Boeing ngừng sản xuất máy bay 737 MAX tác động mạnh tới kinh tế Mỹ

Phương Hoa - 18/12/2019 16:43 (GMT+7)

Quyết định của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ tạm dừng sản xuất dòng máy bay Boeing 737 MAX từ tháng 1/2020, được cho là có thể tác động tới nền kinh tế và thị trường việc làm Mỹ.

VNF
Máy bay Boeing 737 MAX.

Quyết định của tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ tạm dừng sản xuất dòng máy bay Boeing 737 MAX từ tháng 1/2020, sau 2 vụ tai nạn tại Indonesia và Ethiopia, được cho là có thể tác động tới nền kinh tế và thị trường việc làm Mỹ.

Theo ông Michael Feroli, nhà kinh tế hàng đầu của JP Morgan, việc ngừng sản xuất dây chuyền lắp ráp đã hoạt động trong hơn 2 thập kỷ qua của Boeing sẽ làm giảm 0,5% điểm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2020.

Mặc dù Boeing thông báo sẽ không sa thải bất kỳ ai trong số đội ngũ 12.000 nhân viên thuộc dây chuyền sản xuất dòng máy bay 737, song các nhà cung ứng cho Boeing có thể không giữ được tất cả nhân viên, và điều này có thể tác động tới số lượng việc làm ở Mỹ hoặc chi tiêu của người tiêu dùng cũng như GDP. Tuy nhiên, theo ông Feroli, việc nối lại hoạt động sản xuất dòng máy bay này vào bất kỳ thời điểm nào có thể thúc đẩy GDP tăng  trở lại.

Ngày 16/12, Boeing thông báo sẽ tạm dừng sản xuất dòng máy bay 737 MAX từ tháng 1/2020, trong bối cảnh lệnh cấm bay đối với dòng máy bay bán chạy nhất của hãng này sẽ kéo dài sang năm 2020.

Máy bay 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn cầu từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10/2018 và Ethiopian Airlines hồi tháng 3/2019 khiến 346 người thiệt mạng. Thông tin về việc ngừng sản xuất máy bay 737 MAX đã khiến cổ phiếu của Boeing  giảm hơn 5%.

Theo giới phân tích, tập đoàn Boeing có ảnh hưởng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ vì đây là nhà xuất khẩu hàng hóa Mỹ lớn nhất, tác động mạnh nhất tới chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số chứng khoán hàng đầu tính giá trị của 30 công ty lớn nhất nước Mỹ, được xem như thước đo "sức khỏe" nền kinh tế.

Kể từ khi dòng máy bay thương mại Boeing 737 MAX bị cấm hoạt động trên toàn cầu từ tháng 3/2019, một loạt dữ liệu kinh tế chủ chốt của Mỹ như đơn đặt hàng lâu dài và doanh số xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu máy bay từ tháng 3 đến tháng 10/2019 đã giảm 5,5 tỷ USD so với mức cùng kỳ năm ngoái, làm giảm sút hơn nữa tăng trưởng kinh tế quốc dân vốn đã bị ảnh hưởng do doanh số bán hàng ở nước ngoài sụt giảm.

Quyết định của Boeing cũng khiến 600 nhà cung cấp phụ tùng máy bay cho hãng này và hàng trăm nhà thầu phụ khác lao đao. Ngoài ra, các hãng hàng không trên thế giới đang đợi máy bay mới được giao hoặc đã mua dòng máy bay bị đình chỉ đã phải hủy hàng nghìn chuyến bay.

Giới phân tích cho rằng rất khó để đánh giá đúng tác động của việc dừng sản xuất dòng máy bay trên của Boeing đối với các nhà sản xuất nằm trong hệ thống cung ứng cho Boeing. Chịu áp lực lớn nhất trong số này phải kể đến các nhà cung cấp khung máy bay, với cái tên lớn nhất là Spirit AeroSystems sản xuất thân máy bay 737 MAX.

Các công ty cung ứng khung máy bay nhỏ hơn cũng đang phải chịu tình trạng căng thẳng tài chính. Mặc dù nhiều công ty trong số này vẫn cung cấp các bộ phận cho các dòng máy bay khác của Boeing cũng như cho các hãng chế tạo máy bay khác như Airbus, nhưng 737 MAX của Boeing vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong công việc của các công ty này. Một nửa doanh thu của Spirit là từ cung cấp thân máy bay cho Boeing.

Xem thêm >> Đức nói ‘sẽ đáp trả’ nếu Mỹ trừng phạt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.