BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn 'nới' nghị quyết, mở rộng tuyến đường lên 8 - 10 làn

Vũ Hân - 09/01/2021 19:54 (GMT+7)

Dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết không cho đầu tư BOT trên đường độc đạo hiện hữu, nhưng Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn muốn mở rộng tuyến này lên 8 - 10 làn xe với lý do mãn tải sớm.

VNF
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn 'nới' nghị quyết, mở rộng tuyến đường lên 8 - 10 làn

Doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khoảng 750 tỷ đồng/năm

Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ GTVT về tình hình thực hiện dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Theo đó, dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT có chiều dài khoảng 29 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ tháng 10/2015.

Ngoài doanh thu năm đầu tiên (chỉ thu phí trong 3 tháng, từ tháng 10.2015), doanh thu của dự án này đạt hơn 104,5 tỷ đồng, sang năm 2016, doanh thu của dự án đã lên gần 617 tỷ đồng.

Năm 2017 là năm dự án đạt doanh thu cao nhất kể từ khi thu phí đến nay, đạt hơn 755,5 tỷ đồng. Sau đó, do việc giảm giá vé 25% (khi "làn sóng" phản đối BOT nổi lên), doanh thu các năm sau này của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ xung quanh mức 702 - 752 tỷ đồng và lưu lượng xe xung quanh mức 20 - 22 triệu lượt, theo báo cáo của Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tính trung bình năm 2019 lưu lượng xe tăng 25% so với 2017, doanh thu bình quân 62,95 tỉ đồng/tháng, lưu lượng xe bình quân 61.267 xe/ngày đêm (lưu lượng xe ngày cao nhất là 126.744 xe/ngày đêm).

Sang năm 2020, tuy lưu lượng và doanh thu có giảm (khoảng 4%) so với 2019 do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng doanh thu bình quân vẫn đạt xấp xỉ 60 tỉ đồng/tháng, lưu lượng xe bình quân 60.000 xe/ngày đêm (cao nhất là 122.780 xe/ngày đêm).

Mãn tải quá sớm so với thiết kế

Báo cáo nêu khó khăn là dù đã mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe lưu thông, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt trong các ngày lễ, tết do lưu lượng xe tăng nhanh và đột biến trong những năm gần đây. Tuyến đường đã xảy ra mãn tải quá sớm so với thiết kế và phương án tài chính.

Thiết kế và phương án tài chính năm 2014 dự kiến tuyến đường sẽ mãn tải vào năm 2031; đến năm 2017 điều chỉnh thời gian dự kiến mãn tải cao tốc 6 làn xe vào 2022 với lưu lượng khoảng 92.200 PCU (xe con quy đổi).

Thực tế, năm 2019 lưu lượng xe đã đạt 84.240 PCU ngày/đêm, ngày lễ tết đã đạt 144.265 CPU/ngày đêm, dự kiến ngay năm 2021 sẽ đạt bình quân 101.088 PCU/ngày đêm, vượt so với mãn tải là 9,6%, theo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Doanh nghiệp này cho rằng, việc nâng cấp mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 8 - 10 làn xe là cần thiết và có nhiều thuận lợi, như tuyến đang khai thác với doanh thu khả thi về phương án tài chính, thuận lợi kế thừa năng lực, bộ máy am hiểu dự án cho công tác chuyên môn và tiến độ thực hiện dự án vừa thi công vừa khai thác.

Tuy nhiên, việc bổ sung hạng mục này vào dự án chưa phù hợp với Nghị quyết 437/NQQ-UBTVQH 14 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, không cho phép thực hiện dự án BOT trên các trục độc đạo hiện hữu.

Do đó, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội (cơ quan vừa tổ chức giám sát dự án) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung các nội dung Nghị quyết 437 để mở rộng quy mô cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn xe hiện có lên 8 - 10 làn vào dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

>>> Xem thêm: TP. Quy Nhơn sắp đón thêm 2 khu đô thị 80ha

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác