Chi 14.000 tỷ đồng thực hiện GPMB cao tốc Bắc Nam phía Đông

Đinh Tịnh - 21/02/2019 16:59 (GMT+7)

(VNF) - “Hiện ngân sách đã bố trí hơn 14 ngàn tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), chúng tôi sẽ chuyển cho các địa phương để GPMB ngay. Đến tháng 4/2019 phải bàn giao mốc mặt bằng cao tốc Bắc - Nam”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

VNF
Phó Thủ tướng yêu cầu không để GPMB chậm làm ảnh hướng tới tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Đó cũng là nội dung chính được đề cập tại Hội nghị Triển khai công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổ chức tại Nha Trang, ngày 21/2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, tính đến 31/10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cụ thể ,công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới các dự án dự kiến hoàn thành cuối quý I, đầu quý II năm 2019.

Trong đó, riêng Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và triển khai cắm xong cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, đã bàn giao cho địa phương thực hiện kiểm đếm, đo đạc. Dự án Cam Lộ - La Sơn đang lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và cắm cọc thực địa. Các dự án còn lại đang trong bước đấu thầu lựa chọn tư vấn.

Về công tác thiết kế kỹ thuật, dự kiến xong thiết kế Dự án Cao Bồ - Mai Sơn trong tháng 4/2019, Dự án Cam Lộ - La Sơn trong tháng 5 năm 2019 và các dự án còn lại trong tháng 8 và tháng 9/2019.

Riêng cầu Mỹ Thuận 2, do tính chất đặc biệt cần thời gian thiết kế dài hơn, dự kiến xong trong tháng 11/ 2019. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, thiết kế kĩ thuật cho 11/11 dự án.

Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu khảo sát, thiết kế kĩ thuật, cắm cọc giải phóng mặt bằng: Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 11/11 dự án. Với 3 dự án đầu tư công thuộc các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2, đã lựa chọn xong Nhà thầu Tư vấn.

Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị

Với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đã phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/08 dự án. Về cơ bản, các gói thầu/dự án đã được đánh giá xong đề xuất kỹ thuật, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 2/2019.

Về khung chính sách giải phóng mặt bằng các dự án: 3/11 dự án, bao gồm: QL45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết do đi qua một tỉnh nên không phải phê duyệt khung chính sách GPMB.

8/11 dự án còn lại, bao gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách.

Theo đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các tỉnh có dự án đi qua về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các Ban QLDA làm việc với địa phương.

Về việc thành lập Hội đồng GPMB (hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) cho các dự án: 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các Hội đồng GPMB.

Riêng Dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các Huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Hội đồng bồi thường GPMB trên cơ sở kiện toàn lại Hội đồng của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để thực hiện dự án theo đúng quy định

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ghi nhận và biểu dương lãnh đạo các địa phương đã rất tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng “còn rất nhiều việc phải làm, đồng thời khẳng định: “mục tiêu phải triển khai nhanh, cơ bản hoàn thành vào năm 2020-2021. Muốn vậy, năm 2019 phải khởi công được một số đoạn, tuyến”.

“Trong đó, công tác GPMB là nhiệm vụ đặc biệt, quyết định đến tiến độ thi công. Đây là trách nhiệm chính của các địa phương trên toàn tuyến”, Phó Thủ tướng khẳng định.

“Bộ GTVT, các địa phương, và cả người dân phải xem dự án này là trách nhiệm của cá nhân mình chứ không phải trách nhiệm chung nữa vì bởi dự án này có ý nghĩa rất lớn. Các đơn vị phải tập trung quyết liệt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.