu vẫn có đủ đất trống để chào đón các nhà đầu tư. Hơn nữa, nguồn cung mới đến từ các dự án mới tại vị trí thuận lợi và các giai đoạn mở rộng của các khu công nghiệp hiện hữu cũng cung cấp thêm cho nhà đầu tư nhiều lựa chọn hơn. Chính vì lý do này, hai tỉnh trên vẫn là thành phố thu hút đầu tư lớn nhất ở miền Bắc. (Xem thêm)
“Đại dự án” hơn 4,1 tỷ USD có làm giá đất Đông Anh lên cơn “sốt”?
Phó tổng thư ký VnREA Nguyễn Văn Đính cho biết hiện nay khu vực Đông Anh đang tập trung khá nhiều nhà phát triển bất động sản có tên tuổi như Sun Group, Vingroup, FLC, BRG... Tuy nhiên phần lớn dự án ở đây mới đang ở giai đoạn lập quy hoạch, nghiên cứu, trình duyệt, có dự án bắt đầu giải phóng mặt bằng.
Thông tin liên doanh nhà đầu tư gồm Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) động thổ dự án thành phố thông minh với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD - theo ông Đính - "đương nhiên sẽ làm cho thị trường bất động sản ở khu vực Đông Anh có xu hướng tăng giá".
"Tăng giá ở đây là tăng giá đất đai xung quanh dự án này, chứ không phải là tăng trên toàn bộ khu vực bởi các dự án khác chưa hề có động thái khởi công", ông Đính nói.
Cũng theo nhận định của ông Đính, việc tăng giá đất ở khu vực Đông Anh là có, tuy nhiên không nhiều bởi giá của khu vực này hiện nay đã được đẩy lên ngưỡng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với giá trị thật.
"Trong làng, trong xã, có những nơi giá đất lên tới 20 - 30 triệu/m2 đất, giá này là giá ảo, bất hợp lý và nó sẽ không kích thích được các nhà đầu tư, trừ các đối tượng đầu cơ, lướt sóng kiếm tiền. Thực tế thống kê cũng cho thấy không có giao dịch tại các khu vực này dù được quảng cáo rất nhiều", ông Đính cho biết. (Xem thêm)
VinAcademy thâu tóm hơn 22ha đất Khu đô thị Gia Lâm
UBND TP. Hà Nội đồng ý Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm được chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo VinAcademy.
Theo đó, quy mô của phần dự án chuyển nhượng gồm lô đất trường đào tạo đại học, ký hiệu ĐH: diện tích đất 226.828 m2; diện tích xây dựng 90.731m2; tổng diện tích sàn 1.088.774 m2; mật độ xây dựng 40%; tầng cao 12 tầng thuộc dự án Khu đô thị Gia Lâm.
Tổng mức đầu tư phần dự án chuyển nhượng (tạm tính theo số liệu của chủ đầu tư và được tách từ tổng mức đầu tư của dự án) khoảng 10.567 tỷ đồng. (Xem thêm)
“Ông chủ” lâu đài Tam Đảo và những dự án tai tiếng
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng được thành lập từ năm 2003 có trụ sở tại số 85 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội do ông Lê Xuân Trường (nắm 52,14% vốn điều lệ) làm Chủ tịch HĐQT. Tính đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của công ty này là 81 tỷ đồng, tổng tài sản 1.979 tỷ; nợ phải trả là 1.867 tỷ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 11,491 tỷ đồng.
Theo giấy phép kinh doanh, Công ty Lạc Hồng hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng với nhiều công trình từng tham gia xây dựng như: trụ sở Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, trụ sở Bộ Công an, trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Hội nghị quốc gia, chung cư cao cấp đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), chung cư Viglacera Tower, nhà ở cán bộ chiến sỹ Tổng cục V, trạm bơm Yên Sở …
Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Lê Xuân Trường còn là chủ đầu tư rất nhiều dự án có mức đầu tư lớn rải rác khắp các tỉnh thành như: dự án Belvedere Resort Tam Đảo 270 tỷ đồng; dự án Khu du lịch Tam Đảo hơn 900 tỷ đồng; Khu đô thị chùa Hà Tiên 6ha, tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng; dự án chung cư Lạc Hồng Lotus NO1-T5 1.300 tỷ đồng; Bệnh viện An Sinh - Hà Nội; ự án khu nhà ở Khai Quang 7,3ha với tổng mức đầu tư 585 tỷ đồng; Khu du lịch Bãi Dài – Nha Trang – Khánh Hòa, Khu đô thị Phố Nối – Hưng Yên rộng 15ha.
Mặc dù chỉ có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, nhưng việc Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng lại sở hữu nhiều dự án “khủng” tại những vị trí đắc địa rải rác khắp các tỉnh thành vẫn đang là dấu chấm hỏi trên thị trường địa ốc. (Xem thêm)
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.