Bình Định chỉ đạo 3 địa phương bàn giao 70% mặt bằng cao tốc Bắc - Nam trước ngày 21/11
Khải Nguyên -
30/09/2022 09:35 (GMT+7)
(VNF) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu 3 địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, ít nhất đến ngày 20/11 phải bàn giao mặt bằng được 70%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng vừa có chỉ đạo các địa phương: huyện Tuy Phước, huyện Tây Sơn và TP. Quy Nhơn đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Tự Công Hoàng, chính quyền 3 địa phương đã tích cực triển khai việc kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất đai, tuy nhiên công tác này chưa hoàn thành, cần đẩy nhanh tiến độ, ít nhất đến 20/11 phải bàn giao mặt bằng được 70%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Ban Quản lý dự án 85, đến thời điểm 20/11 phải phê duyệt xong toàn bộ phương án đền bù nhà cửa, vật kiến trúc của người dân, phương án được phê duyệt đến đâu, đơn vị phải sẵn sàng ứng kinh phí để các địa phương chi trả cho người dân.
Cùng với việc lưu ý các cơ quan, địa phương, đơn vị khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải hết sức cẩn thận, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, Phó Chủ tịch Nguyễn Tự Công Hoàng cũng yêu cầu bàn giao mặt bằng sạch các khu tái định cư trước 30/3/2023. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Bình Định nhấn mạnh việc quản lý chất lượng công trình các khu tái định cư; các chủ đầu tư thực hiện chủ trương chỉ định thầu phải lựa chọn các đơn vị có năng lực thực sự, từ tư vấn thiết kế đến nhà thầu thi công.
Phó Chủ tịch Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, ưu tiên hàng đầu của tỉnh là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Bình Định; tiếp đến là các dự án giao thông trọng điểm do Ban Quản lý dự án giao thông làm chủ đầu tư và sau đó là các dự án giao thông do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua địa bàn tỉnh Bình Định dài hơn 118km, đi qua 8 huyện, thành phố.
Trong đó, dự án đi qua địa phận huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước và TP. Quy Nhơn có tổng chiều dài hơn 28,6 km. Tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đoạn qua huyện Tây Sơn khoảng hơn 650 tỷ đồng, huyện Tuy Phước khoảng 560 tỷ đồng và TP. Quy Nhơn hơn 352 tỷ đồng.
Thời gian qua, dù có nhiều cố gắng, song đến nay, công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất tại cả 3 địa phương chưa hoàn thành.
Cụ thể, huyện Tuy Phước kiểm đếm xác định có 771 hộ bị ảnh hưởng, với diện tích khoảng 57,6ha bị ảnh hưởng; 88 hộ bố trí tái định cư và 93 hộ bị ảnh hưởng một phần đất ở; 334 ngôi mộ bị ảnh hưởng phải di dời. Đến nay, huyện thực hiện kiểm kê được 745 hộ bị ảnh hưởng, đạt 96,6% với diện tích khoảng 55ha; xác nhận nguồn gốc đất được 578 hộ và áp giá đền bù được 539 trường hợp, đạt 69,9%.
Huyện Tây Sơn đã kiểm đếm xác định có 1.748 hộ bị ảnh hưởng, với diện tích khoảng 110ha đất; 185 hộ bố trí tái định cư và 323 ngôi mộ bị ảnh hưởng phải di dời. Địa phương đã kê kiểm hoàn thành 100% đất lúa và 95% đất nông nghiệp khác; đã thực hiện kiểm kê đối với 1.654 hộ bị ảnh hưởng với diện tích khoảng 51,8ha; xác nhận nguồn gốc đất được 1.564 hộ, phê duyệt giá đất và áp giá đền bù được 1.324 trường hợp, đạt 75,7%.
Với TP. Quy Nhơn, có 180 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng với 221 thửa đất có tổng diện tích hơn 61 ha; 100 hộ bố trí tái định cư và 60 ngôi mộ bị ảnh hưởng phải di dời. Thành phố thực hiện kiểm kê với 56 hộ/180 hộ bị ảnh hưởng, đạt 31%, xác nhận nguồn gốc đất được 31 hộ, đạt 17,2%. Thành phố cũng đã thẩm định phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng 2 đợt cho 21 hộ và 1 tổ chức bị ảnh hưởng với 34 thửa đất, diện tích 27,5ha, kinh phí là 8,2 tỷ đồng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone