BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lên tiếng về thông tin thu gần 2 tỷ đồng/ngày

Lê Ngà - 27/06/2019 16:43 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa chính thức lên tiếng về phản ánh thu gần 2 tỷ/ngày và không cần phải đến 17 năm 3 tháng mới hoàn vốn, như hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông vận tải trước đó.

VNF
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lên tiếng về thông tin thu gần 2 tỷ đồng/ngày.

Liên quan tới thông tin báo chí phản ánh về trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trung bình mỗi thu gần 2 tỷ đồng/ngày và chỉ cần 9 năm là thu đủ so với mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, không cần tới 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT ký với Bộ Giao thông vận tải, khoảng thời gian chênh gần gấp đôi, mới đây Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã có văn bản thông tin chính thức.

Theo báo cáo của công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, doanh số thu phí của 5 tháng đầu năm 2019 là 324 tỷ đồng. Trong đó, doanh số thu phí cao nhất là 70,3 tỷ đồng; doanh số thu phí tháng thấp nhất là 60,1 tỷ đồng; trung bình doanh số thu phí ngày là 2,1 tỷ đồng/ngày và trung bình doanh số thu phí tháng là 64,8 tỷ đồng/tháng.

Lý giải về phương án tài chính, phía BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết việc xác định thời gian thu phí được Bộ Giao thông vận tải xây dựng theo phương án tài chính và các số liệu thực tế được cập nhật thường xuyên vào phương án như: tổng mức đầu tư thực hiện, chi phí trả lãi vay ngân hàng hàng năm, chi phí vận hành khai thác, chi phí duy tu bảo trì (gồm bảo dưỡng thường xuyên, trùng tu, đại tu,…), thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và doanh thu thực tế hàng năm.

"Tất cả các khoản chi phí đưa vào trong phương án tài chính đều phải được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và chấp thuận. Chính vì vậy, ngày 12/10/2017, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với công ty về dự kiến thời gian thu phí là 15 năm 6 tháng 14 ngày.

Thời gian thu phí thực tế sẽ được điều chỉnh căn cứ vào lưu lượng và doanh thu thực tế, được cập nhật thường xuyên vào phương án tài chính. Vì vậy, hiện nay một số phương tiện thông tin đại chúng nêu cách tính thời gian thu phí với các doanh nghiệp BOT là chưa chính xác”, phía BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay.

Về việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng trên các làn, phía BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết đã thực hiện đúng và nghiêm túc.

“Việc thu phí hiện nay tại Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là hoàn toàn công khai, minh bạch, có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra còn có sự giám sát chéo của Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) để quản lý doanh thu. Hiện hai bên luôn kiểm tra đối soát hàng ca và được quyết toán ngay trong ngày”, văn bản của Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nêu.

Ngày 3/12/2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản thỏa thuận nội dung phương án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ lưu trữ dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) theo hình thức ВОТ, trong đó yêu cầu Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải đảm bảo hệ thống lưu trữ theo đúng quy định của Thông tư 49/2016 với yêu cầu lưu trữ video đảm bảo là một năm.

Ngày 24/5/2019, VEC có văn bản 3201 báo cáo Bộ GTVT về công tác sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, với nội dung: "Tổng cục Đường bộ VN sẽ yêu cầu Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10.6.2019 cho đến khi công ty thực hiện sao lưu giữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định".

 

Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km, điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng.

Xem thêm: 'Ông chủ' BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu về lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng

Cùng chuyên mục
Tin khác